Những cánh thư vượt thời gian

ANTĐ - Hơn một nghìn lá thư là cả nghìn lời yêu thương và nhớ nhung của vợ chồng Liệt sỹ, Thượng tá Nguyễn Thăng Bình gửi cho nhau đang là kỷ lục thư tình của một thời máu lửa...

Là thế hệ đi sau nên chúng tôi hiểu về lịch sử và ngẫm nó chỉ qua những trang sách, lời kể, dòng lưu bút hay những tập hồi ký của bậc cha anh đi trước còn lưu giữ lại. Ở đó, bên cạnh sự hào hùng vẫn phảng phất đâu đó sự tinh khiết và thật bình yên trong cõi lòng mỗi con người. Hôm nay đây, tôi lại có thêm một lần may mắn được ngồi trò chuyện với nhà báo Hoàng Điệp - người đã được các con gia đình Liệt sỹ Nguyễn Thăng Bình gửi gắm hàng nghìn bức thư với những di vật thời chiến của cha mẹ mình - để thêm một lần thấu hiểu một góc lịch sử khi thời gian đi qua không thể xóa nhòa!  

…Thượng tá Nguyễn Thăng Bình SN 1924 tại Nhơn Hưng, An Nhơn, Bình Định, bắt đầu tham gia cách mạng từ tháng 8-1945. Gia nhập quân đội, đồng chí tham gia nhiều chiến dịch và được tặng thưởng rất nhiều huân huy chương... Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, đồng chí Nguyễn Thăng Bình đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Sư đoàn trưởng các sư đoàn 308, 312, 325; Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc... Nhà báo Hoàng Điệp kể lại: “Ồ, giống quá”, đó là câu đầu tiên mà nhà văn Tô Hoài thốt lên khi gặp anh Nguyễn Trung Dũng, con trai của Liệt sỹ Nguyễn Thăng Bình, người chỉ huy tài trí, dũng cảm của đơn vị nổi tiếng mà ông đã viết một cuốn sách cách đây hơn 60 năm với tên gọi “Đại đội Thăng Bình”. Mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng nhà văn Tô Hoài rất hào hứng với cuộc gặp mặt này và ông không tỏ ra chút nào mệt mỏi. Tất cả những ký ức của nhà văn Tô Hoài về một nhà quân sự trong những năm tháng kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc đã được ông nhớ lại. 

Năm 1949, nhà văn Tô Hoài đang là phóng viên của Báo Cứu quốc và được giao nhiệm vụ đi chiến dịch Tây Bắc vào vùng giải phóng Nghĩa Lộ, Yên Bái. Dọc đường đi chiến dịch ông được nghe người ta kể nhiều về những chiến công của Đại đội độc lập, Đại đội anh cả trong đánh du kích tại mặt trận Tây Bắc. Lúc ấy, nhà văn Tô Hoài đã “phục” rất nhiều lần để tìm cách “tóm” được vị Đại đội trưởng nhưng ông lại không có cơ hội bởi người Đại đội trưởng ấy luôn bận bịu, ban đêm lo chỉ huy đánh du kích, ban ngày lo huấn luyện quân đội. Nhưng một cơ may hiếm hoi mà nhà văn Tô Hoài đã gọi đó là “cái may của tôi” và cái không may của Thăng Bình đó là vị Đại đội trưởng trượt chân ngã sái chân. Cơ hội của nhà văn Tô Hoài đến, thế là có gần một tuần ở gần, tiếp xúc với nhau. Sau đó cuốn Đại đội Thăng Bình được ra đời năm 1950, do NXB Cứu quốc ấn hành. Sách tuy không dày, chỉ hơn 40 trang, nhà văn Tô Hoài viết dưới dạng ký nhân vật và ngay lập tức trở thành sách “gối đầu giường” của rất nhiều thanh niên, thiếu niên ở các vùng tự do.

