“Có tuổi hai mươi thành sóng nước”:

Những kỷ vật còn sống mãi với thời gian

ANTĐ - Ngay trên những ngôi nhà ngày xưa các anh ở, bây giờ là Tượng đài Liệt sĩ uy nghiêm như nhắc nhở người dân thành phố, thế hệ hôm nay, mai sau, hãy tưởng nhớ về sự hy sinh của các anh cho đất nước này, cho những tháng ngày thanh bình hôm nay.

23 năm đã trôi qua, dẫu những kỷ vật đã hoen màu, phai bạc thì ký ức về ngày 14-3 ấy vẫn bồi hồi trong tim bao người.

Con Số 72

Ông Xuân kể: “Ngày 14 Xanh hy sinh thì tối 15 tôi nằm mộng thấy nó về. Lúc đó tôi đang làm nghề chài trên sông Hàn. Ghe đậu lại, tôi vừa nằm xuống định chợp mắt một chút rồi dậy làm tiếp thì mộng thấy Xanh. Xanh về trong hình thể xăm đen, một chân cụt. Tôi hỏi tại sao con thế này thì nó bảo có gì đâu, chiều ngày 13 tàu tụi con mang vật liệu ra xây đảo thì thấy Trung Quốc đã chiếm đảo rồi, họ phóng loa thông báo, yêu cầu ra khỏi khu vực đảo. Tàu chúng con dừng lại, chờ chỉ thị tiếp thì tàu Trung Quốc ra, họ mời thuốc nhưng tụi con không hút. Linh cảm có chuyện chẳng lành, chúng con bật sữa bò ra uống hết.

Sáng hôm sau, thấy cờ Trung Quốc đã bay trên đảo. Lòng tự hào Tổ quốc bị tổn thương, tụi con tràn lên đảo giật cờ Trung Quốc xuống. Lập tức chúng bắn xối xả nên con mới thế này. Nghe tới đây tôi chợt tỉnh, liền nổ ghe chạy một mạch về nhà. Tôi vừa chạy vừa vấp, nhưng vấp lại đứng dậy mà không hề biết đau đớn. Tôi về kể với vợ rồi chạy sang hàng xóm nghe nhờ radio. Tim tôi đập thình thịch mỗi lần tên một người hy sinh, mất tích được đọc lên. Bản danh sách có 74 người. Một rồi hai, rồi mười, rồi hai mươi, ba mươi, các anh em nó mất trẻ lắm, đều trên dưới 20 tuổi. Có người ở Thái Bình, người ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… Mãi tới con số 71 rồi mà vẫn không có tên Xanh. Tim tôi càng đập mạnh. Thế rồi, tới số 72, đầu óc tôi choáng váng, cái tên Lê Văn Xanh, quê Hòa Cường, Đà Nẵng được cất lên. Tôi nghe mà xót xa như rụng bàn tay. Chỉ còn 2 con số nữa thôi... Nhưng...”.

Người cha già ngừng kể để nỗi xúc động lắng sâu tận đáy lòng. Nhìn ra ngoài trời, cái nóng hầm hập như thiêu đốt. Xa xa, tiếng sóng biển vỗ về, trong rì rầm như thủ thỉ, như mách bảo điều gì. “Tôi nghỉ nghề chài lưới đã nhiều năm vì sức khỏe không đủ nữa. Nhưng vài bữa, lòng bồn chồn, tôi lại ra biển đứng dõi mắt về khơi xa. Ở đó là Trường Sa, là quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là vùng biển trong xanh mà đứa con trai tôi đã nằm lại. Tôi ước ao một lần ra Trường Sa để tận mắt nhìn nơi con mình ngã xuống”.

Cụ Muộn đã cắt yếm, viền tay, cổ áo Hải quân để vào gối nằm để được bên con.

Cụ Muộn đã cắt yếm, viền tay, cổ áo Hải quân để vào gối nằm
để được bên con. 

Cha con một ngày giỗ

Mấy chục năm qua đi nhưng mỗi lần nhắc lại cái ngày 14-3 năm ấy, bà Lê Thị Muộn (80 tuổi, hiện trú đường Hàn Thuyên, Đà Nẵng), mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự không cầm nổi nước mắt. Hai cái tin như sét đánh giáng xuống đầu người mẹ, người vợ vốn đã chịu nhiều khổ đau, bất hạnh. Hôm ấy, chồng bà, ông Phan Văn Bé bị bệnh gan rất nặng, đang nằm điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Trong cơn đau, giữa giấc ngủ chập chờn, ông cứ nhìn thấy cậu con trai trở về quẩn quanh hỏi thăm. Và trong phút giây rất tỉnh, chiếc loa phát thanh của bệnh viện thông báo danh sách những người hy sinh và mất tích khi bảo vệ cụm đảo Cô Lin, Gạc Ma, trong đó có con trai Phan Văn Sự của mình. Ông suy sụp, bác sĩ cho vào phòng cấp cứu, nhưng ông đã vĩnh viễn đi theo con. Bà Muộn cũng ngất lịm. Nỗi đau quá lớn, quá bất ngờ. Hai cha con, hai khúc ruột, hai người thân nhất trên đời… vĩnh viễn ra đi.

