Nhói lòng nỗi đau bệnh tật và nghèo khó trên đỉnh Pà Ó

ANTĐ - Cuối cùng ngôi nhà “bé tẻo teo” của người đàn ông tâm thần cũng hiển hiện lên giữa bạt ngàn cỏ dại và lau lách. Nói là nhà, nhưng thực chất đây là một chiếc chuồng kiên cố, trơ trọi trên đỉnh núi hoang vu đến tê người.

Vật lộn với hơn 75km đường lầy lội bùn đỏ đặc quánh từ TT Mường Xén (H. Kỳ Sơn, Nghệ An) vào đến bản Xiềng Tắm (xã Mỹ Lý) khi trời đã xế trưa, nhưng chúng tôi vẫn muốn ghé đỉnh núi Pà Ó - nơi có chiếc “chuồng cọp” nhốt người đàn ông tâm thần Lô Văn Tuyên đã gần 7 năm qua.


Nỗi đau trên đỉnh Pà Ó

Được một cậu bé trong bản tình nguyện dẫn đường, với lời căn dặn: “Các chú mua cho ông ấy gói bánh quy kẻo tội nghiệp”. Tiếp tục vượt những con dốc dựng đứng, trơn trượt, cuối cùng ngôi nhà “bé tẻo teo” của người đàn ông tâm thần cũng hiển hiện lên giữa bạt ngàn cỏ dại và lau lách. Nói là nhà, nhưng thực chất đây là một chiếc chuồng kiên cố, trơ trọi trên đỉnh núi hoang vu đến tê người.

Chuồng chừng 4m2, phía trên được lợp bằng tôn, bốn phía xung quanh là các khúc gỗ tròn được buộc chặt vào nhau hết sức kiên cố. Hai phía được che các tấm ván tạm bợ không ngăn nổi gió lùa vào, các phía còn lại để trống. Phía tây có một cánh cửa cũng làm bằng gỗ và đang được khóa chặt bằng sợi dây xích, ổ khóa sắt đã rỉ sét. Bên trong chiếc chuồng, một người đàn ông gầy gò ốm yếu, chỉ mặc độc bộ quần áo cộc đang nằm co ro trên chiếc chiếu mỏng tanh. “Ông Tuyên đó” - cậu bé dẫn đường chỉ tay vào chiếc chuồng.

Thấy tiếng người lạ đến, nằm trong chuồng, ông Tuyên bật dậy cười nói tưng bừng bằng tiếng Thái. Cậu bé tạm dịch cho chúng tôi: ông thấy mọi người lên thăm nên rất vui, ông chào hỏi mọi người đó. Thấy ông cười nói như thường, không có gì là biểu hiện của một người bị bệnh tâm thần, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên lắm. Như đoán được nỗi băn khoăn của chúng tôi, cậu bé giải thích: “Đó là lúc ông bình thường, còn khi lên cơn thì ghê lắm. Ông hét trên đỉnh núi mà cách xa cả cây số cũng nghe được”.

Ông Tuyên trong “chuồng cọp”

 Ông Tuyên trong “chuồng cọp”

Tới gần đưa cho ông gói bánh quy, ông cầm lấy và cảm ơn bằng tiếng Thái. Nhìn vào trong chuồng, chỉ thấy tấm chiếu lót để nằm rách tả tơi, chăn màn nhèo một đống. Mỗi ngày con cháu đưa cơm lên cho một lần rồi ông chia làm 2 bữa để ăn trong ngày, nhiều khi để cơm từ trưa tới chiều nguội cứng, nhưng đói thì vẫn phải nuốt. Và cứ thế suốt 7 năm nay ông Tuyên bị nhốt trong chiếc chuồng này. Ăn một chỗ, vệ sinh một chỗ, tầng trên ông nằm ngủ và đi vệ sinh luôn xuống tầng dưới. Ngoài mấy đứa con mang cơm lên cho ông mỗi ngày, còn lại dân làng chẳng mấy khi có ai lên thăm ông.

