Nhấn nút like, share có trách nhiệm trong thế giới ảo

ANTD.VN - Thông tin phải - trái, trắng - đen, tối - xấu, tiêu cực - tích cực, văn minh - bệnh hoạn: Đó là những gì đang từng giờ từng phút xuất hiện trên mạng xã hội Facebook.  

Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh một thanh niên ở Đồng Nai có hành động giết hại dã man một chú chó được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ.

Và cách đây chưa lâu, câu chuyện xảy ra vào giờ tan tầm trên một tuyến đường ở Hà Nội, khi một chiếc xe bán tải do lùi thiếu quan sát đã chạm vào đầu một chiếc ô tô ở phía sau, hai người điều khiển chiếc xe nhanh chóng giải quyết sự việc đáng tiếc bằng một cái bắt tay, một bên cầu thị xin lỗi, bên còn lại chấp nhận bỏ qua một cách rất văn minh.

Những con người, những câu chuyện với những hành vi và cách ứng xử hoàn toàn khác nhau. Phải - trái, trắng - đen, tối - xấu, tiêu cực - tích cực, văn minh - bệnh hoạn: đó là những thông tin đang diễn ra từng giờ từng phút trên mạng xã hội Facebook.  

Nhấn nút like, share có trách nhiệm trong thế giới ảo ảnh 1Sau va chạm giao thông, hai người lái xe bắt tay và bỏ qua lỗi một cách rất văn minh được cộng đồng mạng chia sẻ mạnh

Cần tỏ thái độ trước những thông tin quái gở, bệnh hoạn

Thủ tục đăng ký một tài khoản để truy cập Facebook rất đơn giản, chỉ cần khai đã đủ 13 tuổi và điền đủ một số thông tin cá nhân (không cần biết thật giả thế nào), thế là mặc nhiên truy cập, thoải mái đăng tải và xem thông tin xuyên biên giới. Chỉ khi bị ai đó nghi ngờ về tính xác thực trong những thông tin cá nhân trên (ví dụ chưa đủ 13 tuổi, tên dùng trên Facebook không phải tên thật…) và gửi tin nhắn báo cáo lại việc này với Ban quản trị Facebook thì việc xác minh tài khoản mới được thực hiện. 

Tương tự như vậy, các thông tin được đăng tải trên Facebook cũng không hề có sự kiểm soát trước và vì thế mà mạnh ai nấy đăng, thích gì phát ngôn đấy. Và, bởi vậy mà dẫn đến việc người dùng mạng xã hội bị “ngộ độc” thông tin là chuyện xảy ra hàng ngày. Trở lại câu chuyện ở trên, đoạn clip ghi lại hành động giết hại dã man một chú chó được một nam thanh niên tự quay và đưa lên mạng xã hội đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, cộng đồng mạng phẫn nộ. Sau vài giờ đồng hồ thì xóa nhưng hậu quả để lại của đoạn clip quái gở thật khó lường. 

Cần nói thêm là gần đây, Facebook thực hiện chế độ phát video tự động, tức là chỉ cần vô tình “lướt” qua đoạn video kinh khủng này, thì kể cả không “click” chuột vào nút “play”, người dùng ít nhiều vẫn phải xem một cách bị động. Điều đáng lo ngại ở chỗ, có không ít hình ảnh, đoạn video có tính chất rùng rợn, bệnh hoạn như thế ngày ngày vẫn được đăng tải ngập tràn mạng xã hội, thậm chí, cả xác người chết cũng được đưa lên khiến nhiều người không khỏi rùng mình ám ảnh.

Không biết có bao nhiêu người xem phải những đoạn clip kiểu này, trong số đó phần đông là giới trẻ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, dễ lệch lạc về tư tưởng đạo đức. Trong khi sách “cấm”, phim “đen” chỉ có thể tiêu thụ lén lút, bất chấp việc vi phạm pháp luật để kiếm lời thì trên mạng xã hội, những thông tin và hình ảnh không “sạch sẽ” lại nhan nhản một cách công khai. 

