Nhọc nhằn đời thợ công trường

(ANTĐ) - Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, ở mỗi tỉnh, thành phố những công trường xây dựng lại mọc lên. ở đâu có công trình, nhà ở thì nơi đó lại thấm đẫm mồ hôi của những người thợ xây dựng. Việc làm nặng nhọc, vất vả cùng nhiều rủi ro khôn lường, tai nạn lao động (TNLĐ) luôn rình rập.

Nhọc nhằn đời thợ công trường

(ANTĐ) - Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, ở mỗi tỉnh, thành phố những công trường xây dựng lại mọc lên. ở đâu có công trình, nhà ở thì nơi đó lại thấm đẫm mồ hôi của những người thợ xây dựng. Việc làm nặng nhọc, vất vả cùng nhiều rủi ro khôn lường, tai nạn lao động (TNLĐ) luôn rình rập.

Nhọc nhằn đời thợ

Anh Nguyễn Hữu Thịnh (quê Nam Định), lên TP làm thợ xây, thợ nề rồi làm “cai thầu” xây dựng có thâm niên cả chục năm trời tâm sự: “Dẫu biết đời thợ công trường là vất vả, ít may mắn nhiều rủi ro nhưng biết làm gì khi nghề ngỗng không có, nên thợ xây dựng đối với thanh niên vùng quê thất học xem ra vẫn là cơ hội để họ thoát nghèo, thoát khổ nơi quê nhà.

Nhiều vùng quê trai tráng cứ 16-17 tuổi lại kéo nhau về các thành phố lớn để làm thợ nề, thợ sắt nên về quê, nhất là những tháng mùa xây dựng thì chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ! Và, sau cả năm “dầm mưa, dãi nắng” trên những công trình xây dựng, cứ đến độ sau rằm tháng Chạp âm lịch, họ lại ùn ùn về quê, người dăm trăm kẻ vài triệu đồng mang “thành quả” lao động của họ về ăn tết, sum họp cùng gia đình.

Nơi ở hàng ngày của họ là những góc ở công trường xây dựng. Những tấm gỗ cốp pha kê tạm thay giường ngủ, chen chúc chật chội. Bữa cơm đạm bạc hàng ngày của họ cũng đủ thịt lẫn rau xanh nhưng họ chỉ dám mua gạo rẻ để được ăn no, thịt thủ lợn cùng hơn chục bìa đậu phụ, ít hành, dăm quả cà chua sốt lên làm món chính cùng món “gia bảo” là rau muống luộc cùng cà muối.  Ăn uống tằn tiện vậy họ mới “tích cóp” được tiền gửi về gia đình ở quê.

Tai nạn bất thường luôn rình rập

Hỏi hầu hết những người thợ xây dựng tự do hay làm ngắn hạn trên các công trình về hợp đồng lao động thì họ chỉ lắc đầu, cười: “Hợp đồng gì đâu, toàn là anh em trong họ, cùng làng tin nhau, rủ nhau đi làm xa để có thu nhập cho gia đình, vợ con...”. Như một thông lệ bất thành văn, trung bình tiền công thợ phụ từ 30.000-40.000 đồng/ngày, thợ chính là 60.000-70.000 đồng/ngày, lĩnh theo tháng hay quý và theo tay nghề.

Thời hạn hợp đồng “miệng” gắn với tiến độ công trình và hạng mục khoán giao. Mỗi tháng, trung bình thợ xây dựng công trường thường thu nhập từ 1,2 - 1,8 triệu đồng. Nhưng thực tế họ chỉ được nhận từ 70 - 80% số tiền công đó. Phần còn lại, chủ thầu hoặc cai thầu sẽ thanh toán sau khi đã hoàn thành công trình để ràng buộc thợ.

Vì vậy, chậm trễ lương hay việc quỵt tiền công của thợ thường xảy ra, ít có thợ được nhận đủ 100% tiền công, trừ khi tiếp tục làm tiếp cùng với chủ, cai thầu ở những công trình khác. Để lấy lại được 20 - 30% tiền công còn lại là rất vất vả. Người ta tìm đủ mọi cách để trừ dần. Nào là trừ tiền do phải di chuyển, nào trừ do thợ làm quá khối lượng, tiêu hao quá vật liệu, trừ tiền do làm hỏng công cụ, phương tiện lao động, bảo hộ...

Luật Lao động thì quy định rất rõ là: DN sử dụng lao động có hợp đồng 3 tháng trở lên, người lao động phải đóng BHXH... Thế nhưng với cách lao động, làm việc kiểu “tin nhau là chính” nêu trên thì việc đóng BHXH đối với thợ xây dựng công trường xem ra chỉ là chuyện xa vời! Đối với họ thì cuộc sống hiện tại chỉ cần có việc làm, trả tiền công đầy đủ là ổn!

Nhưng ai trong họ cũng đều thừa nhận, khi đã vào nghề được vài năm thì TNLĐ luôn rình rập và không thể tránh được. Nhẹ thì trật gân, chầy khớp... nặng thì què chân, gẫy tay hoặc rủi ro cao nhất là tử vong... Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức bất cẩn của thợ xây dựng. Có thợ khi đeo dây thắt an toàn không chắc chắn, không kiểm tra nên khi làm việc trên cao, cả người rơi xuống. Có người ngồi ngay trên mép giàn giáo, hút thuốc lào say quá cũng ngã bất thần gây tai nạn.

Có thợ lắp cốp pha trên cao, chủ quan nên bị rơi từ tầng 3 xuống gẫy đùi... Chủ công trình hỗ trợ, cả viện phí được 7 triệu đồng, cái giá quá rẻ cho thương tật mà người thợ phải gánh chịu suốt đời. Vài triệu đồng bồi thường cho một tai nạn gẫy tay, què chân, ra viện về quê điều dưỡng dăm tháng lại đi làm tiếp... quả là mong manh, vất vả cho đời thợ xây dựng.

Cả khi họ có “tử nạn” về nghề, cũng chỉ được chủ sử dụng đền bù dăm chục triệu đồng mà thôi! Thân nhân, gia quyến người bị nạn cũng đành phải chấp nhận, không thể kiện tụng vì do hầu hết người lao động không thực hiện đúng các quy định về bảo hộ lao động, không mấy khi có HĐLĐ lẫn bảo hiểm xã hội vì “tin nhau, rủ nhau đi làm” để mưu sinh là chính!

Nhọc nhằn đời thợ là vậy! Họ biết nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ vẫn buộc phải chấp nhận khi rủi ro khôn lường, ẩn họa TNLĐ ập xuống bất cứ lúc nào. Song, tất cả với họ chỉ đơn giản mong muốn duy nhất là có việc làm và thu nhập để giúp đỡ gia đình, người thân nơi quê nghèo.

Đức Tâm