Nhiều rủi ro khi lao động ở nước ngoài thông qua tư vấn trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin được các “nhân viên tư vấn việc làm” đưa ra với người lao động hết sức hấp dẫn, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Những người đi lao động nước ngoài thông qua cá nhân tư vấn trên mạng xã hội gặp không ít rủi ro…

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an vừa tiếp nhận công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bắc Kạn bị phía Myanmar trục xuất.

Qua lời kể lại của nạn nhân cho thấy nhiều cạm bẫy vẫn đang chờ đón những người lao động nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu, đi lao động trái phép ở nước ngoài.

Một trong số những công dân trở về đợt này là anh H.V.Đ trú tại tỉnh Bắc Kạn. Ngày 12-11-2024, thông qua trò chuyện trên mạng xã hội Facebook, anh được một người đàn ông tư vấn đi làm nhân viên chăm sóc khách hàng bán hàng qua mạng tại thị trấn Mea Sot (Thái Lan).

Anh H.V.Đ làm việc với cơ quan công an

Anh H.V.Đ làm việc với cơ quan công an

Người đàn ông đưa tới cho anh những lời chào mời hấp dẫn như mức lương 18 triệu đồng/ tháng, được nuôi ăn ở, được thưởng thêm từ 5% - 10% tổng doanh thu, cho ứng 25 triệu đồng ban đầu, được đi lại tự do, được sử dụng điện thoại, thời gian hợp đồng là 14 tháng trong đó 2 tháng thử việc và 12 tháng làm việc chính thức. Nếu phá hợp đồng thì sẽ đền bù toàn bộ chi phí khoảng từ 60 - 80 triệu đồng.

Sau khi được tư vấn, anh Đ đã chụp ảnh căn cước cá nhân và thông tin đăng nhập, mật khẩu ứng dụng VNeID gửi cho người tư vấn. Sau đó, anh được một số tài khoản mạng xã hội giới thiệu lần lượt từ tổ trưởng đến quản lý khác nhau phỏng vấn và thông báo anh T trúng tuyển.

Vài ngày sau, anh Đ được một người đàn ông đưa ra sân bay Nội Bài và bay đến Thủ đô Bangkok (Thái Lan). Nhưng khi đến nơi, anh Đ không được bố trí làm việc theo hứa hẹn mà bị các đối tượng sử dụng xe ô tô đưa thẳng qua biên giới vào lãnh thổ Myanmar, làm việc tại một tòa nhà, ăn ở sinh hoạt tại chỗ cùng với nhiều người Việt Nam khác.

Những người làm việc ở đây không được đi ra ngoài, có lực lượng giám sát 24/24 giờ, không được sử dụng điện thoại và liên lạc với người thân, gia đình. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc bị bỏ đói, đứng phơi nắng hay đánh đập. Công việc của anh Đ là được công ty cấp cho một máy tính để bàn, một điện thoại di động cùng nhiều tài khoản Facebook, Zalo, Telegram và một tập kịch bản để tư vấn cho khách hàng. Sau đó, tìm kiếm dụ dỗ lôi kéo khách hàng là người đang có nhu cầu tìm việc ở nước ngoài, đưa ra nước ngoài làm việc.

Quá trình làm việc phải thường xuyên tạo thông tin giả, xây dựng hình ảnh một người có công việc ổn định, thu nhập cao để thu hút các đối tượng tham gia.

Ngày 23-2 vừa qua, anh H.V.Đ được lực lượng quân đội Myanmar phối hợp với quân đội Thái Lan giải cứu, đưa về khu tập trung. Ngày 28-4 anh bị trục xuất về nước.

Tại cơ quan công an, anh Đ đã gửi lời cảnh báo đến những người đang có nhu cầu tìm việc ở nước ngoài. “Đây là bài học xương máu, vì vậy khuyên tất cả mọi người, với những công việc được quảng cáo làm ở nước ngoài, được công ty bảo lãnh hoàn toàn tất cả chi phí, giấy tờ đi ra nước ngoài làm việc, dù là người quen biết, thậm chí là anh chị em ruột của mình nói với mình, nhưng nếu không nắm được chắc 100% là lừa đảo hay là chính thống thì không nên tin theo” - anh Đ đề nghị.

Với những lời chào mời về công việc hấp dẫn cùng với việc người lao động không cần phải lo chi phí, vé máy bay cũng như toàn bộ việc di chuyển, nhiều người dân đã nghe và tin theo, hy vọng có việc làm ổn định ở “miền đất hứa”.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không có những công việc như vậy. Thậm chí công dân sẽ bị trục xuất khỏi các quốc gia khác nhau do làm việc không đúng quy định, đối diện nguy cơ có thể bị xử lý hình sự.

Vì vậy mỗi người dân cần hết sức cảnh giác trước các thông tin và tư vấn về việc làm thông qua mạng xã hội với thu nhập khủng tại các công ty ở nước ngoài, tránh trở thành nạn nhân của “bẫy” lừa đảo “việc nhẹ lương cao”.