Những cảnh đời chát đắng bên trong nhà tù "phạm tội đạo đức"

ANTĐ - Afghanistan có cả một hệ thống nhà tù lớn nhỏ khá dày đặc. Tuy nhiên, ở đây chỉ có một vài nhà tù dành riêng cho nữ phạm nhân (chủ yếu là tội phạm đạo đức như: chạy trốn bạo lực, hôn nhân cưỡng ép và “ngoại tình”), trong đó điển hình là 2 nhà tù tại Kabul và Herat. 

Gulnaz bế trên tay đứa con của kẻ cưỡng hiếp cô tại nhà tù Badam

12 năm tù vì tội… bị cưỡng hiếp có thai

Theo điều tra của Tổ chức Thompson Reuters, phụ nữ ở Afghanistan bị đối xử tồi tệ nhất trên thế giới. Ở đây, phụ nữ phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, không có quyền được học hành và bảo hiểm y tế. Cho dù là người giám hộ hay xã hội cũng không cho họ có được những quyền lợi cơ bản nhất. Luật pháp ở Afghanistan cũng không quy định kẻ hiếp dâm hay bạo lực gia đình là phạm pháp. Nhưng luật pháp Afghanistan lại quy định kẻ bị hại (những người phụ nữ) lại chịu án “tội đạo đức, nhân phẩm” với những bản án nghiêm khắc, bảo thủ khác nhau.

Vụ án của Gulnaz - người bị anh rể cưỡng bức, cô phải chịu án 12 năm tù giam làm cả thế giới dấy lên những ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề đạo đức và tính công bằng của luật pháp. Ở đất nước Afghanistan, những cô gái vô tội bị cưỡng hiếp như cô không những không được cảm thông mà còn bị đưa ra phán xét. Tòa án kết tội cô ngoại tình, ở tuổi 19, bụng đang mang bầu, Gulnaz phải lĩnh án 12 năm tù. Bên ngoài những bức tường bê tông bao quanh trại giam ở ngoại ô Kabul là hàng rào dây thép gai, lính canh và dãy núi Hindu Kush phủ đầy tuyết, đủ để thấy sự khắc nghiệt của cuộc sống ở nơi đây. Con gái của Gulnaz sống chung với mẹ, cô bé không hề biết rằng mẹ em bị cưỡng hiếp và điều này đã khiến cả hai mẹ con phải ngồi tù 12 năm.

Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, thậm chí là cưỡng hiếp đều bị coi là tội thông dâm và “tội phạm đạo đức” ở Afghanistan với các mức án hà khắc khác nhau, trong đó có rất nhiều phụ nữ đã phải chịu hình phạt tử hình. Vụ việc của Gulnaz thu hút được nhiều quan tâm của dư luận, cho thấy những thách thức mà phụ nữ Afghansitan phải đối mặt, mặc dù chế độ Taliban, chế độ cấm phụ nữ làm việc và học hành, đã sụp đổ được 10 năm. Đã có gần 100.000 người trên thế giới đã chung tay thay đổi số phận của Gulnaz. Nhà làm phim Clementine Malpas, Dự án Tư pháp phụ nữ Afghanistan và các nhà hoạt động đã thuyết phục Tổng thống Hamid Karzai tha tội cho Gulnaz.

