Nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng 7-10 lần

ANTĐ - Dự thảo điều chỉnh tăng giá viện phí do Bộ Y tế soạn thảo đang bước vào giai đoạn hoàn tất cuối cùng để trình Chính phủ thông qua. Theo đó, sẽ có khoảng 350 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá ngay từ cuối năm nay.

Tăng viện phí cần đi đôi với chất lượng


Điều chỉnh trước 350 dịch vụ

Ngày 14-9, Bộ Y tế lấy ý kiến tham vấn lần cuối dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Vấn đề quan tâm nhất trong cơ chế tài chính mới này là viện phí có tăng hay không và tăng như thế nào? Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định về điều chỉnh giá của các dịch vụ kỹ thuật y tế đã được ban hành tại Thông tư liên bộ 14/TTLB năm 1995 hướng dẫn thu một phần viện phí và một số dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư số 03/2006/TTLT đến nay đã quá lạc hậu và không còn phù hợp, thì trong năm 2011-2012 chỉ điều chỉnh khung giá của 350 dịch vụ trong tổng số 3.000 dịch vụ đã được ban hành từ năm 1995. Từ giai đoạn 2013 trở đi sẽ thực hiện thu viện phí theo quy tắc tính đúng, tính đủ chi phí.

Những dịch vụ dự tính sẽ được điều chỉnh trong đề án tăng viện phí lần này là giá khám - chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh và giá các dịch vụ kỹ thuật… Trong số này, có 220 dịch vụ, kỹ thuật dự định sẽ tăng 2-2,5 lần, chủ yếu là các dịch vụ không thường xuyên và thường rơi vào nhóm các dịch vụ y học dân tộc, châm cứu... đặc biệt, khoảng 70 dịch vụ có mức tăng từ 7-10 lần. Bộ Y tế cho rằng, việc điều chỉnh giá viện phí lần này chỉ áp dụng với các cơ sở y tế công lập và không ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người đã có thẻ BHYT, bởi chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả. Phần tăng thêm cũng được BHYT thanh toán theo tỷ lệ quy định tại Luật BHYT. Lo lắng hơn cả chỉ là nhóm bệnh nhân phải cùng chi trả 5-20% viện phí.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, mức giá viện phí đang áp dụng được xây dựng từ khi lương cơ bản mới chỉ là 350.000đồng/tháng, nay mức lương cơ bản đã được Nhà nước điều chỉnh nhiều lần, lên 830.000đồng/tháng trong khi giá viện phí vẫn giữ nguyên. Nếu không điều chỉnh ngay thì viễn cảnh nhiều BV công phải đóng cửa là không tránh khỏi. Mặt khác, giá viện phí hiện nay đang được Nhà nước bao cấp cho cả người nghèo lẫn người có thu nhập cao, có khả năng chi trả toàn bộ viện phí, mức thu thấp như vậy không hấp dẫn người dân tự nguyện tham gia BHYT và như vậy là không công bằng.

Có tăng chất lượng, giảm tiêu cực?

Trong bối cảnh vật giá leo thang cao như hiện nay thì việc giá viện phí được quy định từ 15 năm trước phải tăng theo là quy luật tất yếu. Tuy nhiên vẫn còn không ít lo lắng từ dư luận và người dân, bởi với mức viện phí hiện nay đa phần người bệnh đã phải “liêu xiêu” mỗi khi đi viện, huống hồ viện phí lại tăng cao. Chưa hết, viện phí tăng có tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, có giảm tiêu cực trong ngành y? Và với những bệnh nhân đang phải cùng chi trả, nhất là nhóm bệnh nan y, mãn tính thì việc tăng viện phí có ngăn cản họ tiếp cận dịch vụ y tế? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để tránh ảnh hưởng đến một bộ phận người bệnh nhất định nên việc điều chỉnh giá viện phí mới thực hiện theo lộ trình và trước mắt chỉ điều chỉnh một số dịch vụ quá bất hợp lý. Song song với đổi mới cơ chế tài chính, Bộ cũng chỉ đạo các BV phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, chưa nói đến việc các BV công lập phải đóng cửa do thu không đủ bù chi thì việc tăng BHYT cũng chính là đem lại lợi ích cho đa phần người bệnh. Ông Kính phân tích: “Nếu BHYT tăng chi trả cho người bệnh thì người bệnh phấn khởi, nhưng muốn tăng chi trả BHYT thì buộc phải tăng mặt bằng viện phí. Hơn nữa, tăng viện phí sẽ giúp các BV tăng cường các dịch vụ kỹ thuật cao điều trị cho người bệnh, trần BHYT thanh toán cũng nâng lên và người bệnh sẽ được chi trả nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hơn. Thế nhưng cứ nói đến tăng viện phí thì người dân lại phản đối, điều này chẳng khác nào người bệnh đang phản đối chính cái mà họ sẽ được hưởng, được chi trả”.

Ông Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E Trung ương cũng cho biết: “Nếu viện phí tăng thì chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế công sẽ tăng theo ngay”. Hiện cái khó của các BV là thiếu nguồn kinh phí để duy trì cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị. Hơn nữa, với mức viện phí thấp hiện nay, các BV công cũng mất tính cạnh tranh so với các cơ sở y tế ngoài công lập.

Phải trong khả năng chi trả của người dân

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc điều chỉnh khung viện phí là việc làm cần thiết, nhưng phải nằm trong khả năng chi trả của người dân và phải có hỗ trợ tối đa cho người nghèo, đối tượng chính sách, không gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần hoàn thiện cơ chế thay đổi mức thu BHYT để phù hợp theo thời gian hàng năm bởi BHYT chính là lời giải cho bài toán khó này của ngành y tế. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế trong quý IV-2011 trình Chính phủ về mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế, đến năm 2012 triển khai thực hiện.