Nhiều vấn đề phát sinh nếu dùng cả Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân gắn chíp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nếu Chứng minh nhân dân hết hạn rơi vào tay người khác, hoặc chỉ cần có thông tin từ chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD) cũ thì đối tượng xấu có thể dễ dàng làm giả để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vay tiền...

Hiện nay, theo quy định, cơ quan Công an không thu hồi CMND/CCCD mà người dân đang sử dụng để dùng trong thời gian chờ đợi cấp CCCD gắn chíp. Khi người dân có CCCD gắn chíp, CMND/CCCD cũ sẽ bị thu hồi hoặc cắt góc. Tuy nhiên có một số người dân vì nhiều lý do đã sử dụng đồng thời cả CMND/CCCD cũ với CCCD gắn chíp. Điều này sẽ làm phát sinh một số vấn đề có liên quan.

Không nên sử dụng đồng thời CMND/ CCCD cũ với CCCD gắn chíp

Không nên sử dụng đồng thời CMND/ CCCD cũ với CCCD gắn chíp

Chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội cho biết, CMND không còn giá trị sử dụng khi người dân đã nhận được thẻ CCCD gắn chíp. Do đó, người dân nên sử dụng CCCD gắn chíp cho các giao dịch để để tránh trường hợp sau này phải thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin thành số CCCD và cũng tránh những rắc rối về sau.

Khi ký kết các loại Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, giao dịch mua bán... người dân sử dụng CMND cũ (không còn giá trị sử dụng, thay vì dùng CCCD gắn chíp đã được cấp) thì sau này nếu xảy ra tranh chấp, bên tranh chấp sẽ lấy lý do "CNMD hết hạn, không có giá trị chứng minh nhân thân trong giao dịch" để đề nghị cơ quan thẩm quyền tuyên giao dịch vô hiệu, thậm chí còn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Không những thế, người dân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng do không thực hiện đúng quy định về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021.

Một trường hợp khác là khi giấy tờ này rơi vào tay người ngoài, hoặc chỉ cần họ có được thông tin CMND, CCCD cũ của bạn thì có thể dễ dàng làm giả để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vay tiền...

Ngoài ra, việc sử dụng CMND, CCCD cũ để khai báo, đăng ký làm các thủ tục hành chính công dễ dẫn đến thông tin không trùng khớp (giữa CMND cũ và CCCD gắn chíp mới) nên có thể gây khó khăn cho người dân trong việc cập nhật thông tin về sau.

Do đó, người dân khi đã có CCCD gắn chíp nên thống nhất chỉ sử dụng một loại giấy tờ tùy thân, cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt định danh điện tử mức 2 để thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch.