Nhức nhối vì thiếu chế tài

(ANTĐ) - Kết quả kiểm tra mới nhất của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 45 trụ đo xăng dầu (chiếm tỉ lệ hơn 20% trong tổng số trụ đo được kiểm tra) của 8 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố có gian lận.

Nhức nhối vì thiếu chế tài

(ANTĐ) - Kết quả kiểm tra mới nhất của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 45 trụ đo xăng dầu (chiếm tỉ lệ hơn 20% trong tổng số trụ đo được kiểm tra) của 8 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố có gian lận.

Hình thức gian lận phổ biến nhất là đong thiếu, kinh doanh xăng kém chất lượng. Xăng 92 thì chỉ đạt 91, xăng 95 thì chỉ đạt 93. Có cây xăng còn gắn chip điện tử vào trụ bơm xăng dầu để gian lận. Tỷ lệ đong xăng “điêu” đến tệ hại, tới trên 10%. Vậy mà, cửa hàng bị phạt nặng nhất là 13 triệu đồng, chỉ tương đương hơn 700 lít xăng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu hai Bộ Khoa học - công nghệ, Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra ngay các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc; kịp thời phát hiện, làm rõ các hành vi gian lận trong đo lường và kinh doanh xăng dầu, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, điều bó buộc nhất đối với các cơ quan chức năng vẫn là thiếu chế tài xử phạt hoặc chế tài xử phạt quá nhẹ. Bộ luật Hình sự có quy định về tội đầu cơ nhưng là trong điều kiện thiên tai, bão lụt, chiến tranh..., chưa có quy định khi thị trường khan hàng, kinh tế lạm phát... Một số thời điểm tăng giá xăng vừa qua, chính các lực lượng kiểm tra cũng thừa nhận rằng, họ rất khó nắm bắt được lượng hàng tồn kho ở các cửa hàng, vì vậy khó có thể xác định được hành vi găm hàng, chờ giá lên.

Hành vi gian lận thương mại có mặt ở rất nhiều các lĩnh vực trong nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới. Việc hình thành gian lận thương mại cũng là lẽ đương nhiên khi luôn có sự chênh lệch do lợi thế so sánh (về nhân công, vị trí địa lý, ưu đãi…) và do nhu cầu được tiêu dùng những sản phẩm, hàng hóa có chất lượng với giá cả phù hợp.

Tuy nhiên, đối với cơ quan quản lý, gian lận thương mại là hành vi phạm pháp và cần phải áp dụng các biện pháp mạnh và triệt để nhằm ngăn chặn, để bảo hộ nền kinh tế sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và chống thất thu cho Nhà nước.

Một chuyên gia kinh tế đã có góc nhìn như sau về gian lận thương mại: Xét về một góc độ nào đó thì đó là một “luồng     vaccine” được đưa vào thực thể một nền kinh tế, dẫn đến việc phản ứng lại của các doanh nghiệp là phải làm thế nào để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm mà mình kinh doanh, hạ giá thành, tăng chất lượng và dịch vụ… và nhà quản lý có trách nhiệm và nghĩa vụ đảm bảo cho việc sản sinh “kháng thể” một cách hợp lý do việc cấm hoàn toàn việc buôn lậu và gian lận thương mại là không thể được mà chỉ có thể hạn chế nó. Tuy nhiên, muốn hạn chế được một cách hiệu quả phải cần đến chế tài đủ mạnh, mà đây lại chính là cái chúng ta đang thiếu.

Anh Thư