Được biết, cô sẽ được tự do trong vài ngày nữa sau khi đồng ý kết hôn với kẻ đã hãm hiếp mình. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 600 phụ nữ và con cái của họ vẫn đang phải sống trong cảnh tù đày tại các trại giam ở Afghanistan. Wazhma (19 tuổi) tại nhà tù Badam Bagh ở Kabul cũng là một trong những người rơi vào hoàn cảnh nghịch lý đến xót xa. Năm lên 16, người cha gả Wazhma cho một người đàn ông 33 tuổi. Người chồng bạo lực, hết sức gia trưởng này luôn yêu cầu cô phải tuân thủ mọi mệnh lệnh. Gã sẵn sàng đánh vợ bất cứ lúc nào gã muốn, chỉ vì những lý do vô thưởng vô phạt. Wazhma muốn đi đâu cũng phải xin phép. Gã đồng ý thì được đi, không đồng ý thì mọi giá phải ở nhà. Nếu dám tự ý cãi lệnh, gã đánh Wazhma thừa sống thiếu chết. Theo luật tại Afghanistan, người phụ nữ phải được sự cho phép của chồng hoặc cha thì mới được bước chân ra khỏi nhà. Khi Wazhma mang thai, gã chồng đối xử tồi tệ với cô hơn. Gã tuyên bố đã tìm được một người phụ nữ phù hợp hơn để làm vợ. Khi cái thai được 8 tháng, gã chồng nhẫn tâm vu oan cho Wazhma, đứa trẻ trong bụng không phải của mình và buộc vợ tội thông dâm. Lời vu oan của chồng đã khiến Wazhma ngậm ngùi chịu án tới 11 năm tù giam.

Hoàn cảnh của cô Nilofar cũng là một trường hợp đầy chua chát. Cô bị chồng nhiều lần dùng tuốc nơ vít đâm vào đầu, ngực và cánh tay và buộc tội cô ngoại tình khi cô mời một người đàn ông vào nhà chơi. “Tôi chỉ muốn ly dị. Tôi không thể trở về với gia đình vì cha tôi sẽ giết tôi. Cả gia đình tôi đều quay lưng lại với tôi” -  Nilofar cay đắng cho hay. Sau đó,  Nilofar bị bắt còn gã chồng thì không. Gã vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật với lời biện giải tàn nhẫn: chỉ đánh đập chứ không khiến cô tử vong. 

 “Tội ác nhân phẩm”?

Mặc dù phải ngồi tù và nuôi con trong những điều kiện thiếu thốn những rất ít nữ tù nhân tại Afghanistan phàn nàn về số phận của mình. Họ biết rằng những người phụ nữ bị kết tội vi phạm đạo đức dưới chế độ Taliban còn phải chịu cực khổ hơn. Trong một vụ trốn ngục mới đây tại Kandahar, hai nữ tù nhân đã từ chối bỏ chạy cùng với các nam tù nhân bởi với họ tự do có thể phải trả giá bằng án tử hình.

Huma Safi, người thực hiện một chương trình giúp đỡ phụ nữ thoát khỏi các nhà tù, cho biết trong khi giáo dục và chính trị đã được cải cách trong hàng thập kỷ qua, hầu như không có chính sách nào giúp đỡ phụ nữ bị buộc tội vô luân. “Xã hội buộc tội những người phụ nữ mà không hỏi tại sao họ bỏ chạy. Sau đó, họ sẽ bị bắt lại và bỏ tù. Ngay cả khi được thả ra, họ cũng sẽ bị coi là vết nhơ cho gia đình” - Safi nói thêm. Chính vì thế, nhiều nữ phạm nhân ở đây có cách nghĩ bi quan, khi cho rằng họ cảm thấy hạnh phúc khi ở trong tù. Bởi một lẽ, khi ở trong tù họ đã tạm thời được bảo vệ khỏi sự đe dọa trả thù của người thân để xóa bỏ vết nhơ để lại trên danh dự gia đình.

Tình trạng tù nhân nữ nói lên những nỗi thống khổ của phụ nữ Afghanistan. Trong những năm 1990, dưới sự cai trị của Taliban, phụ nữ không được phép đi làm, không được đi học hay ra khỏi nhà mà không có một người đàn ông đi theo. Theo Liên hợp quốc, phụ nữ là nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp, lạm dụng tự buộc tội mình phạm “tội ác nhân phẩm”, và giống như Gulnaz phải chịu phạt nặng. Một số tội như bỏ trốn khỏi nhà về mặt lý thuyết thường không được quy định cấu thành tội theo luật Afghanistan, nhưng thẩm phán có thể biến chuyển luật để kết tội họ.

