Những cuộc hành quân của ý chí và lòng yêu nghề

ANTĐ - Trên những nẻo đường không hề bằng phẳng, mỗi bước chân các anh đi, mỗi giọt mồ hôi đổ xuống là để gần hơn với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương Tổ quốc.

Một công đôi việc

Nếu cứ nghĩ rằng chỉ mang máy móc, thiết bị kỹ thuật và những bộ phim lên chiếu cho đồng bào xem, thế là hoàn thành nhiệm vụ, thì nhầm to. Đoàn chiếu phim lưu động ngoài công tác chuyên môn của mình, còn thực sự là những tuyên truyền viên hiệu quả không kém gì các cơ quan thông tấn, thậm chí còn có phần hơn khi mà những thông tin cần tuyên truyền, qua họ, đã đến được tận khắp hang cùng ngõ hẻm, tận những nơi xa xôi hẻo lánh chưa biết đến vô tuyến là cái gì.

Trước mỗi buổi chiếu, các thành viên trong đội chiếu phim lưu động còn kiêm thêm cả nhiệm vụ tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Những vấn đề như sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, vấn đề bình đẳng giới, bạo lực gia đình… trước đây đồng bào còn chưa biết đến, thì nay, thông qua các buổi chiếu phim lưu động, cũng đã được “phổ cập” về cơ bản.

Anh Thắng, một thành viên trong đoàn chiếu phim lưu động thổ lộ: “Bản thân tôi trước đây khi nói về các vấn đề giới tính, sức khoẻ sinh sản… còn thấy ngượng chín cả mặt. Nhưng bây giờ, tôi có thể nói cả ngày về các nội dung ấy mà vẫn chưa hết chuyện”. Tất nhiên, để làm được điều đó, các anh đã phải trải qua những khoá huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ công tác tuyên truyền, đồng thời bổ túc cho mình thêm nhiều kiến thức về các nội dung đó.

Không thể nói gì hơn ngoài hai chữ yêu nghề và nhiệt huyết. Vì nếu không yêu nghề thì các anh không thể liên tục lặn lội đến các vùng xa xôi như vậy, nếu không nhiệt huyết thì các anh cần chi phải tuyên truyền cho thêm mệt. “Đằng nào thì cũng một công đi, chúng tôi tìm hiểu thêm về những kiến thức ấy, vừa bổ ích cho bản thân, lại vừa có ích cho đồng bào”, anh Thắng giãi bầy.

 


Người có thể ướt, máy móc nhất định phải... khô!

Đi đường bằng với đống máy móc cồng kềnh dưới cái nắng như mấy ngày đầu hạ vừa qua cũng đã không phải là chuyện đơn giản, huống hồ, những cung đường mà đoàn chiếu phim lưu động phải đi qua để đến được với đồng bào các vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương của Tổ quốc không hề bằng phẳng, nếu không muốn nói là hết sức gập ghềnh. Mỗi lần đi chiếu phim phục vụ đồng bào không phải là những chuyến đi bình thường mà đó thực sự là những “cuộc hành quân” của ý chí và lòng yêu nghề.

“Tùy từng địa bàn khác nhau mà có lúc đoàn di chuyển bằng ô tô, xe máy. Rồi có những chỗ xe không thể vào được, khi ấy chỉ còn trông chờ vào sức người”, anh Hữu Thành chia sẻ. Đó là chưa kể đến yếu tố thời tiết, không phải lúc nào cũng chiều theo ý mình. Nhiều khi đang nắng như đổ lửa, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bỗng chốc lại gặp mưa rào, sức khoẻ thì không đáng ngại, ốm đau là một chuyện, nhưng ngại nhất là thiết bị, máy móc ướt, không chiếu phim cho đồng bào xem được thì vừa mất của lại vừa mất công. Vì thế anh em chúng tôi cứ hay đùa nhau rằng “người có thể ướt còn máy móc phải tuyệt đối khô”, anh Thành cho biết thêm.

“Có những kỷ niệm không thể nào quên được”, anh Thành kể. Đó là lần đi chiếu phim cho đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang, đường đi khó khăn lắm. Thấy chúng tôi vác máy móc nặng, mấy thanh niên người Mông đã giúp đỡ, mang đồ nghề lên. Phim chiếu xong, đồng bào khen lắm, nhưng không chịu giúp mang đồ xuống, mà mời chúng tôi vào nhà uống rượu và ra điều kiện: nếu cán bộ uống thắng được trai bản thì sẽ giúp cán bộ mang máy móc xuống. “Lẽ tất nhiên chúng tôi phải “vâng lời” đồng bào mà ngồi uống rượu, không phải vì sợ đồng bào không giúp mình mà một phần để đáp lại thịnh tình của đồng bào và cũng một phần vì… rượu của đồng bào rất ngon”, anh Thành cười nói.

 

Niềm vui sau những giọt mồ hôi thầm lặng

Những thước phim các anh mang đến với đồng bào là có giới hạn, với thời lượng nhất định, nhưng những niềm vui, những tình cảm của đồng bào lại là vô hạn. “Sau mỗi chuyến đi, điều đọng lại trong tâm trí chúng tôi, không phải là những vất vả, khó khăn mà là niềm vui của đồng bào. Nếu được chứng kiến sự háo hức của đồng bào trước mỗi buổi chiếu, chắc hẳn bạn cũng sẽ thấu hiểu vì sao chúng tôi lại có thể yêu nghề đến thế”, anh Thắng bộc bạch.

“Mệt nhưng vui và rất nhiều kỷ niệm, vì đồng bào quý mình lắm”, anh Hoàng Nam, đồng nghiệp của anh Thắng thêm vào. “Chính những tình cảm yêu thương và tấm lòng chia sẻ, cảm thông của đồng bào đã thực sự là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi, để có thể tiếp tục cống hiến, tiếp sức cho văn hóa lan tỏa sâu rộng hơn”.

Bộ phim dù ngắn, hay dài đều mang trong nó những thông điệp, đó sẽ là nhịp cầu văn hoá đưa đồng bào xích lại gần nhau. Những kiến thức mà các đội viên chiếu phim lưu động tuyên truyền cho đồng bào, dẫu chưa phải là nhiều, nhưng cũng là hết sức quý báu, góp phần nhỏ bé cho một mục đích lớn lao: Làm cho cuộc sống của đồng bào tốt hơn, làm cho đời sống tinh thần của đồng bào phong phú hơn.

Cũng chính sự đón nhận ấy của đồng bào đã là một động lực để họ, những người chiến sỹ thầm lặng, đang hàng ngày “hành quân” đi nối nhịp cầu văn hoá qua từng thước phim.