Những bê bối của cơ quan tình báo Pakistan

ANTĐ -Chỉ vài ngày sau khi rời cương vị lãnh đạo lực lượng liên quân ở Afghanistan, ông David Petraeus, tân Giám đốc CIA đã cảnh báo, quan hệ Mỹ -Pakistan đang tiếp tục xấu đi.
 Giám đốc David Petraeus
 Giám đốc David Petraeus

Giám đốc CIA David Petraeus nhận định, nguyên nhân của những rạn nứt gần đây xuất phát từ vụ rò rỉ thông tin trên WikiLeaks - Pakistan bắt giữ nhân viên CIA Raymond Davis hồi tháng 1 và đặc nhiệm Mỹ đột nhập lãnh thổ Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố Al Qaeda Osama bin Laden đêm

1-5. Tuyên bố của tân Giám đốc CIA một lần nữa đề cập tới những bê bối của cơ quan tình báo Pakistan thời gian gần đây. Ngày 19-7, hãng Fox News dẫn tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cơ quan tình báo Pakistan (ISI) nhiều năm qua đã chi hàng triệu USD cho Hội đồng Kashmir - Mỹ (tổ chức phi lợi nhuận ở Washington) để bí mật gây ảnh hưởng ở cấp cao nhất như Nhà Trắng, Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ. FBI vừa bắt Syed Ghulam Nabi Fai, Giám đốc điều hành Hội đồng Kashmir - Mỹ vì tội hoạt động gián điệp cho chính phủ nước ngoài. Syed Ghulam Nabi Fai phải hầu tòa hôm 21-7 và nếu bị kết án sẽ phải “bóc lịch” 5 năm. Nhân viên FBI Sarah Webb Linden cho rằng, Syed Ghulam Nabi Fai đã nhận 500.000-700.000 USD/năm từ ISI để hoạt động.

Vụ bắt giữ Syed Ghulam Nabi Fai diễn ra hôm 19-7, chỉ 4 ngày sau chuyến thăm chớp nhoáng Washington của Giám đốc ISI và Trung tướng Ahmad Shuja Pasha đã có cuộc gặp với quyền Giám đốc CIA Michael Morell. Được biết, Trung tướng Ahmad Shuja Pasha đã đạt được một số thỏa thuận với ông Michael Morell, trong đó có hiệp định về “quy chế” dành cho nhân viên tình báo Mỹ hoạt động tại Pakistan. Trung tướng Ahmad Shuja Pasha tới Washington sau khi Tổng thống Barack Obama quyết định ngưng 800 triệu USD tiền viện trợ quân sự cho Pakistan. Trước đó, Giám đốc Ahmad Shuja Pasha cũng tới Mỹ để giải thích việc không hay biết sự tồn tại của Osama bin Laden ở Pakistan sau khi Ngoại trưởng Pakistan tuyên bố, ISI biết lãnh địa của Osama bin Laden ở Abbottabad từ năm 2009, nhưng không tin rằng thủ lĩnh của Al Qaeda lại ở đó.

Hơn 2 tháng trước, Mỹ đã yêu cầu Pakistan cung cấp nhận dạng của một số nhân vật tình báo hàng đầu ISI để xác định mối quan hệ của họ với Osama bin Laden. Ngày 4-5, Tổng thống Pakistan thừa nhận sự yếu kém của lực lượng an ninh và đây là nỗi nhục của ISI. Cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan cho biết, Pakistan không được thông báo về vụ tiêu diệt Osama bin Laden cho đến khi tất cả các máy bay của Mỹ ra khỏi không phận Pakistan. Ngày 23-6, tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, chiếc điện thoại di động thu được của Osama bin Laden ở Abbottabad cho thấy, ISI có quan hệ với khá nhiều nhóm vũ trang, trong đó đáng quan tâm nhất là

Harakat-ul-Mujahedeen. Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mike Rogers và nghị sỹ Dutch Ruppersberger của bang Maryland đều cho rằng, một số thành viên của ISI có liên quan đến việc che giấu Osama bin Laden. Theo ước tính, ngân sách chi cho ISI chiếm tới 1/3 ngân quỹ tình báo thường niên của Mỹ cấp cho Pakistan. Mỹ cũng thừa nhận, chi tiền để mua tin tức tình báo của ISI, nhưng không ai biết chính xác con số là bao nhiêu. CIA cho biết, 80% thông tin tình báo đáng tin cậy về hoạt động khủng bố ở Pakistan là do ISI cung cấp. Cựu Giám đốc CIA George Tenet từng tiết lộ, giao dịch giữa ISI và CIA đơn giản đến bất ngờ - có những phi vụ rất đơn giản, nhưng ISI vẫn nhận được số tiền thưởng lên tới hơn 1 triệu USD.

Giới truyền thông Pakistan từng làm mếch lòng Mỹ khi tiết lộ tên của trưởng đại diện CIA tại Islamabab. Đây là điều cấm kị bởi nếu công bố danh tính sẽ gây nguy hiểm đối với sự an toàn của quan chức này. Hơn 7 tháng trước (tháng 12-2010), CIA buộc phải rút trưởng đại diện CIA tại Islamabab về Mỹ sau khi danh tính của nhân vật này bị lộ. Và ISI bị coi đứng sau vụ tiết lộ này - trả thù vụ kiện đề cập tới tên tuổi Giám đốc ISI trong vụ tấn công khủng bố ở Mumbai, Ấn Độ năm 2008. Nhận xét của tờ The Wall Street Journal khiến dư luận quan tâm khi cho rằng, ISI đã và đang duy trì các mối liên hệ với Taliban và nhiều nhóm cực đoan khác để giúp Pakistan có ảnh hưởng ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân về nước. Xét một góc độ nào đó, nếu không có những “bê bối” của cơ quan tình báo thì nhiều việc không thể tiến hành theo cách thông thường.