Những ‘‘cô bé lọ lem’’ chốn thị thành

ANTĐ - Con đường nào dành cho các em? Câu hỏi day dứt cứ theo tôi mãi khi chứng kiến hàng vạn các em gái từ các vùng quê đổ vào các thành phố lớn sau Tết Nguyên đán. Những hạnh phúc hay khổ đau đang chờ đón các em ở phía trước? Có thể ở các em chỉ có hy vọng, nhưng với tôi, một người trót làm báo quá lâu, thì tôi biết quá rõ. Hạnh phúc chỉ có một phần, chín phần còn lại là đau khổ, đôi khi là hối hận khi bước chân ra khỏi cổng làng quá sớm.
Những ‘‘cô bé lọ lem’’ chốn thị thành ảnh 1

Những cô bé lọ lem

Làng Cạn, một làng nhỏ nằm heo hút giữa hai huyện Nông Cống và Như Xuân (Thanh Hóa). Lịch sử của làng qua các cụ lão nông, chỉ có vài người đi bộ đội rồi lại trở về làng, chưa có người làng nào định cư ở thành phố. Vậy mà mấy năm nay tình hình đổi khác. Mở đầu là một số trai tráng bỏ ruộng ra Hà Nội làm thuê. Các cậu về đem quà thành phố, đem cả những câu chuyện óng ánh vàng son của đời sống thành phố làm đẹp bao nhiêu giấc mơ của các cô gái làng. Vậy rồi cái sự đến phải đến. 

Một ngày, một bà nạ dòng làng dưới lên làng Cạn tuyển mấy cô gái xinh xắn đi bán hàng tận Hà Nội. Những giấc mơ vàng son đã cướp đi của làng hai cô gái xinh đẹp nhất. Mười ngày sau, một cô trở về không nói câu nào. Một năm sau, cô gái kia cũng trở về thăm làng, vàng bạc đeo đầy người, áo quần tân thời, trông còn đẹp hơn người thành phố. Thêm vài cô gái nữa ra đi… Mãi mấy năm sau, người ta mới biết cô gái “lọ lem” biến thành công chúa kia đã bán tuổi trẻ mình, bán cả linh hồn mình cho quỷ rồi. Cô gái ấy đã là một gái mại dâm lọc lõi. Làng bây giờ không chỉ vắng con trai mà vắng cả con gái.

Nhưng cũng có những cô “lọ lem” trở thành công chúa bằng mồ hôi nước mắt. Làng Cạn có một cô ra thành phố làm thuê, rồi một cơ may bất ngờ, cô thành thợ gốm. Làm thợ mấy năm, cô thành thợ giỏi. Con trai chủ doanh nghiệp phải lòng cô thợ, thế là cô thợ trở thành cô chủ. Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cô ưu tiên tuyển thợ ở làng Cạn. Vậy là có thêm một phần thanh niên nam nữ ở làng Cạn lên thành phố làm thợ gốm. Nhiều nhà tầng, nhiều tường bê tông và nhiều nồi cơm đã về đây từ cô bé “lọ lem” thành công chúa ấy.

Có một điều buồn, dẫu tỉ lệ sinh đang mất cân đối, nam nhiều hơn nữ, nhưng lực lượng lao động trực tiếp hiện nay chủ yếu lại là lao động nữ. Theo thống kê của chúng tôi, 70% lao động trực tiếp hiện nay là lao động nữ. Dĩ nhiên, không kể ngành “công nghiệp tình dục” có đến 99% là nữ “công nhân”. Cũng là một điều tất nhiên, có tới 90% lao động trực tiếp ra đi từ những làng quê. Trong số hàng triệu các cô “lọ lem” ra khỏi làng đó, bao nhiêu cô biến thành công chúa? Ít lắm. Có thể nói một phần thành, chín phần bại, thành là do may mắn, bại là đương nhiên.