Một người dân bản Xiềng Tắm cho biết, bệnh tình của ông Tuyên đâu phải lúc nào cũng lên cơn, có khi cả tháng không hề hấn gì, thế mà ông vẫn bị nhốt như một con vật, thậm chí ăn ở còn khổ hơn cả con trâu, con bò gần 7 năm qua.

Ký ức buồn

Chúng tôi tìm tới nhà anh Lô Văn Xánh (SN 1984, con trai thứ 3 của ông Tuyên), là người thường xuyên đưa cơm, nước cho bố. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, nước mắt lưng tròng, Xánh kể lại: bố mẹ em đều là người Thái, cùng ở bản Xiềng Tắm. Sống với nhau có tới 6 người con, nhưng chưa bao giờ thấy bố mẹ nói nặng lời với nhau dù chỉ một câu. Thế rồi, một tối đầu tháng 3-1995, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì nghe tiếng la hét kinh hoàng của bố, nhưng khi đó nhà còn nghèo lắm, nên dù biết bố bắt đầu phát bệnh tâm thần nhưng cũng đành để vậy.

Anh Lô Văn Xánh: “Chưa biết đến bao giờ chúng em mới có tiền chữa bệnh cho bố”.

 Anh Lô Văn Xánh: “Chưa biết đến bao giờ chúng em mới có tiền chữa bệnh cho bố”.

Và bi kịch đã ập xuống gia đình vào một buổi chiều cuối năm 1998. Trong lúc lên cơn điên loạn, ông Tuyên la hét, đập phá đồ đạc trong nhà. Mải lo chạy theo cứu đồ, bà Vọng Thị Kim (1960, vợ ông Tuyên) đã bị ông đánh một gậy vào đầu, rơi từ trên nhà sàn xuống đất chết tại chỗ. Ông Tuyên bị bắt ngay sau đó về hành vi giết người. Nhưng, do có tiền sử bệnh tâm thần nên ông chỉ bị kết án 4 năm tù. Những ngày ở tù, khi bình thường thì thôi, nhưng lúc lên cơn là ông lại đòi đánh nhau với các tù nhân, chửi bới cán bộ quản giáo.

Vậy là ông được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, đến năm 2002 thì trở về bản làng Xiềng Tắm. Thế nhưng, một thời gian sau bệnh tái phát. Phó Chủ tịch UBND xã Xiềng Tắm - Kha Văn Nam cho biết: “Dân bản không đêm nào được ngủ yên, bởi ông Tuyên thường lên cơn vào ban đêm, nhiều lần ông cầm dao đòi chém chết cả nhà. Không ít lần các con của ông phải tìm cách trói lại đợi khi nào hết cơn điên thì mới mở trói cho ông. Nhiều khi không kịp trói thì ai nấy đều phải chạy tán loạn và trốn sang nhà hàng xóm để ngủ. Sợ ông Tuyên tiếp tục gây họa, nên mấy người con của ông bàn nhau lên đỉnh Pà Ó dựng một cái lều rồi nhốt ông vào đó để cách ly.

“Đau lòng lắm, nhưng bọn em không có cách nào khác, đưa bố đi chữa bệnh thì không có tiền, để bố trong nhà thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vậy là 7 năm rồi, chúng em phải nhốt bố vào chuồng trên đồi cao thôi” - Lô Văn Xánh nhìn xa xăm.

Chia tay Xiềng Tắm, chúng tôi mượn lời và cũng là ước vọng của anh Xánh thay cho phần kết: “Thực tình thì bệnh của bố em vẫn có thể chữa trị, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên chúng em không thể. Em chỉ mong những nhà hảo tâm giúp đỡ để bố em được chữa bệnh và trở về sống với con cháu. 7 năm nhìn bố sống trong “chuồng cọp”, chúng em đau lòng lắm, và không biết đến bao giờ mới kiếm được tiền chữa bệnh cho bố...”.