Từ đó, cứ ngày 14-3, người mẹ, người vợ ấy lại gạt nước mắt làm cái giỗ chung cho hai người. Anh Phan Văn Dân, anh ruột của liệt sĩ Phan Văn Sự hiện ở Hòa Cường Nam kể, hôm đó, cả gia đình đang rối bời vì căn bệnh của cha. Trong lúc lâm trọng bệnh, cha cứ luôn miệng nhắc Sự, bảo nó đã ở đảo về rồi, nó vừa quẩn quanh đây mà sao ông không nhìn rõ mặt. Mọi người phải trấn an, bảo Sự vẫn bình thường để ông bớt lo lắng, yên tâm trị bệnh. Nhưng thật trớ trêu, chính chiếc loa phóng thanh đã khiến ông biết sự thật. Ông đã buông tay, không cầm cự được nữa.

Cụ Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn kể: bữa trưa hôm ấy cũng như bao bữa trưa bình thường, cụ tranh thủ ăn miếng cơm rồi tất tưởi với gánh rau hành. Đột nhiên, chiếc radio đang mở đều đều từ bao giờ có bản tin đặc biệt. Trong bản tin ấy thông báo tên con cụ hy sinh. Cụ xỉu vì quá bất ngờ và không dám tin đó là sự thật. Khi tỉnh dậy, cụ chạy quanh để hỏi về con trai mình. Lúc đầu trên phường nói con cụ mất tích, sau đó gửi giấy báo tử. Cụ bảo, đâu nghĩ nó lại hy sinh giữa thời bình. Không thì tôi đã nghỉ buổi bán rau hành tiễn con lên đường. Không thì tôi đã may cho nó bộ đồ, nấu cho nó bữa cơm no. Nó đi mà chẳng để lại kỷ vật gì ngoài bức ảnh bồng súng trong bộ đồ Hải quân chụp kỷ niệm.

Những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Xanh được gia đình gìn giữ suốt 23 năm qua.
Những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Xanh được gia đình gìn giữ suốt 23 năm qua.

Những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Xanh được gia đình gìn giữ suốt 23 năm qua. 

Sống mãi với kỷ vật

Ông Lê Văn Xuân lặng lẽ mở từng kỷ vật. 23 năm đã trôi qua, gia đình ông vẫn giữ gìn nó để tưởng nhớ đến đứa con trai. Mỗi lần giỗ chạp, hay lễ Tết, ông lại mang những kỷ vật ấy ra để kể cho con cháu trong gia đình. Chiếc ảnh bị rách góc, chiếc yếm Hải quân đã xỉn màu, nhăn nhúm, lỗ chỗ, rồi chiếc chứng minh thư, giấy báo tử… Với ông, những kỷ vật ấy còn quý hơn tiền bạc, bởi nhìn thấy nó như nhìn thấy đứa con trai cao lớn, hiền lành đâu đây.

Không có nhiều kỷ vật như gia đình liệt sĩ Lê Văn Xanh, tất cả những gì còn sót lại của liệt sĩ Phan Văn Sự chỉ là chiếc áo Hải quân và tấm ảnh từ thời học sinh. Cụ Lê Thị Muộn chia sẻ: lúc Sự đi bộ đội, cứ nghĩ sẽ yên lành như anh trai nó, sau vài năm sẽ về, lấy vợ, xây dựng cuộc sống. Thế nên lúc đi có mấy bộ quần áo nó mang cả, đồ đạc chẳng để lại gì. May có chiếc áo Hải quân Sự để lại nên người mẹ già đã giữ làm kỷ vật.

Sau khi Sự hy sinh, mẹ đã sửa lại chiếc áo, tháo yếm và tay viền bỏ dưới gối ngủ để mãi mãi được ở bên cạnh con. Còn chiếc áo, mẹ giữ gìn cẩn thận, mỗi lần đi đâu có việc lại đem ra mặc. Mẹ nói với mọi người, chiếc áo này tốt, Sự nhường lại cho mẹ. Mỗi lần đi đâu mang áo theo như thể có con trai bên mình cho đỡ nhớ. Mẹ kể mà đôi mắt rớm lệ. Từng ký ức, từng hình ảnh, từng nỗi nhớ như hóa thành lệ chảy vào lòng. Mẹ bảo tính Sự tội, thương gia đình lắm. Hồi còn huấn luyện ở Sơn Trà, cuối tuần được nghỉ, về là nó chẻ củi, xách nước, đem cơm cho mấy chị bán dưới chợ Hàn. Khi nó đăng ký đi nghĩa vụ, gia đình đâu biết. Mấy chị em bảo có anh Dân đi rồi, cha thì đang đau yếu, ở nhà lo cho cha, nhưng nó gạt đi. Nó bảo anh em ở Hòa Cường đều lên đường hết, mình ở nhà không chịu được. Nó khát khao được lên đường ra đảo lắm. Hôm đi, cha nó dặn, đi là phải hoàn thành nghĩa vụ, không về tao đánh chết. Nó bảo, cha yên tâm, anh em tụi con khổ cùng chịu, chứ không bao giờ bỏ về. Và đúng như vậy, Sự cũng như những đứa bạn ở Hòa Cường của anh đã không bao giờ trở về.

Khi các anh nằm xuống, ký ức về quê hương vẫn là xóm làng, ao vườn ven sông Hàn mướt xanh một thuở. Bây giờ, quê hương đã khởi sắc, xóm làng xưa đã thành những dãy phố, những con đường, những tòa nhà cao tầng. Và, ngay trên những ngôi nhà ngày xưa các anh ở, bây giờ là Tượng đài Liệt sĩ TP với dòng chữ Tổ quốc ghi công. Tượng đài như nhắc nhở người dân thành phố, thế hệ hôm nay, mai sau, mỗi ngày đi qua đó, hãy tưởng nhớ về sự hy sinh của các anh cho đất nước này, cho những tháng ngày thanh bình hôm nay.

Hải Hậu

(*) Câu thơ trong bài thơ
“Lời người bên sông” của Lê Bá Dương