Thực trạng buồn

Theo điều tra của chúng tôi, 69% lao động tại các khu công nghiệp trong cả nước, 80% lao động bán hàng tại các thành phố lớn xuất phát từ nông thôn. Nhưng đời sống của họ ra sao? Rất đáng lưu ý. Tôi đã từng đến các khu nhà trọ của công nhân KCN Thăng Long. Hàng trăm cô gái ở trọ trong các xóm nhỏ xung quanh KCN. Tan tầm, họ đổ ra các chợ cóc, mua vét đủ các loại thực phẩm chất lượng kém. Tại các nhà trọ, nhìn bữa ăn đơn giản, không đủ năng lượng tái tạo sức lao động, tôi mới hiểu lý do tại sao họ gầy yếu thế, tại sao có hàng loạt các vụ ngất xỉu trong khi làm việc. Với mức lương có 2 triệu đồng/tháng, duy trì một đời sống như vậy đã là cả một sự cố gắng. Nhưng đó mới là một phần. Buổi tối dọc con đường sau sân bay Nội Bài, hàng trăm cô gái túm tụm dọc đường chờ các thanh niên đến trò chuyện, vui vẻ. Kết thúc các cuộc nói chuyện, một vài cô gái lên xe phóng đi, thật sự không biết đi đâu. Hỏi chuyện một cô gái, cô trả lời buồn bã: “Không ra đây thì đi đâu? Cả nhà máy em toàn con gái… Cũng chẳng hi vọng gì lấy chồng ở đây, chỉ là cho đỡ buồn thôi”. Mấy tháng trước cũng trên con đường này, người ta nhặt được xác một hài nhi bị bỏ lại ở bụi rậm ven đường. Đó là kết quả của sự đỡ buồn chăng?

Phải nói rằng, cuộc sống của đa số dân lao động phổ thông đến thành phố làm việc rất cơ cực. Với mức lương cỡ 2 – 2,5 triệu đồng/tháng, họ chỉ có thể đảm bảo được mức sống tối thiểu cho cá nhân người lao động. Rất ít trường hợp có thu nhập cao hơn, dành dụm chút ít gửi về giúp đỡ gia đình ở quê. Vì vậy, khi gặp khó khăn đột xuất như ốm đau, tai nạn, có việc ở quê… các cô gái buộc phải xoay xở, cố gắng kiếm tiền bằng mọi cách. Đây chính là thời điểm bọn tội phạm thường dụ dỗ lôi kéo các cô gái vào con đường sa ngã. Thêm nữa, các cô gái đều đang ở tuổi xuân rừng rực, nhu cầu tình cảm nam nữ, những ước vọng lập gia đình luôn luôn dày vò các cô, nhưng ở các KCN gần như toàn các công nhân nữ, các tổ chức quần chúng, xã hội chưa quan tâm tới những nhu cầu này của đông đảo công nhân. Vì vậy ít có các tụ điểm văn hóa, các trung tâm giao lưu để giải tỏa tâm lý. Chính đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho bọn tội phạm lợi dụng. Rất nhiều trường hợp tội phạm buôn người đã dùng thủ đoạn giả vờ yêu đương, hứa hẹn với các cô gái, sau khi lợi dụng thân xác đã bán các cô qua biên giới làm gái mại dâm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã bắt giữ, truy tố nhiều tội phạm lừa tiền, lừa tình của các cô gái nhẹ dạ này.

Lao động phổ thông nông thôn ra thành phố làm việc tự do cũng không khá hơn. Chúng tôi đã qua thăm các khu nhà trọ tại bãi Phúc Xá, Phúc Tân, Bạch Đằng… Ở đó, các cô gái, các chị, các bà không thuê phòng trọ mà thuê chỗ trọ. Hai, ba người chung một giường, hai, ba mươi người chung một phòng. Ngày đi làm, đến bữa, ăn cơm bụi, tối về nằm úp thìa ngủ với nhau. Các cô làm đủ nghề, từ giúp việc theo giờ, bán hàng thuê, bán hàng rong, dịch vụ… Thu nhập khá hơn công nhân nhưng cũng đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn. Không ít những cô gái bán rong bị hiếp dâm, cướp tài sản hoặc rơi vào bẫy của bọn buôn người. 

