- Việt Nam sẽ có thực phẩm biến đổi gene
- Động vật biến đổi gen đầu tiên được Mỹ chấp nhận làm thực phẩm cho người
- Lập lờ thực phẩm biến đổi gen
Băng rôn của Greenpeace phản đối thực phẩm biến đổi gen
Nhiều nhà khoa học hàng đầu ủng hộ
Nhóm này gồm 107 học giả thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, hóa học, vật lý… chiếm hơn 1/3 trong tổng số 296 học giả đoạt giải Nobel còn sống. Trong đó có 41 học giả từng đoạt giải Nobel Y học như James Watson, người đã được vinh danh vào năm 1962 cho công trình khám phá cấu trúc cơ bản của ADN.
Trong thư ngỏ gửi Greenpeace, Liên hợp quốc và chính phủ các nước, họ đề nghị Greenpeace ngưng phản đối việc phát triển cây trồng biến đổi gene bởi có ý kiến cho rằng loại cây đó có thể gây thiếu hụt vitamin gây mù lòa và tử vong ở trẻ em tại các nước đang phát triển. “Chúng tôi hối thúc Greenpeace và các tổ chức khác nên xem xét lại dựa trên kinh nghiệm của những người nông dân và người tiêu dùng trên toàn thế giới đối với các loại cây trồng và thực phẩm được cải thiện thông qua công nghệ sinh học, tôn trọng phát minh của các cơ quan khoa học có thẩm quyền cũng như các cơ quan quản lý, đồng thời từ bỏ chiến dịch chống lại GMO (sinh vật biến đổi gene) nói chung và đặc biệt là Gạo vàng (Golden Rice)”, thư ngỏ nêu rõ.
Các học giả ký vào thư ngỏ khẳng định, Golden Rice là loại gạo biến đổi gene có thể cải thiện sức khỏe và đảm bảo an ninh lương thực tại các nước đang phát triển. Theo các nhà sáng chế loại gạo này, mỗi khẩu phần gạo biến đổi gene có thể cung cấp khoảng 60% lượng vitamin A mà cơ thể cần mỗi ngày.
Cũng trong bức thư ngỏ, các nhà khoa học hàng đầu khẳng định, Greenpeace đã “bóp méo” sự thật về các nguy cơ, lợi ích, cũng như các tác động của cây trồng biến đổi gene. “Chưa có bằng chứng chứng minh về tác hại đối với sức khỏe của con người hay động vật từ việc tiêu thụ các loại thực phẩm biến đổi gene”, thư ngỏ viết. Các học giả kêu gọi Greenpeace chấm dứt các nỗ lực phản đối cây trồng biến đổi gene, đồng thời khuyến khích các chính phủ “bật đèn xanh” cho các “hạt giống được cải tiến thông qua công nghệ sinh học”. “Sự phản đối dựa trên cảm xúc và giáo điều trái với cơ sở dữ liệu phải dừng lại”, các nhà khoa học nhấn mạnh.
Chiến dịch vận động ký tên vào thư ngỏ được tổ chức bởi ông Richard Roberts, Giám đốc khoa học của Công ty New England Biolabs có trụ sở tại Mỹ, và nhà di truyền học Phillip Sharp, người giành giải Nobel Y học năm 1993 cho công trình khám phá ra chuỗi gene intron. “Chúng tôi là những nhà khoa học. Chúng tôi hiểu được logic của khoa học. Những gì Greenpeace đang làm là gây thiệt hại và phản khoa học”, Roberts nói với tờ The Washington Post. Ông Roberts cho biết ông ủng hộ nhiều hoạt động khác của Greenpeace và ông hy vọng tổ chức này, sau khi đọc thư ngỏ, sẽ “thừa nhận rằng đây là vấn đề mà họ đã sai và tập trung vào những thứ mà họ làm tốt”.
Tổ chức Hòa bình xanh phản bác
Về phần mình, Tổ chức Hòa bình xanh đã ngay lập tức lên tiếng phản bác. Trong một tuyên bố, bà Wilhelmina Pelegrina thuộc tổ chức Greenpeace Đông Nam Á khẳng định, các công ty xúc tiến việc sử dụng loại gạo Golden Rice hòng thu lợi nhuận. Trước đó, tổ chức môi trường có trụ sở tại Washington này cho rằng, gạo Golden Rice “gây hại tới môi trường, không tốt cho sức khỏe con người và có thể đe dọa tới an ninh tài chính, dinh dưỡng và lương thực”.
Greenpeace nhấn mạnh, các loại thực phẩm biến đổi gene cần được loại bỏ bởi chưa có nghiên cứu khoa học nào đầy đủ về tác động của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người. “Golden Rice không phải là một giải pháp và hiện không được bán trên thị trường, thậm chí sau hơn 20 năm nghiên cứu. Như Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế thừa nhận, loại gạo này chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề thiếu vitamin A. Vì vậy, hãy tập trung vào các giải pháp khác, hơn là đổ tiền vào Golden Rice”, Greenpeace nhấn mạnh.