Nhu cầu cấp thiết mở rộng quy mô đào tạo ngành y dược

(ANTĐ) - Đến năm 2015, Việt Nam phải đào tạo được 45.000 sinh viên y dược mỗi năm. Đó là một trong những đề nghị của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong đào tạo nhân lực ngành y tế.

Nhu cầu cấp thiết mở rộng quy mô đào tạo ngành y dược

5 năm tới, mỗi năm cần có thêm 45.000 sinh viên y dược

(ANTĐ) - Đến năm 2015, Việt Nam phải đào tạo được 45.000 sinh viên y dược mỗi năm. Đó là một trong những đề nghị của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong đào tạo nhân lực ngành y tế.

Rất nhiều học sinh quan tâm đến ngành y dược
Rất nhiều học sinh quan tâm đến ngành y dược

Hội thảo quốc gia lần thứ 2 về đào tạo nguồn nhân lực y dược theo nhu cầu xã hội vừa được tổ chức tại Hải Phòng. Trước lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố trọng điểm cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao nhiệm vụ cụ thể, mỗi tỉnh phấn đấu có ít nhất một trường cao đẳng y tế để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cho địa phương mình.

Theo đó, việc cân đối và tăng chỉ tiêu đào tạo của hệ thống các trường đại học và cao đẳng y dược đi liền với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm đạt bình quân 45.000 sinh viên/năm vào năm 2015 và 50.000 sinh viên/năm vào năm 2020. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến năm 2015 với dân số 90 triệu người thì nước ta cần tới trên 180.000 điều dưỡng viên để đảm bảo tỷ lệ cứ 10.000 dân thì có 20 điều dưỡng viên. Hiện tại chúng ta mới chỉ có 65.000 điều dưỡng viên.

Các địa phương kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng quy mô đào tạo hàng năm, tăng khoảng 15% chỉ tiêu thì mới có thể đáp ứng được cơ bản nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế. Bên cạnh đó, mức kinh phí Nhà nước cấp cho đầu sinh viên y dược cũng được các địa phương kiến nghị nâng thêm lên, vì mức 6 triệu đồng/sinh viên hiện nay là thấp.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dược Việt Nam Nguyễn Đức Sơn còn nêu ra thực trạng các doanh nghiệp ngành dược hiện rất thiếu dược sĩ có chuyên môn cao; trong khi nhiều dược sĩ trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi, có kiến thức về quản trị doanh nghiệp ra làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Sơn nêu ý kiến: “Mô hình trường đào tạo nằm trong doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đầu tư cho Nhà nước và đảm bảo nhu cầu sử dụng cho xã hội, qua đó sẽ làm giảm đi thực tế thầy nhiều hơn thợ”.

Thu Nga