Nhiều trẻ nhỏ đuối nước trong mùa hè, bác sĩ hướng dẫn 5 bước xử lý cấp cứu ban đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mùa hè là thời điểm trẻ em thường xuyên tham gia hoạt động bơi lội hoặc về quê, đi chơi, du lịch ở những địa điểm có hồ nước, biển,... do đó nguy cơ gặp tai nạn đuối nước tăng cao.
Một trẻ 6 tuổi bị đuối nước đang điều trị tại BV Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch

Một trẻ 6 tuổi bị đuối nước đang điều trị tại BV Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch

Hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị một trẻ 6 tuổi bị đuối nước nhưng không được cấp cứu ban đầu đúng cách nên rơi vào nguy kịch.

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam có đến gần 2.000 trẻ em đuối nước mỗi năm, số gặp tai nạn thường tăng vào đầu mùa hè.

Khi gặp người bị đuối nước, vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu, việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của người gặp nạn.

TS.BS Lê Ngọc Duy hướng dẫn các bước cấp cứu đuối nước ở trẻ em như sau:

Bước 1: Gọi trợ giúp: cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115.

Bước 2: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách.

Bước 3: Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không.

Bước 4: Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay. Cách hồi sức là:

- Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng. Nếu nghi ngờ trẻ bị chấn thương cổ thì hãy di chuyển trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng; không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm. Nếu không nghi ngờ chấn thương cổ thì giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu – nâng cằm).

Tiến hành hồi sức tim – phổi (CPR) cho trẻ bằng cách:

– Thổi ngạt: Với trẻ nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ. Thổi chậm, đều trong 1- 2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.

Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực
Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực

– Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực, (trẻ lớn/người lớn có thể dùng hai tay).

Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 -120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào trở lại.

Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn: Nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.

TS.BS Lê Ngọc Duy cũng lưu ý một số sai lầm cần tránh khi cấp cứu trẻ đuối nước:

- Không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt), làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ.

- Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở.

- Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi.