Đây là đánh giá được đại diện Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo kiểm toán năm 2013 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2012 diễn ra sáng qua (25-7).
Nhiều công trình giao thông đội vốn tới 2-3 lần so với dự toán sau khi điều chỉnh
Làm khó việc bố trí vốn
Theo Kiểm toán Nhà nước, cơ bản các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã tập trung quản lý, sử dụng vốn đầu tư tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát các công trình, dự án đầu tư được tăng cường. Tuy nhiên, nhiều dự án phải phê duyệt điều chỉnh quy mô, tăng tổng mức đầu tư so với quyết định ban đầu, phê duyệt dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn.
Điển hình như, dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phải điều chỉnh và tăng tổng mức đầu tư từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng (tăng 2,4 lần). Hay như dự án tín dụng ngành giao thông vận tải cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 1 điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 2.293 tỷ đồng lên 6.961 tỷ đồng (tăng 3 lần).
Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư nhiều công trình xây dựng cũng được điều chỉnh tăng, ví dụ như công trình nhà thi đấu đa năng tại tỉnh Bắc Ninh có mức điều chỉnh tăng hơn 60 tỷ đồng... Tại tỉnh Lai Châu, điều chỉnh của 22 dự án làm tăng tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng. Tại tỉnh Phú Thọ, 3 trên 6 dự án điều chỉnh tăng hơn 7,5 tỷ đồng.
Trước câu hỏi của PV Báo An ninh Thủ đô: “Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hàng loạt công trình điều chỉnh khiến tổng mức đầu tư tăng gấp nhiều lần dự toán ban đầu? Qua quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có những kiến nghị gì nhằm giải quyết tình trạng này?”, ông Ngô Văn Quý - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành IV cho biết: “Với công trình xây dựng nói chung và công trình giao thông nói riêng, trong quá trình triển khai thi công không công trình nào thực hiện được đúng theo dự toán. Qua kiểm toán, chúng tôi xác định rằng chủ yếu do hai nguyên nhân. Một là, chất lượng công tác khảo sát lập dự án, cũng như chất lượng công tác thiết kế dự toán chưa tốt, nên trong quá trình tổ chức thực hiện phải điều chỉnh quy mô, bổ sung thay đổi dẫn đến phải tăng tổng mức đầu tư. Thứ hai là do thời gian thi công kéo dài làm tăng chi phí do trượt giá cũng như tăng chi phí quản lý”.
Vấn đề thời gian thi công kéo dài cũng được ông Ngô Văn Quý giải thích: “Thứ nhất, là do công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương gặp rất nhiều vấn đề. Thứ hai là một số thực hiện hoãn, giãn tiến độ, có dự án giãn tiến độ tới 3-4 năm, khi triển khai lại phải điều chỉnh. Ngoài ra còn có nguyên nhân do thời tiết, thay đổi chính sách”.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, tùy thuộc vào từng dự án cho phù hợp. Ví dụ như để khắc phục nguyên nhân thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các đơn vị tư vấn phải tăng cường trách nhiệm để việc khảo sát tương đối sát với thực tế, tránh việc khi tiến hành thiết kế và triển khai thi công lại phải điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế... đồng thời, kiến nghị các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công.
Không phản ánh đúng doanh thu
Theo Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước trong số 242 đơn vị thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đều phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Quan hệ mua bán giữa công ty mẹ và công ty con, công ty liên kết chưa đảm bảo khách quan và không đúng quy định.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước nêu ví dụ, Công ty mẹ EVN đã nâng giá mua điện tại hai nhà máy điện là Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Uông Bí và Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ với tổng số tiền là 865,8 tỷ đồng. EVN cũng giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty điện lực trong ngành với số tiền là 1.717 tỷ đồng để hỗ trợ bù lỗ.
Cũng về công tác quản lý vốn của các doanh nghiệp, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ dẫn tới nợ quá hạn, khó đòi lớn. Ví dụ như, số nợ quá hạn của Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) lên tới 9.650 tỷ đồng.
Một số khoản nợ trong các tập đoàn vẫn ở mức lớn kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Tới 31-12-2012, EVN còn nợ PVN 12.651 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chưa thanh toán cho PVN khoản ứng vốn trước đó là trên 229 tỷ đồng với thời hạn trả nợ từ quý I năm 2011...
Thu vượt học phí gần 39 tỷ đồng
Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, một số đơn vị thuộc bộ, cơ quan trung ương có tình trạng thu vượt mức quy định về phí, lệ phí; thu một số khoản ngoài quy định.
Việc thu vượt mức quy định về phí, lệ phí, đơn cử như ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thu vượt học phí gần 39 tỷ đồng, lệ phí tuyển sinh gần 13 tỷ đồng, thu vượt học phí sau đại học gần 15 tỷ đồng, kinh phí đại học không chính quy là gần 16 tỷ đồng, đào tạo văn bằng 2 là 3,3 tỷ đồng, học phí đào tạo chính quy 2,6 tỷ đồng. Bộ Công Thương thu vượt học phí gần 45,5 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM thu vượt lệ phí tuyển sinh hơn 2,6 tỷ đồng, thu vượt học phí hơn 12 tỷ đồng, Đại học Quốc gia Hà Nội thu vượt học phí hơn 8,2 tỷ đồng...
Về việc thu một số khoản ngoài quy định, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo là gần 104 tỷ đồng, Bộ Công Thương gần 59 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM 11,5 tỷ đồng... Ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng Kiểm toán chuyên ngành 3 của Kiểm toán Nhà nước đánh giá: “Việc thu vượt, thu ngoài quy định này là tương đối cao. Đồng thời, tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều cơ sở đào tạo và diễn ra kéo dài trong nhiều năm qua. Qua nhiều lần kiểm toán và kiến nghị xử lý, tình trạng này đã được chấn chỉnh từng bước. Tuy nhiên, việc thu vượt là có thực, nhưng không phải ở mọi đối tượng mà chủ yếu ở các đối tượng người học không thường xuyên, không chính quy”.
Đánh chú ý là tại các trường, toàn bộ mức thu tăng thêm đều công khai, minh bạch, có quyết định công khai. Các đơn vị này đã báo cáo Thủ tướng và được cho phép giữ lại tiền thu vượt đó chuyển sang các quỹ phát triển sự nghiệp.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2012 các ngân hàng VietinBank, Vietcombank, Agribank đều huy động vượt trần lãi suất. Cụ thể, số tiền lãi huy động vượt trần của Agribank là 10,57 tỷ đồng, Vietcombank là 25,56 tỷ đồng, Vietinbank là 30,79 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu tại 31-12-2012 của các ngân hàng này đều tăng so với 31-12-2011. Cụ thể, VietinBank là 1,5%, tăng 100%, VCB là 2,4%, tăng 15,38%, Agribank là 8,16%, tăng 34,43%. Đến 30-6-2013, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank và Agribank đều chiếm tỷ lệ lớn trên tổng nợ xấu. Trong đó, VietinBank là 2.213 tỷ đồng, Agribank là 23.652 tỷ đồng (chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ).
Nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012 của NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì 2/3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt quá mức an toàn theo quy định của NHNN. Cụ thể, VietinBank là 5,23%, Agribank là 15,68%.