Nhiệm vụ đặc biệt của những chiến sĩ kiệt xuất

ANTD.VN - Biết Đại úy Nguyễn Đăng Tiến, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông Tuần Tra dẫn đoàn  đã lâu nên khi nghe tin anh được Giám đốc CATP Hà Nội tặng danh hiệu 1 trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc tiêu biểu năm 2016 của Công an Thủ đô, quả thực tôi không quá bất ngờ. Lý do là bởi trong số hàng chục nghìn kíp, cuộc mà anh chỉ đạo, trực tiếp dẫn gần 7 năm qua, có những chuyện đã trở thành kinh điển của hoạt động tuần tra dẫn đoàn….

Đại úy Nguyễn Đăng Tiến (bên trái) hội ý nhanh phương án với CBCS trong lúc chờ đón đoàn nguyên thủ

Gặp tôi sau khi vừa hoàn thành cuộc dẫn đưa Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân thăm tỉnh Quảng Ninh ít giờ, dù khá mệt song Đại úy Nguyễn Đăng Tiến vẫn vui vẻ dành cho phóng viên một cuộc phỏng vấn. Trước đó đã vận dụng đủ mọi cách, song quả thực, gặp được anh không hề đơn giản bởi lịch làm việc của anh tùy thuộc hoàn toàn vào thời gian di chuyển, làm việc của các nguyên thủ quốc gia, các đoàn mà anh chịu trách nhiệm đón - dẫn - bảo vệ. Trả lời cho câu hỏi tưởng chừng như quá cũ: “Anh có nhớ mỗi năm mình dẫn bao nhiêu đoàn không?”.

Suy nghĩ, nhẩm tính, Đại úy Nguyễn Đăng Tiến mới nhớ một số liệu ang áng chừng khoảng gần 500 kỳ cuộc. “Một năm có 365 ngày thì trung bình mỗi ngày chúng tôi dẫn ít nhất 3 cuộc dẫn lớn, ở tất cả các phương án”, Đại úy Nguyễn Đăng Tiến cho biết. 

Nếu cứ chiếu theo số liệu ấy thì trong vòng hơn 7 năm qua công tác ở Đội Tuần tra dẫn đoàn, Đại úy Nguyễn Đăng Tiến cùng với đồng đội đã dẫn tới hàng chục nghìn cuộc, kíp dẫn lớn nhỏ. Đây là một con số không hề nhỏ, nó phản ánh công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta ngày càng đa dạng, rộng mở với  bạn bè trên toàn thế giới. 

Cảm xúc khó quên

Cũng trong hàng chục cuộc dẫn, kíp dẫn ấy, có những đoàn dẫn đã để lại ấn tượng chẳng thể nào quên đối với các CBCS tham gia dẫn đoàn nói chung và Đại úy Nguyễn Đăng Tiến nói riêng. Đại úy Nguyễn Đăng Tiến vẫn nhớ như in ngày được lựa chọn tham gia đón, dẫn đoàn nguyên thủ tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 14 vào tháng 11-2006.

Trong số những nguyên thủ đến Việt Nam, những kíp dẫn phục vụ Tổng thống Nga, Tổng thống Mỹ… đã để lại những ấn tượng khó quên về phong cách làm việc, sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ với yêu cầu an ninh được đặt lên cao ở mức tuyệt đối. Sau khi hoàn thành chuyến thăm Việt Nam, dẫn các đoàn nguyên thủ này lên sân bay, được trực tiếp bắt tay hoặc nhận lời “Cảm ơn” bằng tiếng Việt từ những chính khách này, mỗi CBCS tuần tra dẫn đoàn đều trào dâng một cảm xúc đầy tự hào.

“Nếu một người cán bộ dẫn đoàn mà khi ngồi trên mô tô, xe dẫn mất đi cảm giác háo hức, tự hào đến trăn trở thì có lẽ người đó không thể đứng trong hàng ngũ dẫn đoàn được nữa”.

Đại úy Nguyễn Đăng Tiến, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông Tuần Tra dẫn đoàn

Nhớ lại cuộc đón dẫn Tổng thống Barack Obama công du Việt Nam hồi tháng 5-2016. Trước khi người đứng đầu Nhà Trắng đáp chuyên cơ xuống Sân bay Nội Bài, hàng chục kíp dẫn đã được Đội Tuần tra dẫn đoàn thực hiện, với nhiệm vụ dẫn đoàn cho các phương tiện, thiết bị phục vụ cho chuyến thăm của phía cơ quan an ninh Mỹ. Có thể khẳng định, công tác bảo vệ an ninh của Mỹ chính xác, khoa học đến từng chi tiết nhỏ.

Thời gian, lộ trình của đoàn nguyên thủ này cũng rất khác lạ. Để đảm bảo an ninh, đoàn xe hộ tống Tổng thống Mỹ luôn di chuyển với tốc độ cao nhất có thể. Đôi khi kíp dẫn, đoàn dẫn chỉ biết được lộ trình, điểm đến của Tổng thống Mỹ ít phút trước khi đoàn xe lăn bánh như sự kiện Tổng thống Obama đến ăn bún chả ở phố Lê Văn Hưu, hay sau khi phát biểu ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình xong, trưa 24-5, Tổng thống Mỹ bất ngờ đi vào làng Mễ Trì Thượng trú mưa, ăn cốm. Nhưng cái khó nhất là dù thời gian biết trước tuy ngắn nhưng công tác dẫn đoàn vẫn phải được đảm bảo chủ động, tuyệt đối an toàn. 

