Nhảy dù - vượt qua nỗi sợ của chính mình

ANTĐ - Nhảy dù là một trong ba bộ môn được đào tạo bởi CLB Hàng không phía Bắc, trực thuộc Quân chủng Phòng Quân-Không quân. Ra đời từ ngày 6-4-2004 nhưng đến năm 2006, CLB mới chính thức tuyển sinh dân sự với mục đích giáo dục quốc phòng, giúp thanh niên tiếp xúc với môi trường quân đội đồng thời tạo một sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích môn thể thao mạo hiểm này. 

Học viên CLB chuẩn bị tiếp đất

“Dù là phương tiện… an toàn”

Đó là khái niệm mở đầu bài học lý thuyết dành cho người nhảy dù, cũng chính là khẳng định của các HLV khi nói về sự đảm bảo an toàn cho học viên trên bầu trời. Hầu hết mọi người đều nhận thấy nhảy dù là một môn thể thao mạo hiểm, nhưng ít người biết rằng, để được tung mình vào không trung, thưởng thức giây phút tự do giữa bầu trời, các học viên của CLB Hàng không phía Bắc đều đã trải qua quá trình học tập, kiểm tra kỹ lưỡng về sức khỏe cũng như kỹ thuật.

Quá trình này được thực hiện nghiêm ngặt kể từ khi học viên đăng ký tham gia CLB cho đến khi kết thúc bài nhảy và được cấp chứng chỉ. Cụ thể, sau khi sơ tuyển hồ sơ, các thí sinh sẽ được khám sức khỏe toàn diện để chọn ra những người thực sự khỏe mạnh, có đủ điều kiện tham gia CLB; Tiếp đó, học viên sẽ được được đào tạo trong một khóa học 15 buổi về lý thuyết khí tượng, động lực học, các yếu tố đảm bảo an toàn, tính năng từng loại dù cũng như thực hành kỹ thuật nhảy dù và nhiều kỹ năng xử lý tình huống khác trước khi được nhảy thực sự. Không những vậy, “trước khi lên máy bay, học viên vẫn phải hoàn thành bài kiểm tra mặt đất, cũng như được kiểm tra sức khỏe trên sân bay bởi các bác sĩ chuyên ngành Hàng không” – Anh Nguyễn Ngọc Tân (HLV Phó của lớp nhảy dù) cho biết. Trường hợp không hoàn thành tốt bài kiểm tra hay khi đo huyết áp không ổn định, học viên đành phải ngậm ngùi ở lại chờ lần sau.

Những giây phút thần tiên

Nhắc đến nhảy dù, những người từng “rơi tự do” đều không khỏi tự hào và phấn khích với những cảm xúc đặc biệt mà chỉ trên trời mới thấy được. Anh Lê Hồng Quang - một thành viên kỳ cựu của CLB cũng không phải là ngoại lệ. Đã nhảy dù đến lần thứ 32, không còn lạ lẫm gì với chiếc dù, nhưng mỗi khi nhớ lại 5 giây rơi tự do trước khi bật dù, anh vẫn như đang đắm chìm trong khoảnh khắc tuyệt vời ấy: “Dưới mặt đất ta chẳng kịp làm gì với 5 giây ngắn ngủi, nhưng khi ở trên trời cao, thời gian dường như đứng lại, trong 5 giây, tôi có thể làm được nhiều việc: nhảy ra khỏi máy bay, nhìn xuống địa hình phía dưới, cảm nhận từng hành động ở tay, chân mình một cách chậm rãi, rồi lại ngẩng lên nhìn máy bay và đồng đội phía trên mình…”. Và anh gọi đó là “cảm giác trong cổ tích”… Tuy nhiên, ngoài giây phút bồng bềnh thần tiên ấy, tâm lý lo sợ cũng vẫn đồng hành cùng anh trong mỗi chuyến nhảy dù. Có lẽ đây cũng chính là một điểm hấp dẫn với những người ưa thích mạo hiểm, luôn muốn thử thách mình vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.

Ngoài đem lại cảm xúc mãnh liệt cho người nhảy, những chuyến nhảy dù còn đem đến sự hào hứng cho cả người đứng ngắm dưới mặt đất. “Cảm giác khao khát, mong ước được lơ lửng trên bầu trời như người đang nhảy dù kia” là động lực thôi thúc để Nguyễn Hoàng Hiệp (SN 1992) cũng như không ít bạn trẻ khác đến đăng ký tham gia CLB. Cũng từ khi đi cổ vũ bạn bè nhảy dù, chị Nguyễn Thị Trâm (34 tuổi - nhân viên Công ty Bảo hiểm ACE Life) mới quyết tâm “vượt qua khó khăn về tuổi tác, thể chất, giới tính” để được “thử” trò chơi mạo hiểm này.

Được nhiều hơn một cuộc chơi

Trong một chuyến bay, các thành viên sẽ lần lượt thực hiện nhảy dù, mỗi người cách nhau 3 giây theo hướng dẫn của HLV. Chỉ cần một người thực hiện không đúng sẽ làm cho 2 dù có thể va nhau, hoặc khiến người nhảy sau ra khỏi vùng tiếp đất an toàn. Vì vậy, tất cả thành viên đều phải chấp hành tuyệt đối hiệu lệnh của HLV mới có thể đảm bảo an toàn cho mình cùng bạn bè, ý thức kỷ luật và tinh thần đồng đội từ đó cũng được nâng cao.

Bên cạnh đó, học nhảy dù còn rèn luyện được sự quyết đoán cũng như trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân. Tuy đã được đào tạo bài bản, học tất cả các kỹ năng cần thiết cho việc nhảy dù hay được đảm bảo an toàn thế nào, nhảy dù vẫn là một môn thể thao mạo hiểm, từng thành viên phải thực hiện một mình trên độ cao từ 500-1.000m so với mặt đất. Do đó, khi đã lên máy bay chuẩn bị nhảy thì mỗi người phải tự trang bị tư tưởng, tôi rèn ý chí  và đưa ra quyết định của riêng mình để vượt qua thử thách, thể hiện bản lĩnh cá nhân.

Với tính chất mạo hiểm nhưng lại được đảm bảo an toàn, cùng với nhiều lợi ích khi tham gia học tại CLB Hàng không phía Bắc, bộ môn nhảy dù đang dần trở nên quen thuộc với giới trẻ Thủ đô và được nhiều người quan tâm, thử sức.