Nhức nhối tình trạng thanh thiếu niên gây án

ANTĐ - Những năm gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật có tính chất ngày càng nghiêm trọng và diễn biến hết sức phức tạp. Số vụ phạm pháp hình sự do thanh thiếu niên gây ra với mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ trọng án chỉ xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ, thậm chí không hề có gây hấn. Thực trạng đó đang là mối lo của toàn xã hội và các bậc cha mẹ trong việc quản lý và giáo dục con cái.

Những cái chết lãng nhách

Mới đây, chỉ vì một con gà không được nhặt thóc… đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận trên địa bàn huyện Bình Sơn. 

Vụ việc xảy ra vào khoảng 15h, ngày 24.8.2011, chị Bùi Thị Bông (SN 1957) ở xóm Tâm Phụ, thôn Nhơn Hòa II, xã Bình Tân, huyện Bình Sơn cùng chồng là anh Nguyễn Thể và 2 người làm thuê đang cắt lúa trên cánh đồng ở xóm Lương Nông, thôn Nhơn Hòa II. Lúc đang cắt, anh Thể phát hiện có gà xuống ăn lúa, anh dùng cây đuổi, sau đó chở lúa về nhà, còn chị Bông và hai người làm thuê ở lại. Giữa lúc mấy chị em đang cặm cụi dưới cánh đồng thì Võ Chí Thông (SN 1996), ngụ tại xóm Lương Nông đến hỏi con gà đâu, chị Bông chưa kịp trả lời thì y cầm con dao nhọn lao thẳng tới đâm một nhát từ phía sau lưng, chị Bông chết tại chỗ.

Ngay sau khi gây án, Thông cầm dao bỏ chạy vào trong nhà. Lực lượng Công an xã, các hội, đoàn thể và bà con nhân dân địa phương đến khuyên y ra trình diện, nhưng y vẫn cầm dao cố thủ trong nhà.

Nhận được tin báo lãnh đạo Công an huyện Bình Sơn đã cử tổ Cảnh sát 113 và tổ Cảnh sát điều tra đến hiện trường, phá cửa, ập vào khống chế nhanh hung thủ, thu giữ 1 con dao.

Đối tượng giết người Võ Chí Thông sinh năm 1996

Theo hồ sơ tại Công an xã, vào năm 2010, tên Thông đã dùng dao đâm bố ruột, gây thương tích nhẹ. Lực lượng Công an xã, tổ dân phòng... đã bắt giữ y tại UBND xã, nhưng tại đây y "tuyên bố" sẽ giết bố ruột mình khi được thả.

Gia đình chị Bông có 5 người con, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn đứa lớn nhất sinh năm 1981, nhỏ nhất sinh năm 1994. Vợ chồng chị Bông chỉ làm nông nuôi con ăn học, hiện đang nuôi một đứa đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh. Cái chết của chị Bông đã để lại gánh nặng cho gia đình.

Hay như vụ giết người xảy ra cách đây hơn 1 năm, tên Phạm Văn Sang (SN 1988) ngụ thôn Giá Vực, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ đến quán cà phê Phố Núi ở thôn Giá Vực uống rượu với một nhóm bạn. Nhậu một lúc, Sang chạy xe máy dạo ngoài đường. Đi ngang quán hủ tiếu của ông Nguyễn Hải Quân ở thôn Giá Vực, Sang phát hiện Đinh Xuân Phê (SN 1991) và Phạm Văn Triên (SN 1989) đang ngồi ăn; cho rằng Phê và Triên giống người từng gây sự với mình cách đây 2 tháng, nên Sang chạy xe về nhà lấy dao, quay lại quán hủ tiếu chém người. Sang xông vào quán, đứng trước mặt Phê và Triên nạt nộ: “Mày tin tao chém mày không?”. Vừa dứt câu, Sang cầm dao đâm vào người Triên, nhưng lưỡi dao đâm trượt qua bụng,  Triên bỏ chạy được. 

Ngay sau đó, Sang quay sang Phê, đâm chết người này ngay trên bàn hủ tiếu. Sang là đối tượng vừa ra tù 1 năm vì hành vi hiếp dâm.

Nguyên nhân do đâu?

Qua tìm hiểu từ một số vụ án, sở dĩ thanh thiếu niên có hành vi sai lệch và vi phạm pháp luật là do Công tác phòng, ngừa vi phạm pháp luật chưa được chú trọng. Việc quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động kinh doanh giải trí ở các quán Karaoke, cửa hàng Internet, nhà hàng, khách sạn... thiếu chặt chẽ, đã tạo cho các cơ sở này trở thành nơi tụ tập, sinh hoạt của một số thanh, thiếu nhi có tiền, của những học sinh hư, trốn học... Trẻ vị thành niên lại là lứa tuổi đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, muốn khẳng định mình, không muốn phụ thuộc và dễ bị tác động, rủ rê, lôi kéo của các đối tượng xấu.

Nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý từ các loại phim, ảnh bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy... trên mạng Internet và ngoài xã hội. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh không chú ý đến sự phát triển tâm sinh lý của con cái, nuông chiều con cái, không nghiêm khắc trong việc dạy bảo con em mình mà mải lo công việc, tranh thủ kiếm tiền. Một số trẻ em phải sống trong hoàn cảnh mồ côi bố hoặc mẹ, cha mẹ bất hòa, ly thân, ly hôn... dẫn đến sự thiếu hụt về mặt tình cảm, sự phát triển lệch lạc. Hơn nữa do thiếu sự chỉ bảo, quan tâm của gia đình nên số thanh, thiếu niên này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và lôi kéo vào con đuờng phạm tội.

Trước thực trạng nói trên, để hạn chế việc vị thành viên vi phạm pháp luật cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau. Trước hết, chính quyền, các đoàn thể, nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan chức năng, các đoàn thể xã hội cần phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho học sinh.

Các trường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sinh hoạt của học sinh trong các giờ học, các buổi dã ngoại và tại các ký túc xá, nhà trọ nơi học sinh thường trú. Nhà trường thường xuyên liên hệ chặt chẽ với gia đình để thông báo kịp thời kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cũng như các biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống của học sinh để phối hợp giáo dục, quản lý. Các bậc phụ huynh cần quan tâm tới sự phát triển tâm, sinh lý và việc học tập của con em mình, đồng thời thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, tư tưởng, các mối quan hệ của con em mình. 

Bên cạnh đó, cần có sự quản lý, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh, giải trí tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các cơ sở vi phạm. Các cơ quan chức năng cần tăng cường xét xử lưu động các vụ án thanh, thiếu niên và các cơ sở kinh doanh vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, góp phần phòng ngừa tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.