Sau này, những người trong gia đình ông Bình kể lại rằng, cũng bởi cuốn sách và nhân vật có thực của nhà văn Tô Hoài mà đã có cô nữ sinh trường THPT Tân Trào, Tuyên Quang đã mang lòng yêu người Đại đội trưởng ấy. Năm 1953, mối duyên lành đã chắp cánh cho họ nên vợ nên chồng. Kết quả của một tình yêu rất đẹp, trải qua thử thách và sóng gió nhưng chiến tranh đã khiến cho họ có rất ít thời gian bên nhau. Trong suốt 8 năm dài đằng đẵng từ tháng 2-1962 đến tháng 2-1970, do công tác cách mạng, họ không thể ở bên nhau và những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng không đủ cho họ nói hết với nhau một câu chuyện... Thế là, để giãi bày tâm sự về cuộc sống, về tình yêu dành cho nhau, họ đã mượn đến những cánh thư - hàng nghìn trang thư được viết từ hậu phương và cũng ngần ấy trang thư được gửi từ tiền tuyến”... 

Nhà báo Hoàng Điệp, người may mắn được những người con Liệt sỹ Nguyễn Thăng Bình trao gửi những di vật của cha mẹ mình đã nói: Thư tình, điều ấy xưa có từ khi con người phát minh ra chữ viết. Nhưng những trang thư tình được viết trong chiến tranh thì cảm động hơn rất nhiều lần so với những trang thư khác bởi nó được viết ra trong hoàn cảnh khó khăn của bom rơi đạn lạc, khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc... Chiến tranh khốc liệt, cuộc sống thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn nhưng họ, với một tình yêu cao cả, một lý tưởng cách mạng trong sáng đã giúp họ vượt qua những khó khăn đời thường của cuộc sống và hơn hết, tất cả tâm tư nguyện vọng của họ đều dành cho Đảng, dành cho cách mạng và mong muốn ngày độc lập trên khắp đất nước. Trong cả nghìn trang thư gửi về từ mặt trận, không có lá thư nào đồng chí Nguyễn Thăng Bình nhắc đến nỗi khó khăn nguy hiểm của chiến trường, cũng như cả nghìn trang thư gửi đi không có lá thư nào cô giáo Nguyễn Thúy Nhuần than thở với chồng những chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày. Tràn ngập trong thư của họ là những lời lẽ yêu thương và nhớ nhung, cũng như lời động viên nhau gắng gỏi trong công tác, học tập nuôi dạy con cái... Từ những lời thư nồng nàn thương nhớ chồng gửi cho vợ như: “Gửi đến em nhiều cái hôn đằm thắm và nhung nhớ”, đến lời động viên của chồng ở nơi xa: “Nói chung các con mình ngoan đấy, chịu nghe lời ba mẹ, đó cũng là công lao của em yêu đấy nhưng phải cố gắng em nhé”; rồi lời tâm sự của người vợ với chồng: “Anh ơi, thật là bước đường cách mạng gian lao lúc này, em càng thấy sung sướng bao nhiêu thì càng thấy xúc động bấy nhiêu khi vắng anh và thương người cha đã khuất... Đôi lúc em cũng thấy lo đến sức khỏe của mình nhưng trước yêu cầu của cách mạng mình phải mang hết tâm lực ra để phục vụ”, rồi “Người tuy xa nhưng lòng không xa được phải không anh? Vì mỗi chiều đến, trong đêm khuya khoắt đều nghĩ đến anh”, “giấc mơ của em cứ muốn kéo dài mãi để có những phút sống bên anh”... 

*     *     *

“Tôi đã đọc nửa tháng trời, từng bức thư một của gần 2.000 bức thư. Đó là một câu chuyện hay!... Một phần do bận rộn, phần nữa cũng không có thời gian để đọc và sắp xếp lại nên cả 3 người con của Liệt sỹ, Thượng tá Nguyễn Thăng Bình và cô giáo Nguyễn Thúy Nhuần chưa thể đọc hết được những bức thư của cha mẹ mình nên cũng không hiểu hết câu chuyện. Lúc tôi có cơ hội tiếp cận, đọc mải miết và sắp xếp lại theo trình tự thời gian mới biết những trang thư không chỉ là câu chuyện tình yêu, mà lúc bấy giờ con người ta gắn câu chuyện tình yêu với câu chuyện thời chiến, với tình yêu nước thật mạnh mẽ. Cứ 3 ngày là họ viết thư cho nhau, thư nhiều lắm, chồng chưa nhận được thư là sốt ruột viết thư hỏi, người vợ cũng đáp lại vậy: “Ba hôm nay chưa nhận được thư anh!”…

