Nhiều đô thị lớn trên thế giới áp dụng hiệu quả

ANTĐ -  Ác mộng tắc đường và ô nhiễm không khí trầm trọng đang là mối lo thường trực của nhiều quốc gia châu Á. Để khắc phục tình trạng này, một số nước đã áp dụng biện pháp hạn chế ô tô cá nhân từ nhiều năm

Nhiều đô thị lớn trên thế giới áp dụng hiệu quả   ảnh 1Lưu thông ì ạch trên đường phố là cơn ác mộng giao thông tại nhiều đô thị lớn ở Trung Quốc

Thượng Hải - trung tâm tài chính của Trung Quốc đã có tầm nhìn sớm ngay từ năm 1994 khi đề ra chính sách hạn chế ô tô để giảm áp lực giao thông đô thị bằng biện pháp đấu giá biển số xe. Thời gian ban đầu, quy định này áp dụng đối với xe khách, sau đó triển khai đối với xe cá nhân. Mặc dù quy định áp dụng với xe cá nhân gặp phải nhiều chỉ trích nhưng trên một phương diện nhất định, chính sách này đã hạn chế được việc mua sắm ô tô cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

Tiếp theo, đầu năm 2011, Thủ đô Bắc Kinh áp dụng phương pháp bốc thăm để mua ô tô với giới hạn 1 năm chỉ có 240.000 chiếc xe mới được phép lưu thông. Năm 2012, thành phố Quảng Châu hạn chế ô tô loại vừa và nhỏ bằng cách bốc thăm để mua xe và đấu giá biển số với chỉ tiêu mỗi năm là 120.000 xe mới. Để giảm thiểu tắc đường và ô nhiễm, thành phố Thiên Tân hạn chế mua ô tô mới từ tháng 12-2013. Còn thành phố Hàng Châu lại áp dụng quy định cạnh tranh giá mua và rút thăm để được mua ô tô từ tháng 3-2014.

Thâm Quyến - thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông và là mô hình đô thị hiện đại điển hình ở Trung Quốc cũng ban bố lệnh hạn chế mua ô tô từ tháng 12-2014. Theo quy định có hiệu lực trong 5 năm này, số lượng xe ô tô loại nhỏ mới của thành phố được điều tiết trong vòng mỗi năm là 100.000 chiếc và sẽ được phân phối theo tháng. Trong đó, chỉ tiêu 20.000 xe là dành cho ô tô điện, người dân được mua theo phương thức bốc thăm; 80.000 xe còn lại được áp dụng mua theo hình thức 50% bốc thăm và 50% cạnh tranh giá mua. Đặc biệt, theo quy định này, chỉ tiêu ô tô mới cho mỗi năm phải phụ thuộc vào nhu cầu ô tô, môi trường không khí và thực trạng giao thông của năm đó. Ngoài ra, vào giờ cao điểm sáng và tối, chỉ có ô tô mang biển kiểm soát Thâm Quyến mới được lưu thông tại một số khu vực theo quy định.  

Không chỉ tại Trung Quốc, nhiều nước châu Á khác cũng thực hiện các biện pháp quyết liệt để hạn chế xe ô tô cá nhân. Tại Singapore, việc sở hữu một chiếc ô tô là cực kỳ xa xỉ do các loại thuế cao, ví như một chiếc xe bị đánh thuế ít nhất 100% giá trị của nó trên thị trường trong khi Giấy chứng nhận sở hữu xe (COE) có thời hạn trong 10 năm và chi phí để sở hữu nó cũng không hề rẻ. Phí COE cho một chiếc Mitsubishi có lúc lên tới 62.600USD và 74.075USD cho một chiếc BMW. Cùng với đó, ngày càng nhiều người dân Singapore đi lại bằng xe buýt và tàu điện ngầm do chất lượng tốt, chi phí hợp lý, 

Trong khi đó, tại nước láng giềng Indonesia, chính quyền thành phố Jakarta quyết định áp dụng lệnh cấm xe biển chẵn lẻ từ tháng 6-2013. Ông Joko Widodo, khi đó là Thống đốc Jakarta cho biết, việc áp dụng ban đầu sẽ không thuận lợi vì  gặp phải phản ứng của một bộ phận người tham gia giao thông. Mặc dù vậy, chính quyền vẫn phải hành động quyết liệt để cải thiện tình trạng giao thông. 

Nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ, chính quyền thành phố quy định từ tháng 1-2016, những xe ôtô cá nhân chỉ được luân phiên chạy trên đường phố theo ngày chẵn ngày lẻ. Bên cạnh đó, chính quyền New Delhi cũng sẽ tăng số xe công cộng trong thành phố và tăng gấp đôi phí môi trường đối với xe tải đi vào thành phố.