Ngày 4-7-2011, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên xử 13 năm tù cho tên Nguyên Đức Tôn can tội giết người cướp của. Tên Nguyễn Đức Tôn đã lừa chị Trần Thị Tho quê ở xã Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội làm nghề mua bán đồng nát ra chỗ vắng, giết và cướp của chị Thọ số tiền 158 nghìn đồng. Trước đó, ngày 30-10-2007, tên Dương Văn Khánh quê Yên Mỹ, Hưng Yên cũng lừa chị Vũ Thị Loan buôn bán rong vào nhà, giết chết và cướp tiền. Mới đây ngày 1-3-2012, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử ổ buôn người gồm 30 tên tội phạm đã buôn bán hàng chục phụ nữ và trẻ em, trong đó hầu hết là các cô gái xuất phát từ nông thôn lên thành phố làm thuê. Theo một nghiên cứu của Viện Xã hội học, chính lực lượng lao động tự do này là nguồn cung nhân lực dồi dào cho các dịch vụ nhạy cảm như massage kích dục, bia ôm, karaoke ôm, mại dâm… Cũng theo tài liệu này, số gái mại dâm bị thu gom hàng năm phần lớn cũng là các cô gái nông thôn bỏ quê ra thành phố kiếm sống. 

Có một chuyện thật buồn. Cô Phạm Thị Lan (tên đã được thay đổi) quê ở Hòa Bình, vốn là một học sinh ngoan ngoãn, xinh đẹp nhất trường chuyên cấp tỉnh. Thi đại học, cô trúng tuyển một trường đại học danh giá. Nhà cô cũng khá giả, làm một tiệc mừng tiễn cô vào đại học trên 100 mâm, cả làng, cả huyện biết. Vậy mà chỉ hai năm sau, gia đình cô đã phải lên Trung tâm giáo dục lao động bảo lĩnh đón cô về. Bước ra thành phố, chưa kịp nhìn thấy sự lao khổ của đời sống thành thị, cô đã thấy sự xa hoa. Vốn xinh xắn, có bao nhiêu thanh niên săn đón, chiều chuộng. Vậy là cô lao vào chơi bời, hưởng thụ. Rồi đến lúc người tình bỏ đi, tiền hết, tình tan, cô đành bán thân xác lấy tiền chi tiêu. Và kết cục là bị bắt trong một lần bán dâm tại một khách sạn hạng sang. Cô bị đuổi học và… hết cả tương lai.

Tất nhiên cũng còn có rất nhiều lao động nữ ra đi từ nông thôn đã thành đạt tại thành phố. Một phần không nhỏ công chức, viên chức ở thành phố hiện nay là người ngoại tỉnh. Họ là những người chịu khó học tập, trau dồi năng lực bản thân. Một phần không nhỏ trở thành các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng, dịch vụ. Hầu hết xuất phát từ vị trí những người làm thuê, học nghề, dành dụm rồi tiến tới làm nhà đầu tư nhỏ, làm chủ được số phận mình. Đáng tiếc là số lượng đó không nhiều so với hàng triệu lao động nông thôn ra thành phố và hiện nay mỗi năm hàng chục vạn người trong đó phần lớn là phụ nữ đến độ tuổi lao động gia nhập vào đội quân đó. Đất nước đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hàng nghìn nhà máy, xí nghiệp đang mở rộng cửa hết cỡ để đón người lao động. Nhưng làm sao cho bớt cảnh đau lòng, làm sao cho lao động nữ xuất phát từ nông thôn bớt gặp những hiểm nguy…

Các em ra đi mang theo những gì?

Tại bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh), tôi gặp Lê Thị Yến (18 tuổi) mới từ Hà Tĩnh vào kiếm việc làm. “Em mang theo những gì?”, tôi hỏi. Cô trả lời mạnh mẽ: “Em mang theo mấy bộ quần áo và 500 nghìn đồng”. “Có ai quen ở đây không?”, “Không, em không quen ai. Nghe nói trong này nhiều việc, em vào đây xin đi làm”. “Em đã biết gì về thành phố này chưa?”, “Em không biết”. Vậy mà một cô gái 18 tuổi dám xa gia đình, dám lao vào cuộc sống, một cuộc sống đầy hiểm nguy! Đấy không phải là sự ngây thơ, sự thiếu hiểu biết mà là sự liều lĩnh.

