Nhân viên ngân hàng lái ô tô 'tông' xe máy Công an phải đối diện hình phạt nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ nhân viên ngân hàng lái ô tô tông xe máy của công an, kéo lê hơn 2km đang gây xôn xao dư luận, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, người thực hiện hành vi có thể vừa bị phạt tiền, bị xử lý hình sự mà còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại...

Mới đây, Công an huyện Củ Chi, TP.HCM đã tạm giữ hình sự đối tượng Đinh Đình Dương (23 tuổi, ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) – nhân viên ngân hàng để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản. Đây là người đã lái xe ô tô tông, kéo lê xe máy của Công an xã An Phú (huyện Củ Chi) nhiều km trên Tỉnh lộ 15.

Rạng sáng 11/12, Dương điều khiển xe ô tô lưu thông trên Tỉnh lộ 15 hướng về xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi). Đến đoạn qua địa bàn xã An Phú, khi bị lực lượng công an xã phát tín hiệu yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, Dương giảm tốc độ nhưng không hợp tác.

Sau đó, đối tượng đã điều khiển phương tiện đâm vào xe máy của chiến sỹ công an cuốn xe vào gầm rồi kéo lê trên đường tháo chạy. Do xe ô tô chạy với tốc độ cao nên chiếc xe máy bị cuốn theo gần 2km đã hư hỏng nặng.

Khi bị tạm giữ, tại cơ quan điều tra, Dương khai nhận đi 'nhậu' về say nên đã lấy xe của người thân trong gia đình để sử dụng. Theo thông tin ban đầu, thời điểm xảy ra tai nạn xe ô tô được gắn biển số giả và người điều khiển xe chưa có bằng lái xe ô tô. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Chiếc xe ô tô gây tai nạn
Chiếc xe ô tô gây tai nạn

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là một trong những hành vi bị cấm. Theo quy định hiện hành, thanh niên này có thể bị phạt tiền tới 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng…

Trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP với “lỗi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”. Theo đó, mức phạt đối với lái xe ôtô là 4-6 triệu đồng; chủ xe ôtô là cá nhân thì bị phạt 4-6 triệu đồng, nếu là tổ chức thì bị phạt 8-12 triệu đồng.

Nếu cá nhân điều khiển ô tô khi chưa có Giấy phép lái xe thì theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Thanh Hà, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân này còn có thể bị xử lý hình sự về Tội chống người thi hành công vụ. Điều 330 BLHS 2015 quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; 2 lần trở lên…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Còn về hành vi huỷ hoại tài sản, theo Điều 178 BLHS 2015, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2- dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự thì người gây tai nạn còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự theo quy định tại điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 – Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.