Nhiều biện pháp phòng ngừa cháy, nổ từ cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội vừa triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng và vận động mỗi gia đình có 1 bình chữa cháy.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, ông Trương Văn Học - Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, đã nêu rõ: “Chủ động phòng ngừa hỏa hoạn là nhiệm vụ quan trọng luôn được các lực lượng chức năng địa phương chủ động và đang làm tốt, tuy nhiên hiện nay tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp, do cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của cơ sở chưa đồng bộ, cùng với sự chủ quan của người dân, ý thức chưa cao nên tiềm ẩn nguy cơ cháy. Để hạn chế cháy, nổ và giảm thiệt hại do cháy xảy ra cần phải chuyển biến ý thức của người dân, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để chung tay phòng ngừa cháy, nổ hiệu quả”.

Trên tinh thần nội dung hội nghị, quán triệt cấp cơ sở vận động mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện phục vụ phá dỡ, thoát nạn.

Nhấn mạnh việc phương tiện được trang bị sẽ tạo hiệu quả công tác xử lý vụ cháy ngay từ ban đầu, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết: “Chủ trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình an toàn về PCCC và CNCH đáp ứng theo phương châm 4 tại chỗ đều phỉ xuất phát từ cơ sở, khu dân cư. Theo đó phương châm "Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân" sẽ thực sự phát huy tốt nếu như toàn thể nhân dân đều trang bị phương tiện, kỹ năng.

Để làm được nhiệm vụ này, cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể chung tay lan tỏa, vận động các hộ gia đình có cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động PCCC và CNCH để mỗi người dân trở thành “chiến sỹ cứu hỏa” ở trong mỗi gia đình. Đồng thời, nhân rộng các mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng" ; "Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC", "Cụm liên kết Làng nghề an toàn PCCC", "Cụm liên kết an toàn PCCC trong Khu/ Cụm công nghiệp”.

Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phát biểu tại hội nghị

Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phát biểu tại hội nghị

Về tiến độ triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND huyện về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn huyện Gia Lâm, ông Trương Văn Học yêu cầu: “ Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, UBND các phường và các đơn vị có liên quan cần xác định rõ vai trò và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác PCCC & CNCH, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC”.

Theo đó, hoàn thành việc khảo sát, thống kê, lập danh sách các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh; các khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ hẻm sâu trên 50m tập trung đông người, xe chữa cháy không tiếp cận được, đồng thời đề ra chỉ tiêu thực hiện theo từng tháng gửi về UBND thành phố.

Hoàn thành việc tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng cơ bản về PCCC& CNCH cho hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh; vận động 100% hộ gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện CNCH cần thiết như xà beng, kìm cộng lực, mặt nạ lọc độc, đèn pin,… trước ngày 30/4/2023; Việc triển khai nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên toàn địa bàn quản lý trước ngày 20/6/2023;Triển khai 04 mô hình còn lại theo Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 16/02/2023 của UBND thành phố Hà Nội phù hợp với đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy nổ trên địa bàn trước ngày 15/12/2023.