 Thời đó năm 1966, 1967 đến năm 1972 cả Hà Nội đi sơ tán, nhà cô giáo Nguyễn Thúy Nhuần phải chuyển từ phố Hàng Buồm sang tận Đông Anh, nhưng cứ vài ngày cô giáo Nhuần chẳng quản hiểm nguy lại đạp xe từ Đông Anh về Hà Nội để tìm thư vì chỉ có mỗi ngôi nhà cũ trên phố Hàng Buồm là có địa chỉ thôi. Cứ mỗi lần sang lấy thư là cô giáo Nhuần lại hồi âm kể cho chồng: “Hôm nay em về nhà để tìm có thư anh không mà cả nhà trống trơn không thấy cái thư nào cả, lúc đi về tới Yên Viên thì máy bay Mỹ ném bom cháy kho xăng, thật may mắn em không chết để vẫn còn ngồi đây để viết thư cho anh…”. “Tôi rất xúc động bởi bây giờ chúng ta được sống trong hòa bình nên không thể hiểu thời khắc hòa bình nó đáng quý như thế nào trong thời kỳ chiến tranh; khi xa nhau tình cảm của họ hướng về nhau rất nhiều và trân trọng những khoảnh khắc được ở bên nhau; ngoài những câu chuyện tình cảm, cha mẹ, con cái thì trong những bức thư ấy người ta nói về tình yêu đối với đất nước” - nhà báo Hoàng Điệp chia sẻ - “Cả 8 năm xa nhau ấy, họ gặp nhau trên những cánh thư, và cũng chỉ có người vợ ở hậu phương được nhìn các con lớn lên, nhưng họ vẫn một lòng hướng về nhau và tin tưởng rồi nhất định một ngày đất nước sẽ được độc lập. Nhưng khi cái ngày đất nước sẽ độc lập không còn xa nữa, cái ngày cả gia đình sum họp cũng không còn bao lâu nữa thì đồng chí Nguyễn Thăng Bình hy sinh ở chiến trường Lào, tại mặt trận Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Nỗi mất mát lớn lao và đau đớn này đã khiến cô giáo Nguyễn Thúy Nhuần tưởng như quỵ ngã. Nhưng cô vẫn đứng lên, ở vậy, hy sinh tất cả cho con và nuôi dạy con cái nên người”... 

Ngày trọng đại của dân tộc nơi nào cũng có cờ bay và chỗ nào cũng có những nụ cười thì cô giáo Nhuần ngồi ở cửa nhà mà khóc. Nỗi chịu đựng bao nhiêu năm vì sự thiếu vắng hình bóng người chồng, người đàn ông mà cô tôn thờ, thần tượng, người đàn ông lúc nào cũng chiếm vị trí số một trong trái tim cô đến bây giờ lại trỗi dậy. Những nén chịu đau đớn của cô sau bao năm giờ như vỡ òa ra khi cả dân tộc mừng chiến thắng... Qua những cánh thư đã “khơi” lên một góc rất nhỏ trong cuộc đời một người chỉ huy đã kinh qua những giờ phút huy hoàng cũng như cam go nhất trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Kỷ lục về những bức thư tình thời chiến đã đi cùng năm tháng, bởi trong những là thư ấy, ngoài tình yêu họ dành cho nhau, mà cao hơn đó là tình yêu đất nước.

 Tài sản mà Liệt sỹ, Thượng tá Nguyễn Thăng Bình cùng vợ của mình để lại đến ngày hôm nay không chỉ là những trận đánh và những ký ức trong lòng đồng đội mà còn là những Huân chương Quân công, Huân chương Kháng chiến, Huy hiệu Hồ Chí Minh... và cả nghìn lá thư họ viết cho nhau. Những lá thư được viết đi, gửi lại chính là những minh chứng quý giá cho một thời chiến tranh, một thời khó khăn của dân tộc nhưng nó cũng chứng tỏ lòng kiên trinh của những người con cách mạng với Đảng với Đất nước.