Những mô hình trường học sáng tạo

ANTD.VN - Để giúp học sinh, sinh viên của mình có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân, một số trường học trên thế giới đã đưa ra những mô hình học tập hết sức sáng tạo, có thể là qua lối thiết kế hoặc phương pháp giảng dạy hiện đại.

Mô hình trường học thực tế

Big Picture Learning ở Providence, đảo Rhode, Hy Lạp phá vỡ bức tường giữa giáo dục và thế giới của công việc. Ngay từ đầu, học sinh được dạy phải tìm hiểu đam mê sáng tạo của mình.

Để có thể giúp các em tìm ra đam mê nghề nghiệp của mình và theo đuổi nó, những học sinh ở đây được ghép cặp với người hướng dẫn làm việc trong lĩnh vực mà các em muốn làm trong tương lai. Điều này có nghĩa học sinh sẽ chỉ được dạy những gì mà các em thực sự cần cho nghề nghiệp của mình. 

“Yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp giảng dạy ở trường Big Picture Learning là các em được học trong thế giới thực”, Giám đốc truyền thông Rodney Davis cho biết. Phương pháp dạy này hiện tại đang được áp dụng bởi 55 trường trên thế giới.

Mô hình cá thể hóa

Summit Sierra ở Seattle, Washington, Mỹ là một trong những trường học sáng tạo nhất thế giới. Học sinh có thể chủ động lựa chọn nội dung học tập. Mô hình này đã được Bill Gates đánh giá là cách thức hiệu quả nhất trong giáo dục. Trường bắt đầu hoạt động từ năm 2015 với tổng số học sinh là 200.

Thời gian biểu mỗi ngày bao gồm: đọc 30 phút, giải toán 30 phút, tham gia các khóa học trực tuyến, trao đổi với cố vấn về sự nghiệp và mục tiêu cuộc sống, gặp gỡ những học sinh khác để trò chuyện và chia sẻ cảm xúc trong thời gian sinh hoạt chung. 

“Tôi thích phương pháp này. Khi học sinh bước vào thế giới, chúng sẽ phải tự sắp xếp thời gian, có mục tiêu và nhận ra mình đang kém cái gì. Thật tuyệt vời khi thấy chúng có thể vượt trội trong những kỹ năng đó khi còn trong trường”, ông Gates nói.

Mô hình trường học suy nghĩ khác biệt

Trường Steve Jobs ở Amsterdam, Hà Lan là một trong những ngôi trường cực lực phản đối cách dạy học mà đối xử với mọi học sinh đều như nhau. Theo như ngôi trường này, mỗi trẻ em nên có một kế hoạch học tập riêng thích hợp với tài năng, kĩ năng và mối quan tâm của mình.

Maurice de Hond, người sáng lập trường, nói rằng mỗi học sinh bắt đầu với một kế hoạch phát triển cá nhân (IDP), được đánh giá và điều chỉnh 6 tuần một lần bởi chính các em, phụ huynh và người hướng dẫn (nhà trường không gọi đó là giáo viên).

Dựa trên IDP, mỗi đứa trẻ sẽ được cung cấp những thách thức mới. Tất cả học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 được nhận một chiếc iPad tải đầy đủ ứng dụng hướng dẫn học tập cá nhân, mục đích để giúp các em tự thiết kế chương trình học tập của mình.

Trường học hình khối

Trường Ørestad Gymnasium ở Copenhagen, Đan Mạch hoàn toàn là một không gian mở và không hề có phòng học. Ngôi trường là một lớp học khổng lồ có sức chứa 1.100 học sinh cấp ba.

Các buổi học được tổ chức trong một tòa nhà hình khối lập phương rộng lớn lắp bằng kính. Không gian mở của tòa nhà được chia thành nhiều ngăn riêng biệt với nhiều chỗ ngồi thoải mái, giúp khuyến khích khả năng suy nghĩ sáng tạo của học sinh.

“Chúng tôi muốn là cơ sở giáo dục mà học sinh cùng nghiên cứu để giải quyết các vấn đề, một môi trường mở có sự kết nối với thế giới bên ngoài”, Hiệu trưởng Allan Kjær Andersen cho biết. Ông cũng cho rằng chỉ truyền đạt kiến thức là chưa đủ, cần tạo cơ hội để các em biến kiến thức thành hành động.