Nhiều băn khoăn về di dân, tái định cư

(ANTĐ) - Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng qua, 7-11, về dự án thủy điện Lai Châu, các ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng cho đất nước. Tuy nhiên, đa số ý kiến ĐBQH nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái.

Quốc hội bàn chủ trương xây dựng Thủy điện Lai Châu

Nhiều băn khoăn về di dân, tái định cư

(ANTĐ) - Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng qua, 7-11, về dự án thủy điện Lai Châu, các ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng cho đất nước. Tuy nhiên, đa số ý kiến ĐBQH nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái.

An toàn phải trên hết

Nhiều đại biểu đồng tình với chủ trương xây dựng Thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến băn khoăn về công tác di dân, GPMB, quản lý vốn, độ an toàn của công trình cũng như những ảnh hưởng tới môi trường sinh thái... Hướng tới các mục tiêu an toàn là số một, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ xây dựng và báo cáo QH những giải pháp cụ thể phòng ngừa và xử lý khủng hoảng trong trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc.

“Không ai mong muốn sự cố xảy ra cả, chính vì thế mà phải chuẩn bị trước những phương án hữu hiệu để quản lý nó” - ông Nguyễn Việt Dũng nói. Cũng có mối quan tâm tương tự, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) phát biểu: “Phải đặc biệt quan tâm tới mức độ an toàn của công trình, nhất là trong điều kiện có động đất hay lũ, bão. Đồng thời phải tính toán kỹ tác động tới môi trường sinh thái khu vực xung quanh. Nguồn nước cho thủy điện cũng phải cân nhắc kỹ nếu không sẽ có lúc rơi vào tình trạng “treo” máy vào mùa khô vì không có nước như đã từng xảy ra...”.

Xuất phát từ thực tế là hàng loạt dự án trọng điểm Quốc gia vừa qua đều bị “đội” vốn lên rất lớn so với mức phê duyệt ban đầu, ĐB Nguyễn Việt Dũng đề nghị Chính phủ tính toán kỹ quy mô đầu tư giai đoạn 1 của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, vừa để “đủ lực làm đến nơi đến chốn, đồng thời tích lũy kinh nghiệm làm tốt hơn ở những giai đoạn tiếp theo”.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Chia sẻ lo ngại về đảm bảo an toàn cho các dự án năng lượng quan trọng này, ĐB Nguyễn Văn Bé (TP Hồ Chí Minh) nhận xét, báo cáo Chính phủ nêu còn nhẹ về mặt trái của các dự án này. ĐB dẫn chứng, trên sông Đồng Nai có tới 15 dự án thủy điện, sông Ba có 9 dự án, ngay trên sông Đà chúng ta có 3 dự án, chưa kể các dự án ở phía thượng nguồn của nước bạn.

Các dự án thủy điện có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ lưu vực sông nói riêng và môi trường sinh thái nói chung, vì vậy “phải có cái nhìn toàn diện với tầm nhìn xa để đánh giá khách quan tác động của những dự án tới môi trường sinh thái, như vậy mới đảm bảo phát triển bền vững”.

Đây cũng là quan điểm của ĐB Dao Nhiễu Linh khi bà thẳng thắn phát biểu: “ĐBQH không thể am tường tất cả mọi vấn đề, nhất là những vấn đề có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Khi trình bày với QH, đại diện Chính phủ không nên đọc lại báo cáo (đã phát tận tay cho ĐB) mà phải có sự giải thích, mô hình hóa, nêu rõ mặt tích cực, tiêu cực của từng dự án. Với cung cách cung cấp tài liệu như hiện nay, ĐBQH khó đưa ra được những ý kiến đóng góp xác đáng”.

Giám sát chặt để tránh thất thoát

ĐB Đặng Ngọc Tùng (TP Hồ Chí Minh) thống nhất cao với chủ trương đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, nhưng đặc biệt lưu ý Chính phủ tìm giải pháp năng lượng từ các nguồn khác rất “sạch và an toàn” như từ gió, mặt trời, sóng… Trong khi đó, ĐB Trần Đông A (TP Hồ Chí Minh) đề cao yêu cầu chuẩn bị nhân lực, cụ thể là đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tế để xây dựng và vận hành dự án.

Nhóm ý kiến quan trọng khác của các ĐBQH là tập trung vào công tác di dân tái định cư. Rút kinh nghiệm từ công tác di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La, ĐB Triệu Thị Nái (Hà Giang), Tất Thành Cang (TP Hồ Chí Minh) yêu cầu Quốc hội “vào cuộc”, giám sát chặt chẽ ngay từ đầu công tác thực hiện di dân đối với các dự án này để đảm bảo cho người dân trong vùng phải di dời, nhường chỗ cho dự án thực sự có được cuộc sống ổn định “bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) lên tiếng: “Tới năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt năng lượng nên cần ưu tiên cho thủy điện. Tuy nhiên, khi triển khai di dân, UBND tỉnh Lai Châu phải vào cuộc, tạo ra nơi ở cũng như phương thức sản xuất ổn định cho dân chứ không phải chỉ xây nhà và phát gạo...”.

ĐB Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) lo lắng: “Số lượng dân phải di dời khá lớn, trên 1.300 hộ trong khi quan sát ở những dự án thủy điện cho thấy, công tác di dân thường có vướng mắc. Phải tính toán kỹ để cuộc sống người dân tốt hơn khi chuyển tới nơi ở mới. Đừng đưa dân vào những khu phố, không có đất canh tác, họ sẽ không sống được...”.

Cũng theo ĐB Nguyễn Đăng Kính, quản lý vốn đầu tư xây dựng công trình cũng là khâu khó, dễ phát sinh tiêu cực nên phải có sự ngăn chặn từ sớm. “Quốc hội phải giám sát thường xuyên mới đảm bảo không có thất thoát. Nếu không làm chặt, vừa mất cán bộ, mất tiền mà người dân lại không được hưởng... Những dự án thủy điện lớn trước đây có giám sát nhưng chưa thực sự tốt. Phải làm chặt khâu hậu giám sát chứ nếu chỉ quan sát, phát hiện, đề xuất thì đâu lại vào đó...” - ông Nguyễn Đăng Kính nói.

Chính Trung