Nhập khẩu chất cấm thì phải giám sát khâu sử dụng

ANTD.VN - Tại cuộc họp về an toàn thực phẩm (ATTP) sáng 10-2 với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong lĩnh vực đảm bảo ATTP năm nay, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan trực thuộc ngành nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố. 

Nếu phát hiện trường hợp làm chưa hết trách nhiệm, Bộ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, không để tình trạng “đề cao xử lý trách nhiệm người đứng đầu nhưng không xử lý ai”.

Không kiểm soát được nguồn cung kháng sinh

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad - Bộ NN&PTNT) thông tin, trong năm 2016, kết quả giám sát diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT thực hiện cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm salbutamol chiếm 0,44% tổng số mẫu đã lấy. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2016, kết quả kiểm tra không phát hiện mẫu thịt nào nhiễm salbutamol. 

Thông tin thêm về việc này, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT thông tin, từ tháng 9 đến tháng 12-2016, tất cả các phòng xét nghiệm trên cả nước không phát hiện mẫu thịt nào có chất cấm vàng ô và salbutamol. Song, trong quá trình thanh tra, cơ quan chức năng lại phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng hóa chất khác trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. 

Mặc dù tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có xu hướng giảm và thậm chí một số chất đã tạm thời được kiểm soát nhưng tình trạng sử dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản lại diễn biến hết sức phức tạp. Tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép lên tới 3,68%.

Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, có tình trạng này là do nguồn cung kháng sinh cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện không kiểm soát  được. Các nhà máy được nhập về sử dụng không đúng mục đích, bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi…. 

Kết quả kiểm tra tại 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lớn (chiếm 70% lượng kháng sinh được nhập) cho thấy, trung bình có 16%-22% số lượng nguyên liệu kháng sinh được các công ty nhập khẩu bán sai đối tượng, sử dụng sai mục đích. 

Kiểm soát chặt rau quả từ Trung Quốc

Liên quan đến công tác kiểm soát rau quả nhập khẩu, trong năm 2016, cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT đã phát hiện 3/67 mẫu rau củ có hàm lượng Aflatoxin (độc tố vi nấm, tác nhân gây ung thư) vượt mức cho phép. Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần siết chặt rau củ nhập ngoại, đặc biệt là rau quả từ Trung Quốc. “Cơ quan chức năng tại Lâm Đồng kiểm tra các mẫu rau, củ có nguồn gốc từ Trung Quốc phát hiện cà rốt có tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm vượt ngưỡng. Khi sản phẩm đã vào nội địa thì việc kiểm soát rất khó khăn nên phải siết chặt từ cửa khẩu. Cần ứng dụng công nghệ trong kiểm tra mẫu cho kết quả nhanh, còn như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Phạm S bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho rằng, cần loại bỏ bớt các hoạt chất dùng trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hiện nay vì đến người trong ngành còn lúng túng do có quá nhiều. Về tình trạng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Công bày tỏ, cơ quan nào cho phép nhập khẩu phải quản lý, hậu kiểm khâu sử dụng, nếu không làm quản lý được thì phải chịu trách nhiệm. “Không thể để tình trạng bộ này cho nhập rồi bộ khác quản lý sử dụng. Như vậy, quản lý Nhà nước không mang lại hiệu quả và khi phát hiện sai phạm thì thường đã gây ra hậu quả rồi”, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho hay.

Ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội lo ngại, với tình trạng kháng sinh cũng như hóa chất còn được sử dụng trong sản xuất, chế biến nông sản hiện nay thì vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm còn  khó khăn.