Trong suốt thời gian Tổng thống Mỹ ở Việt Nam, Đại úy Nguyễn Đăng Tiến và CBCS ứng trực 24/24h, sẵn sàng phục vụ công tác dẫn ở bất kể thời điểm, thời gian nào trong ngày cũng như các nhiệm vụ đột xuất khác. Sau khi dẫn đoàn Tổng thống Mỹ lên sân bay để đáp chuyến bay vào TP.HCM, các nhân viên an ninh, mật vụ Mỹ đã phải thốt lên: “Lực lượng An ninh và Cảnh sát Giao thông Việt Nam quá giỏi”.

“Gia đình nhỏ” trong nhiệm vụ lớn

Tuổi đời còn khá trẻ, song vị trí, tính chất công việc đã khiến người Đội phó Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn chững chạc hơn rất nhiều so với tuổi. Điều đó cũng dễ hiểu khi hàng ngày, công việc của các anh đòi hỏi sự tập trung, chỉn chu, an toàn ở mức độ tuyệt đối. “Đã là CSGT thì ở vị trí nào cũng vất vả.

Có chăng những CBCS làm công tác dẫn đoàn thì trông bên ngoài có vẻ “sướng” hơn các đồng nghiệp ở các đội nghiệp vụ khác khi quần áo, quân trang lúc nào cũng chỉn chu, là lượt”, Đại úy Nguyễn Đăng Tiến chia sẻ. Tuy nhiên, đằng sau vẻ bên ngoài tưởng chừng nhàn nhã đó là cả sự căng thẳng cao độ trong những kíp dẫn, khi nào xe dừng bánh lúc đó CBCS tham gia dẫn đoàn mới tạm “thở phào”. 

Lịch trình, thời gian làm việc của các nguyên thủ đôi khi không theo lập trình có sẵn. Nhiều khi đang dẫn đoàn nguyên thủ, CSGT dẫn đoàn lại nhận được yêu cầu phải thay đổi tuyến đường, điểm đến. Lúc đó, ngoài phương án chính, các phương án dự phòng đã tự động cập nhật trong đầu của người chỉ huy đơn vị và ở từng bộ phận, vị trí đều phải hiểu mình phải làm như thế nào để đảm bảo tuyệt đối cuộc dẫn.

Yêu cầu bám vị trí luôn được đặt ra ở mức cao nhất trong tất cả các phương án A. Hay như đang trên đường dẫn, trời bất chợt đổ mưa như trút nước, người CSGT dẫn đoàn vẫn phải giữ nguyên đội hình, phóng mô tô đặc chủng dẫn đoàn chứ không có chuyện được dừng lại mặc áo mưa như mọi người vẫn nghĩ. 

Ở bất cứ cuộc dẫn nào, đối với Đại úy Nguyễn Đăng Tiến, cảm giác tự hào vẫn vẹn nguyên như mới lần đầu ngồi trên xe ô tô dẫn đoàn. Đại úy Nguyễn Đăng Tiến chia sẻ, nếu một người cán bộ dẫn đoàn mà khi ngồi trên mô tô, xe dẫn mất đi cảm giác háo hức, tự hào đến trăn trở thì có lẽ người đó không thể đứng trong hàng ngũ dẫn đoàn được nữa. 

Để có được một cuộc dẫn đảm bảo an toàn, đằng sau đó là cả khối lượng công việc khổng lồ, lặng thầm mà ít người biết đến. Tất cả các đoàn dẫn theo phương án A, công tác an ninh đều phải được đặt lên ở mức cao nhất. Yêu cầu đòi hỏi về an ninh của cơ quan an ninh nước bạn cũng vô cùng cao. Mặc dù vậy, tất cả những phương án an ninh, kíp dẫn đưa ra đều được chúng ta thực hiện, đảm bảo tuyệt đối an toàn, vượt trên cả yêu cầu của phía nước bạn.

Để làm được điều này, đòi hỏi bản thân mỗi CBCS đều phải không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng dẫn đoàn. Chuyện CSGT ở Đội CSGT dẫn đoàn có thể dùng hai chân điều khiển mô tô đặc chủng hay cầm gậy đứng trên yên xe phân luồng điều khiển giao thông hệt như diễn viên xiếc cũng là điều rất bình thường. Bởi đã đứng ở trong Đội hình Tuần tra dẫn đoàn, họ đều là những CBCS kiệt xuất. 

Xen lẫn trong cuộc nói chuyện giữa tôi và Đại úy Nguyễn Đăng Tiến là những CBCS đang tất bật để chuẩn bị cho cuộc dẫn đoàn mới. Đại úy Nguyễn Đăng Tiến cùng các CBCS Đội Cảnh sát Giao thông Tuần Tra dẫn đoàn đã tạo nên một “gia đình nhỏ” - ở đó được gắn kết bởi sự đoàn kết, trách nhiệm, tập hợp những con người đầy quyết tâm, đảm bảo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao với yêu cầu cao nhất.