Những "độc chiêu" hạ sát cây sưa đỏ
(ANTĐ)- Nhiều thông tin cho rằng sưa đỏ là cây hương liệu quý, gỗ tốt không bị mối mọt, có công dụng chữa “bách bệnh”, làm đồ mỹ nghệ phục vụ yếu tố tâm linh, có thể sử dụng từ mạt cưa trở đi và không bỏ sót thứ gì của loại cây này... Chính vì sự quý hiếm này, giá trị của cây sưa đỏ không quy đổi theo m3 thông thường mà được tính bằng kilôgam.
Công cụ lao động "lâm tặc" bỏ lại hiện trường |
Phá hoại có chủ ý?
Thời gian gần đây Hà Nội lại bùng phát nạn chặt trộm cây sưa đỏ. “Lâm tặc” dùng mọi thủ đoạn từ công khai đến âm thầm và có đến 101 cách “thủ tiêu” cây sưa đỏ. Thậm chí chúng còn đe dọa người dân và thách thức cơ quan chức năng khi bị phát hiện.
“Lâm tặc” thường chọn thời gian tiến hành triệt hạ cây sưa đỏ vào đêm khuya, trời mưa gió, khi mọi người đã ngon giấc để ít bị phát hiện. Cưa máy, cưa tay, xe tải nhẹ và cả dao kiếm… là những công cụ mang đi hành nghề của chúng.
Vụ chặt hai cây sưa đêm 26-7 tại sân chơi nhà D6, khu tập thể Trung Tự (Đống Đa) là một ví dụ. “Lâm tặc” ngang nhiên vác cưa máy, đánh ô tô đến hiện trường để cưa… trộm. Khi bị người dân phát hiện, các đối tượng đã tháo chạy khỏi hiện trường bằng ô tô. Tuy chưa kịp thu “chiến lợi phẩm” nhưng hai cây sưa này một đã bị cưa lìa gốc cây còn lại lưỡi cưa cũng đã “liếm” quanh gốc sâu 3cm.
Cây sưa đỏ bị chặt lấy mất thân có "tuổi đời" trên 20 năm |
Ngay sau đó ít ngày, cũng tại sân Con Voi, khu tập thể Trung Tự, lợi dụng trời mưa kẻ gian lại tiến hành chặt trộm một cây sưa đỏ.
Lần này, “lâm tặc” dùng chiêu thức khá “độc” khi dừng ô tô tải nhẹ (động cơ xe để nổ hòng át tiếng cưa máy) che khuất cây và tiến hành chặt hạ. Khi người dân phát hiện các đối tượng này đã lên xe bỏ chạy. Tại hiện trường là một cây sưa đỏ đường kính 26cm, cao khoảng 20m đã bị đốn hạ và cắt rời thành tám khúc.
Vụ triệt hạ cây sưa đỏ ở ngõ 7, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, Thanh Xuân (Hà Nội) lại diễn ra vô cùng trắng trợn và manh động. Trước khi cưa cây, “lâm tặc” đã dùng dây thép buộc tất cả các cửa ra vào của những hộ thuộc dãy nhà D2. Vì vậy, khi thấy động và biết là kẻ gian cưa trộm cây sưa nhưng không nhà nào mở được cửa. Thậm chí, một vài người đứng trên ban công định hô hoán thì bị chúng vác kiếm dọa chém.
Phần ngọn cây héo úa bị treo trên cột điện |
Gần đây nhất, đêm 20-8, “lâm tặc” lại tiến hành triệt hạ một cây sưa đỏ trên phố Xã Đàn (phường Phương Liên), “chiêu thức” lần này diễn ra khá âm thầm. Kẻ gian dùng dây thừng buộc toàn bộ phần ngọn cây sưa đỏ treo vào cột điện. Sau đó chúng tiến hành dùng cưa tự chế, loại cưa này người “có nghề” gọi tên là “cá mập” bởi tốc độ “liếm” thân rất nhanh và không gây tiếng động mạnh cắt lìa thân cây và phần cành lá. Lần này, chúng đã thành công khi “ẵm” đi nguyên phần thân to nhất của cây sưa đỏ. Vụ trộm này, chỉ được phát hiện khi phần lá cây héo úa khiến người dân sinh nghi tiến hành kiểm tra và báo cho cơ quan chức năng.
Mơ hồ lý do “lâm tặc” triệt hạ cây sưa đỏ
Gỗ sưa đỏ còn có các tên khác là “Trắc thối”, “Huỳnh đàn”, “Huê mộc vàng”; tên khoa học Dalbrgia tonkinensis Prain, là loài thực vật quý hiếm thuộc nhóm IA được Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng cho mục đích thương mại.
Vài năm trước, việc chặt trộm cây sưa đỏ trên địa bàn thành phố được lý giải là do nhu cầu sử dụng lõi của loại cây này chế tác đồ mỹ nghệ phục vụ cho việc tâm linh của người nước ngoài. Nhưng nhu cầu này hiện nay đã có dấu hiệu bão hòa.
"Lâm tặc" chỉ lấy phần thân có lõi to |
Trao đổi với ông Cao Cẩm Lê – người được giới chuyên dùng đồ chế tác từ lõi cây sưa đỏ để “chấn trạch”, làm phong thủy đánh giá là một “cao thủ”, cũng tỏ ra ngạc nhiên trước hiện tượng cây sưa đỏ bị chặt trộm hàng loạt. Theo ông Lê, “hàng” làm từ lõi cây sưa đỏ phục vụ việc tâm linh hiện đang “tồn kho” chưa tiêu thụ được khá nhiều. “Cao thủ” như ông mà vẫn đang chịu trả tiền lãi, bởi vài năm trước vay tiền tỷ “găm” hàng nhưng không bán được. Giờ chỉ mong bán hàng tồn hòa vốn còn khó, chứ nghĩ gì đến chuyện nhập thêm. Ông Lê cũng khẳng định: Không có nhu cầu dùng lõi cây sưa đỏ trong giới “tâm linh” thời gian gần đây. Không hiểu “lâm tặc” triệt hạ cây sưa đỏ với mục đích gì!!!
Theo nhận định của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, những vụ chặt hạ cây sưa đỏ đều đã được các đối tượng xâm hại tính toán, lựa chọn địa điểm khá kỹ từ trước và "có nghề". Bởi, các đối tượng chỉ lấy phần thân có lõi to, còn toàn bộ những cành có đường kính lõi nhỏ bị bỏ lại hiện trường.
Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Trước việc bùng phát chặt trộm cây sưa đỏ trên địa bàn Hà Nội, Công ty đã có công văn gửi tới CATP Hà Nội, Thanh tra Xây dựng Hà Nội đề nghị phối hợp điều tra thủ phạm những vụ xâm hại nghiêm trọng các cây sưa đỏ. Đồng thời cũng quán triệt tới các đơn vị thành viên nâng cao công tác kiểm tra bảo vệ tại những địa điểm có trồng cây sưa đỏ.
Việt Anh