Những chuyến công du siêu tốn kém

ANTĐ - Những chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ - người đứng đầu quốc gia hùng mạnh nhất thế giới luôn là tâm điểm của truyền thông. Mỗi cuộc thăm viếng luôn được lên kế hoạch kỹ lưỡng với yêu cầu an ninh cao độ cũng như chi phí chuẩn bị tốn kém.

Các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ luôn yêu cầu an ninh nghiêm ngặt và khá tốn kém

An ninh tuyệt đối nghiêm ngặt

Hầu hết các quốc gia, thậm chí cả những đối thủ địa chính trị với Mỹ, cũng muốn Tổng thống Mỹ tới thăm. Sự hiện diện của nhà lãnh đạo một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là dấu hiệu của sự tôn trọng. 

Khi Tổng thống Mỹ sắp tới thăm nơi nào, các phương tiện truyền thông địa phương thường bàn luận về việc phong tỏa an ninh tại nơi đó. Chuyến thăm Ấn Độ hồi năm 2015 của ông Obama cũng không ngoại lệ. Tờ Hindustan Times đưa tin, thủ đô được siết chặt quản lý, các văn phòng và đường giao thông chính, cũng như ga tàu điện ngầm đóng cửa để đảm bảo an ninh.

Thực tế là những chuyến công du của Tổng thống Mỹ yêu cầu an ninh cao độ. Nhưng một số nước chủ nhà đã thắt chặt kiểm soát quá mức cần thiết. Theo lời kể của ông Steve Atkiss, phụ tá đặc biệt cho Tổng thống George W.Bush, trong chuyến thăm New Delhi của ông Bush hồi năm 2006, các đại lộ chính hầu như trống vắng, không có dấu hiệu hoạt động văn hóa đường phố sôi động. 

Trong khi đó, trong chuyến thăm của ông Obama tới New Delhi, đoàn phụ tá của ông đã đặt toàn bộ khách sạn Maurya. Các khách đặt phòng tại khách sạn vẫn được thoải mái ra vào nhưng họ phải đi qua máy kiểm tra kim loại. Tháng 6-2014, ông Obama bị quay lén khi đang tập thể dục tại một khách sạn ở Ba Lan. Cơ quan Mật vụ Mỹ bác bỏ ý kiến đây là lỗ hổng an ninh.

Đối mặt với nguy hiểm cao 

Trong bất kỳ chuyến thăm cấp cao nào, tổng thống có thể là mục tiêu dễ bị tấn công. Do vậy, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2015, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã yêu cầu Ấn Độ có ngoại lệ cho phép ông Obama ngồi xe limousine chống đạn tới cuộc diễu hành mừng Ngày Cộng hòa thay vì đi cùng Tổng thống Ấn Độ.

 Cơ quan Mật vụ Mỹ phải dựa vào lực lượng an ninh nước ngoài để tăng thêm sức mạnh khi tháp tùng tổng thống công du. Trong chuyến thăm Tbilisi (Georgia) của Tổng thống Bush năm 2005,  một người đã ném lựu đạn về phía tổng thống khi ông đang phát biểu. Lựu đạn rơi gần nơi ông đứng nhưng không nổ.  

Đó là lý do tại sao các nhân viên Cơ quan Mật vụ Mỹ phải lên kế hoạch bảo đảm an ninh nghiêm ngặt trong các chuyến công du của tổng thống. Trong một chuyến thăm Pakistan của Tổng thống Bush, cơ quan an ninh Mỹ đã triển khai 4 loại phương tiện di chuyển, đến cả lực lượng an ninh nước chủ nhà cũng không biết tổng thống di chuyển bằng phương tiện gì.

Chi phí công du cao ngất ngưởng

Chuyến công du tới Ấn Độ vào năm 2010 của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đồn đoán là tiêu tới 200 triệu USD mỗi ngày. Thời điểm đó, Mỹ chi khoảng 190 triệu USD/ngày cho chiến dịch quân sự và ngoại giao ở Afghanistan. Chuyến công du của Tổng thống Mỹ thường tốn kém, nhưng có lẽ không cao giá như vậy.

Một tài liệu rò rỉ và được Washington Post đăng trước thềm chuyến thăm 3 nước châu Phi hồi năm 2013 của ông Obama cho thấy, chuyến công du này kéo theo hàng trăm nhân viên mật vụ tới các cơ sở ở Senegal, Nam Phi và Tanzania; một tàu sân bay Hải quân hoặc tàu đổ bộ với đầy đủ nhân viên y tế đóng ở ngoài khơi phòng trường hợp khẩn cấp; các máy bay vận tải quân sự mang theo 56 phương tiện hỗ trợ, trong đó có 14 ô tô limousine, 3 xe tải chở kính chống đạn để che cửa sổ khách sạn nơi gia đình tổng thống nghỉ lại trong chuyến thăm. Chiến đấu cơ thay ca trực an ninh 24/24 giờ trên không. Chuyến đi 8 ngày này của ông Obama được ước tính tiêu tốn 60-100 triệu USD. 

Theo báo cáo của Văn phòng minh bạch hoạt động Chính phủ Mỹ, chuyến công du 6 nước châu Phi năm 1998 của Tổng thống Bill Clinton tốn ít nhất 42,7 triệu USD.