Chung quy cũng bởi Facebook là mạng xã hội toàn cầu, lượng người sử dụng càng tăng thì việc kiểm soát càng trở nên khó khăn. Chuyện kiểm duyệt từng thông tin, hình ảnh hay clip trước khi đăng tải là điều khó khả thi, chưa kể bất đồng về mặt ngôn ngữ. Vì vậy mà chỉ khi những gì đã đăng tải bị “report” (báo cáo) là sai phạm, phản cảm hoặc có vấn đề thì đội ngũ quản trị mạng xã hội này mới xem xét việc để lại hay gỡ xuống. Mà thời gian để xem xét ít nhất trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tức là đủ để gây “ngộ độc” số lượng lớn người sử dụng Facebook. 

Nhấn nút like, share có trách nhiệm trong thế giới ảo ảnh 2Hành vi đáng lên án: Một thanh niên ở Đồng Nai tự quay clip sát hại dã man một chú chó

Cần hoan nghênh và cổ vũ những hành động đẹp

Bên cạnh nhưng thông tin độc hại đúng nghĩa thì người ta vẫn thấy ở trong thế giới ảo những nghĩa cử và câu chuyện rất đáng xem, đáng đọc, đáng để nhấn nút “like” (thích) và “share” (chia sẻ). Câu chuyện về cái bắt tay giữa hai người lái xe là một ví dụ điển hình. Câu chuyện được kể lại như sau, vào giờ tan tầm trên một tuyến đường ở Hà Nội, khi một chiếc xe bán tải do lùi thiếu quan sát nên đã chạm vào đầu một chiếc ô tô ở phía sau.

Trái với phỏng đoán của nhiều người về một vụ cãi cọ, thậm chí là ẩu đả kịch liệt, người điều khiển hai chiếc xe sau đó đã nhanh chóng giải quyết sự việc đáng tiếc này bằng một cái bắt tay trên tinh thần một bên cầu thị xin lỗi, bên còn lại chấp nhận bỏ qua lỗi một cách rất văn minh trong sự ngạc nhiên và thán phục của nhiều người xung quanh. Đoạn clip ghi lại cách ứng xử văn minh của hai người lái xe khiến cư dân mạng hồ hởi “like” và xứng đáng “share”.

Có rất nhiều hành động đẹp, câu chuyện ý nghĩa như thế hàng ngày vẫn đang diễn ra trong đời thực và được nhiều người biết đến hơn khi lan truyền trên mạng xã hội. Có dạo, Facebook mở thêm nút “biết ơn” với biểu tượng hình bông hoa màu tím ngoài các nút: thích, yêu thích, vui vẻ, ngạc nhiên, buồn, tức giận… Nhưng chẳng hiểu sao được vài ngày thì nút này biến mất, có lẽ chỉ là một sự thử nghiệm. Dẫu vậy, nếu chính thức có nút “biết ơn” thì chắc hẳn, có rất nhiều thông tin đáng để người đọc biết ơn người đã chia sẻ chúng.

Ngược lại, trong khi mạng xã hội Facebook còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý và kiểm soát thông tin thì đã đến lúc cộng đồng cần phải chủ động tẩy chay những kẻ vì lý do nào đó (câu view hoặc bệnh hoạn) mà đăng tải những thông tin, hình ảnh, clip phản cảm và bạo lực.

Tẩy chay có thể bằng nhiều cách, ngoài việc “report” (báo cáo) với đội ngũ quản trị Facebook thì có thể hủy kết bạn và đặc biệt, không nhấp chuột để thể hiện cảm xúc, không bình luận hoặc chia sẻ những thông tin quái gở này. Và trên hết, người dùng mạng xã hội lúc nào cũng cần tỉnh táo, lọc thông tin để phân biệt thông tin có thiếu chính xác, đủ độ tin cậy hay đáng tin không, nếu có thì nên tiếp nhận ở mức độ nào.