Hầu hết các cô gái ra thành phố kiếm sống đều chưa được chuẩn bị sẵn sàng cả về vật chất lẫn tinh thần. Trước hết họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để sống tự lập, tự lo đời sống cho chính mình. Họ chưa có kinh nghiệm đối phó với những bất trắc gặp phải. Đã từng có những cô gái đói lả dọc đường vì chưa tìm được việc làm, chưa gặp người quen, không dám xin ăn và không tìm được nơi giúp đỡ. Ngay cả khi đã có việc làm nhiều cô cũng không biết phải làm gì khi nhỡ ốm đau, có thai… Cô N.T.H. ở Thanh Hóa, bây giờ đã trở thành một chủ cửa hàng bán quần áo trên đường Hàng Bột kể cho tôi nghe một chuyện buồn. Vào năm cô mới ra thành phố làm thuê, cô có yêu một cậu trai, chưa kịp tìm hiểu kỹ, cô đã có thai, cậu trai quất ngựa truy phong. Một mình với cái thai, không dám nói với ai, đến khi muốn phá thai thì đã quá muộn. Ngay đêm sinh nở, cô trốn viện, gói ghém đứa con thật kỹ, cô để đứa trẻ trước một gia đình hiếm muộn chờ đến khi người trong nhà ra bế đứa trẻ cô mới lẻn đi. Bây giờ con cô vẫn ở với nhà ấy, thỉnh thoảng đi qua cô vẫn gặp con mà không dám nhận. Cô thấy mình có tội với con và tự nhủ không thể xáo trộn đời sống của con nữa.

Cái thiếu thứ 2 của các cô gái nông thôn ra thành phố là kiến thức về đời sống thành phố. Giống như cô bé gặp ở bến xe miền Đông, các cô không biết thành phố như thế nào, sống ở thành phố ra sao? Các cô không hiểu rằng đời sống ở thành phố cũng lao khổ như ở nông thôn, cũng có người giàu, kẻ nghèo và không phải cơ hội có thể đến với mọi người. Cái vẻ ngoài hào nhoáng với những tòa nhà sang trọng, những sàn nhảy, những cửa tiệm rực rỡ ánh đèn không phản ánh đời sống thật, đời sống của lao động. Các cô không được ai chỉ cho vị trí của mình trong đời sống và con đường để đi tới tương lai.

Chính vì vậy, các cô rất dễ rơi vào thân phận của con phù du chỉ hướng tới những ánh đèn rực rỡ rồi chết trong thứ ánh sáng nghiệt ngã đó. Khẩn cấp hơn, không ai dạy cho các cô gái nông thôn về những hiểm nguy và cách đối phó của đời sống đô thị. Rất nhiều các cô gái bị bọn xấu cưỡng bức đưa lên xe máy vào nhà nghỉ không dám kêu người cứu giúp mặc dù đường phố tấp nập người qua lại, rất nhiều các cô gái bị cướp bóc, bị xâm phạm thân thể không dám trình báo công an… Tất cả đều do thiếu hiểu biết.

Chính sự thiếu hiểu biết ấy làm cho các cô sợ hãi và đầu hàng trước mọi sự áp bức. Cô gái khỏa thân mới nhảy từ tầng 3 một khách sạn ở Hà Nội vừa rồi là một ví dụ. Bị kẻ xấu ép đưa vào nhà nghỉ, lẽ ra cô phải hét lên, phản kháng ngay ở cửa nhà nghỉ, ở quầy lễ tân. Nhưng quá sợ cô đã phải theo hắn lên phòng và lúc không thể khác được, cô liều mình trần truồng nhảy từ tầng 3 xuống, trọng thương. Trường hợp cô gái bị xăm hình quái vật lên mặt cũng vậy. Lẽ ra cô phải phản kháng, phải đến các cơ quan bảo vệ pháp luật trình báo, nhưng do sợ hãi, cô đành theo họ tới tiệm xăm để phá hoại bộ mặt của mình. Vấn đề ở chỗ là các cô thiếu hiểu biết, nhưng có một vấn đề lớn hơn, ai cho các cô sự hiểu biết ấy và trách nhiệm xã hội trong vấn đề này ở đâu?

