Nhân rộng những mô hình hay để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi

ANTD.VN - Tại hội nghị trực tuyến (sáng 30-11) do Bộ Công an tổ chức về tổng kết, sơ kết một số chuyên đề trọng tâm trong công tác Quản lý hành chính về TTXH, Đại tá Nguyễn Văn Viện – Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã trình bày tham luận 2 vấn đề: Công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở theo chức năng của lực lượng CS QLHC về TTXH; và công tác quản lý ANTT đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn TP. Hà Nội.

Áp lực lớn đối với địa bàn Thủ đô

Đại tá Nguyễn Văn Viện nêu rõ, từ khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng với diện tích và địa giới hành chính, và từ ngày 1-1-2007, Luật Cư trú có hiệu lực với các điều kiện thuận lợi cho công dân đăng ký hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo ra áp lực lớn đối với Thủ đô Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó Giám đốc CATP Hà Nội

Cùng với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khác, kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn Thủ đô phát triển mạnh do một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên không có công ăn việc làm ổn định, tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, lô đề, nghiện ma túy... nên phải đi “vay nóng” để trả nợ với lãi suất cao nhưng không có khả năng chi trả.

Bên cạnh đó, một số ít người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không có tài sản thế chấp, không tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng nên phải đi vay tiền để trang trải cuộc sống... Lợi dụng điều này, các đối tượng đã hình thành các ổ, nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, hoạt động công khai hoặc núp dưới các hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính, xây dựng các “sân sau” thành lập các công ty để hoạt động kinh doanh tài chính, kinh doanh vật liệu xây dựng...

Lực lượng Công an Thủ đô thường xuyên tiếp xúc, nắm tình hình ANTT từ người dân

Đối tượng cầm đầu thường không trực tiếp đứng tên, mà đứng sau chỉ đạo nhằm trốn tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Chúng thường sử dụng các đối tượng có tiền án, tiền sự, để thực hiện các hành vi: siết nợ, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... khi con nợ không trả nợ.

Cùng với việc phát triển của xã hội, hoạt động của các đối tượng tội phạm ngày một diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số đối tượng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động.

Đối tượng quản lý, giáo dục ở địa bàn cơ sở thì đa dạng, phức tạp với đủ thành phần của xã hội. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa lực lượng Công an cơ sở với các cơ quan, lực lượng khác còn nhiều bất cập; một số cơ quan quản lý nhà nước né tránh, cho rằng việc quản lý, giáo dục đối tượng là trách nhiệm của gia đình và cơ quan Công an. Hệ thống các quy định làm căn cứ để quản lý, giáo dục đối tượng còn thiếu, tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, nhiều quy định còn chồng chéo, trùng dẫm, quy định chưa cụ thể rõ ràng, chưa thật phù hợp với thực tiễn.

Những yếu tố trên đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác Công an nói chung; công tác quản lý đối tượng và quản lý ANTT đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nói riêng.

Phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý đối tượng

Trước thực trạng trên, CATP Hà Nội đã chủ động tham mưu, chỉ đạo triển khai các đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở; quản lý ANTT đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn Thủ đô.

Cụ thể, CATP đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia phối, kết hợp với lực lượng Công an trong công tác quản lý đối tượng tù tha, tù đặc xá, quản lý người nghiện ma túy và các loại đối tượng khác theo quy định. Giúp đỡ, giới thiệu việc làm cho đối tượng, giúp họ thoát khỏi tâm lý tự ti, mặc cảm, tích cực trong các hoạt động cộng đồng.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phòng chống tội phạm, quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở.

Tổ chức nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, cách làm hiệu quả, như: tổ an ninh nhân dân tự quản, dòng họ tự quản, các câu lạc bộ phòng, chống ma túy; mô hình tăng cường cảm hóa giáo dục người chấp hành xong án phạt tù; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng...

CATP cũng đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, Công an các quận, huyện, thị xã tiến hành thu thập các thông tin, tài liệu có liên quan làm cơ sở cho công tác quản lý, phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát phát hiện đối tượng nơi khác đến tạm trú; đối tượng bỏ nhà đi nơi khác để hoạt động. Trên cơ sở rà soát, bổ sung hồ sơ quản lý nghiệp vụ; trao đổi thông tin hai chiều để phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ đối tượng.

Từ thực tiễn tình hình, những biện pháp triển khai và kết quả đạt được, Phó Giám đốc – Đại tá Nguyễn Văn Viện chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý.

Thứ nhất, lực lượng Công an phải phát huy được vai trò nòng cốt thực hiện và làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia phối, kết hợp với lực lượng Công an trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, phân công rõ nhiệm vụ trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng; chủ động làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác nắm tình hình, công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu từ đó rà soát, lên danh sách đối tượng quản lý.

100% cơ sở kinh doanh cầm đồ trên địa bàn TP. Hà Nội đều được lập hồ sơ quản lý

Thứ ba, phải thường xuyên tổ chức phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị nghiệp vụ trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng nhằm kịp thời nắm thông tin về di biến động, các mối quan hệ cần chú ý, biểu hiện hoạt động của từng đối tượng cụ thể.

Thứ tư, phải chủ động nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện phần mềm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác tích lũy dữ liệu thông tin về đối tượng. Chú trọng công tác xây dựng lực lượng, tổ chức tập huấn để bảo đảm đủ biên chế, đủ khả năng quản lý tốt địa bàn, quản lý đối tượng.

100%  cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ được lập hồ sơ quản lý

Theo Đại tá Nguyễn Văn Viện, thời gian qua, CATP Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản để chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Cùng với đó, CATP chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ; các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lợi dụng hoạt động này để người dân biết chủ động phòng ngừa.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, lực lượng CS QLHC về TTXH thường xuyên làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách không để sót, lọt các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính hiện có trên địa bàn với đầy đủ thông tin về con người, cơ sở; xác định rõ trách nhiệm quản lý về ANTT đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện.

Thiết lập hồ sơ đối với 100% các cơ sở; giám sát, quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; đồng thời xác định các cơ sở nghi vấn về hình sự để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hữu hiệu.

Đại tá Nguyễn Văn Viện nêu một trong những bài học kinh nghiệm là vận dụng, kết hợp nhiều biện pháp, lực lượng từ hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường đến lực lượng quản lý hành chính nhằm siết chặt, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nói chung và các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nói riêng.

Trước thực trạng hoạt động của loại hình kinh doanh cầm đồ, CATP đề nghị Bộ Công an tham mưu với Chính phủ đưa các loại hình kinh doanh dịch vụ tài chính vào nhóm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT theo Nghị định số 96 của Chính phủ. Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể và có chính sách thuận lợi, giảm thiểu các thủ tục hành chính để người dân có điều kiện, cơ hội tiếp xúc với những dòng vốn từ ngân hàng, công ty tài chính với lãi suất hợp lý, hạn chế tình trạng vay nặng lãi tại các cơ sở cầm đồ.