Trẻ đã phẫu thuật hở hàm ếch cần phẫu thuật lại:

Nhiều phòng khám thẩm mỹ chỉ vì lợi nhuận

ANTĐ - Theo ngành y tế, hiện cả nước có khoảng 200.000 trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, nhu cầu phẫu thuật mỗi năm là rất lớn. Tuy nhiên, việc phẫu thuật cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch hiện nay mới chỉ đáp ứng việc đóng lại khe hở một cách đơn thuần nên có rất nhiều trường hợp sau phẫu thuật cần được phẫu thuật lại.

Phẫu thuật lại cho trẻ đã phẫu thuật hở hàm ếch là một kỹ thuật y tế khó

ThS.BS Ngô Anh Tú, đơn vị phẫu thuật tạo hình - BV Nhi Trung ương cho biết, ước tính ở nước ta cứ 600 trẻ sinh ra lại có một cháu bị sứt môi, hở hàm ếch, tương đương với khoảng 2.000 trẻ sơ sinh bị sứt môi, hở hàm ếch được sinh ra mỗi năm. Cùng với sự phát triển của y học cũng như đời sống kinh tế người dân ngày càng khá lên, những năm gần đây số trẻ được phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng BV Nhi Trung ương, mỗi năm đã mổ cho khoảng trên 500 ca sứt môi, hở môi vòm, hàm ếch. Đấy là chưa kể các đợt phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch từ thiện của các BV, các đơn vị tổ chức ngày càng nhiều, đem lại cơ hội cho hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh này cơ hội có một cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, kỹ thuật phẫu thuật sứt môi, hở môi vòm, hở hàm ếch ở nước ta trước nay mới chỉ mang tính chất thuần túy là vá, đóng lại khe hở, sứt để giúp trẻ có thể ăn uống, bú hút được, đỡ bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết các trường hợp sau mổ chưa được đánh giá hiện tượng biến chuyển của bệnh như môi bị kéo lên, vòm mũi biến dạng hoặc những di chứng khác nghiêm trọng hơn như giọng nói bị méo mó… ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ khiến cho những trẻ này khi đến tuổi trưởng thành (16, 17 tuổi trở lên) thiếu tự tin trong cuộc sống. Bác sĩ Tú cho biết, rất nhiều trẻ đã được phẫu thuật hở hàm ếch, hở môi vòm nhưng sau phẫu thuật một thời gian, vòm họng không kéo lại được cân đối gây ảnh hưởng đến tiếng nói, người bệnh nói bằng giọng mũi nhiều hơn.

Tại đơn vị Phẫu thuật tạo hình - BV Nhi Trung ương trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây đã có gần 100 trẻ bị các di chứng sau phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch ảnh hưởng đến tiếng nói được phẫu thuật tạo hình lại. Khoa Ngoại của BV cũng đã triển khai áp dụng kỹ thuật mới, tạo hình lại phần sứt môi, hở hàm ếch (đã được phẫu thuật 1 lần) cho bệnh nhân bằng ghép sụn tự thân, giúp đẩy cao cánh mũi, tạo hình lại vòm hầu để cải thiện khả năng phát âm, đồng thời cải thiện hơn 80% về mặt thẩm mỹ cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Tú cảnh báo, điều nguy hiểm nhất hiện nay là nhiều bệnh nhân đã mổ hở hàm ếch, khe vòm có biến dạng, giọng nói biến dạng thường nghĩ đến yếu tố thẩm mỹ nên tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để chỉnh sửa lại. Tuy nhiên, hiện gần như toàn bộ các cơ sở thẩm mỹ ở nước ta chưa làm được kỹ thuật này, vì tạo hình lại mũi, vòm hầu để cải thiện giọng nói là một kỹ thuật y tế khó. Nhưng thực tế nhiều phòng khám thẩm mỹ vì lợi nhuận vẫn nhận “chữa”, thực ra họ chỉ chỉnh lại được mặt thẩm mỹ trên mặt cho người bệnh chứ không cải thiện được các biến dạng do hậu phẫu thuật. Vì vậy, những bệnh nhân đã được phẫu thuật sứt môi, khe vòm, hở hàm ếch nếu có biến dạng khe môi, mũi, giọng nói… sau phẫu thuật nên đến các cơ sở y tế để được điều trị dứt điểm.