Không phải chỉ thiếu kiến thức, các cô còn thiếu sự chuẩn bị về vật chất cho một cuộc phiêu lưu ở thành phố. Lẽ ra trước khi ra thành phố kiếm việc làm các cô phải chuẩn bị sẵn một nơi trọ, một khoản tiền đủ sống vài tháng cho đến khi tìm được việc làm, hoặc chí ít cũng phải có một người tin cậy đỡ đầu, giúp đỡ lúc khó khăn. Hiện nay chỉ mỗi các cô gái ra thành phố đi học có sự chuẩn bị này, còn hầu hết chỉ lận túi đủ tiền xe quay về nếu không kiếm được việc làm. Tôi dùng từ phiêu lưu là vì vậy, mặc dù đúng nhất là liều lĩnh. Có một cô gái (tôi xin giấu tên) vào thành phố xin việc, việc chưa có tiền lưng đã cạn, cô đành nghe theo một lời xui dại vào quán karaoke làm tạm vài ngày. Trong thâm tâm cô chỉ muốn làm kiếm đủ tiền xe về nhà với mẹ. Hỡi ôi! Cô có biết đó là nơi vào rồi không có đường ra. Chỉ đến khi công an phá vỡ ổ mại dâm này cô mới được về nhà, dĩ nhiên sau ba tháng ở Trung tâm giáo dục xã hội.

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Đứng trước tình hình mỗi năm hàng chục vạn lao động phổ thông từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, từ nông thôn ra thành phố, trước thực trạng buồn của đời sống vật chất và tình thần của lao động nữ, trước sự bành trướng của tệ nạn xã hội đã đến lúc cơ quan chức năng và các tổ chức quần chúng, xã hội phải quan tâm. Theo chúng tôi, tại các địa phương, thấp nhất là cấp huyện cần sớm triển khai công tác tuyên truyền giáo dục về lao động, sớm triển khai việc trang bị kiến thức xã hội cho các lao động trước khi rời nông thôn ra thành phố. Không chỉ định hướng về lao động, định hướng về phát triển sự nghiệp mà còn phải giáo dục kiến thức xã hội, cần phải cho các lao động, đặc biệt các lao động nữ những kiến thức về đời sống thành phố, những hiểm nguy và cách đối phó. Phải sớm cho các cô gái biết các cô có quyền gì và bảo vệ các quyền đó như thế nào. Những luật nào điều chỉnh các hành vi của các cô trong đời sông thành phố, những nơi nào các cô có thể tìm thấy sự giúp đỡ. 

Các trung tâm giới thiệu việc làm cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn, trang bị kiến thức cho người lao động. Không chỉ kiến thức về lao động, về nghề nghiệp mà cả kỹ năng sống tại nơi làm việc. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi đi lao động xuất khẩu, các lao động được giáo dục rất kỹ về pháp luật, về phong tục và những nguy cơ ở nơi làm việc trên đất bạn, nhưng những lao động được tuyển vào các khu công nghiệp, các nhà máy tại các thành phố lại không được giáo dục như vậy. Đó là một sự không công bằng.

Một mặt khác, ngay tại các thành phố, các khu công nghiệp cũng phải sớm triển khai các hoạt động hướng đến việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của lao động xuất phát từ nông thôn. Có lẽ đã đến lúc cần có những ưu đãi cho các hoạt động này. Nó không chỉ bao gồm các nhà văn hóa, các tụ điểm văn hóa giải trí mà còn các cơ sở học thêm, các cơ sở giáo dục kỹ năng sống, đối phó với nguy hiểm. Ngoài ra, còn cần thành lập các trung tâm trợ giúp người lao động, trợ giúp tâm lý, trợ giúp pháp lý, nhà lánh nạn và những trợ giúp vật chất lúc cần thiết. Vai trò của các tổ chức xã hội, ví dụ như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, thậm chỉ cả các Hội đồng hương rất quan trọng trong hoạt động này.

Hy vọng với những cố gắng của toàn xã hội, những chuyện buồn về các cô gái nông thôn ra thành phố kiếm việc làm sẽ ít đi. Hy vọng các cô “bé lọ lem” dẫu không thành công chúa vẫn có thể vẹn nguyên về với mẹ, với làng quê thân yêu.