Theo một công tố viên ở Tòa án tối cao Afghanistan, có hàng trăm vụ án tương tự như của nữ phạm nhân Gulnaz và họ cần nhiều thời gian để xử lý. Tuy nhiên, trường hợp của Gulnaz đã thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế, bởi vụ án này đã được nhắc tới trong cuộc tranh luận giữa Liên minh châu Âu và một nhóm các nhà làm phim tài liệu được thuê để làm báo cáo về quyền của phụ nữ ở Afghanistan. Các nhà làm phim tài liệu đã làm một báo cáo dài về Gulnaz và những phụ nữ khác nhằm thông qua cuộc trò chuyện giữa họ hé mở phần nào số phận bi thảm của những cô gái này. Họ cũng đã trình chiếu những thước phim này trước các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) - những người đã trả tiền để họ thực hiện một phần trong dự án về nhân quyền của phụ nữ ở đây. Tuy nhiên, nhanh chóng EU đã quyết định chấm dứt dự án này với lí do lo ngại cho sự an toàn của những phụ nữ trong những thước phim đó. Họ có thể bị nhận dạng và có thể sẽ bị trả thù. 


90% nữ tù nhân từ 12 - 18 tuổi phạm tội “ngoại tình”

Hiện có hơn một nửa nữ tù nhân tại Afghanistan (khoảng 350 người) bị kết tội “vi phạm đạo đức”, trong đó, số tù nhân từ 12 - 18 tuổi chiếm 4/5. Tuy nhiên, theo ước tính của Liên hợp quốc thì con số thực tế này còn cao hơn rất nhiều. Cụ thể, có khoảng 600 người, tăng 380 người so với 2 năm (2009 - 2010). Hơn 114 thiếu nữ từ 12 tới 18 tuổi bị giam giữ, 80% trong số họ bị kết tội vì bỏ trốn hoặc ngoại tình, một nhân viên tư pháp Afghanistan cho hay. Các con số thống kê cả cụ thể và ước tính trên đã phần nào phản ánh được bản chất của hệ thống tư pháp Afghanistan. Đó là một hệ thống tư pháp hà khắc, nặng nề đối với những người phụ nữ trong một nền văn hóa xã hội bảo thủ sâu sắc. Mohammad Seddiq Seddiqi, người đứng đầu nhà tù vị thành niên ở Afghanistan cho biết: “Khoảng 80% các cô gái ở đây mắc tội phẩm hạnh. Xã hội Afghanistan thực sự ghét bỏ những tội phạm này”.

Tình trạng này được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn sau khi Tòa án tối cao Afghanistan gần đây đưa ra phán quyết rằng, một phụ nữ bỏ chạy khỏi nhà hoặc đi bất cứ nơi nào khác mà không phải đồn cảnh sát hay tới nhà người thân thì sẽ bị nhốt lại như một cách để ngăn ngừa quan hệ tình dục bất hợp pháp và mại dâm. Phán quyết này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều phụ nữ bị giam giữ.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã phỏng vấn 50 tù nhân cho báo cáo sắp tới về vấn đề này và phát hiện rằng những người phụ nữ cố gắng chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt, những trận đòn roi của chồng, những người ép họ đi làm gái mại dâm và thậm chí cả cái án… ủy quyền giết người (người đàn ông trong gia đình giết một ai đó và vợ hoặc chị, em gái sẽ phải chịu án thay)… “Những trường hợp thế này không những còn tiếp tục mà có vẻ như sẽ gia tăng sau 10 năm chế độ Taliban sụp đổ - sự kiện được coi là khởi đầu mới cho phụ nữ Afghanistan” - Tiến sĩ Heather Barr, nhà nghiên cứu của tổ chức này cho biết.