Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2: Phía sau những mũi tiêm vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong suốt 14 năm công tác, Thiếu tá, bác sĩ Vũ Minh Hà - Phó Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội, đã tận tâm công hiến tâm sức vào việc tư vấn phối hợp thuốc điều trị cho bệnh nhân. Sự tâm huyết của chị đã được các đồng nghiệp và bệnh nhân đánh giá cao.

Những trăn trở nặng nề

Năm 2021 là năm đỉnh điểm của chiến dịch phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Kế hoạch tiêm vaccine bắt đầu được triển khai vào khoảng cuối tháng 3-2021. Bệnh viện CATP Hà Nội cũng là đơn vị được triển khai tiêm vaccine cho cán bộ, chiến sỹ công an của toàn thành phố cũng như các can phạm, phạm nhân tại các trại giam. Với vai trò phụ trách mảng dược tại bệnh viện, bên cạnh nhiệm vụ tham gia nhập vaccine, hướng dẫn bảo quản và cấp phát khi tiêm, thì Thiếu tá Vũ Minh Hà còn có nhiệm vụ tư vấn, chăm sóc bệnh nhân sau tiêm.

Có một sự thật mà đến bây giờ, khi đời sống xã hội đã trở lại bình thường chị mới thoải mái chia sẻ lại cảm xúc của mình trong khoảng thời gian ấy. “Lúc đầu, rất nhiều người sợ không dám tiêm vaccine Covid-19. Mặc dù đã được tập huấn rất nhiều, khi tiêm chúng tôi vẫn động viên người tiêm yên tâm, nhưng thực tế chính chúng tôi cũng rất… run. Dịch bệnh thì chưa có tiền lệ, vaccine lại quá mới, nếu không may xảy ra tình trạng sốc, nguy hiểm đến tính mạng người tiêm thì sao? Sự căng thẳng bao trùm lấy chúng tôi” - bác sĩ Vũ Minh Hà nhớ lại.

“Lúc đầu, rất nhiều người sợ không dám tiêm vaccine Covid-19. Mặc dù đã được tập huấn rất nhiều, khi tiêm chúng tôi vẫn động viên người tiêm yên tâm, nhưng thực tế chính chúng tôi cũng rất…run. Dịch bệnh thì chưa có tiền lệ, vaccine lại quá mới, nếu không may xảy ra tình trạng sốc, nguy hiểm đến tính mạng người tiêm thì sao? Sự căng thẳng bao trùm lấy chúng tôi”.

Thiếu tá, bác sĩ Vũ Minh Hà Phó Trưởng khoa Dược, Bệnh viện CATP Hà Nội

Cũng theo bác sĩ Vũ Minh Hà, ban đầu bệnh viện chỉ nhận tiêm cho 4 - 5 người/ngày để theo dõi tình hình. Mỗi bệnh nhân sau tiêm phải ngồi tại bệnh viện theo dõi tình trạng sức khỏe trong 30 phút. Chưa dừng lại ở đó, những ngày sau chị vẫn phải gọi điện cho từng người để hỏi thăm sức khỏe sau tiêm. “Do chưa có kinh nghiệm về tiêm vaccine Covid-19 nên nhiều hôm tôi lo lắng đến mất ngủ, lúc nào cũng thấp thỏm sợ người tiêm gặp phải vấn đề nguy hiểm về sau mà không được xử lý kịp thời” - bác sĩ Vũ Minh Hà cho hay.

Khi nỗi lo lắng tiêm vaccine qua đi, các y bác sĩ đã có kinh nghiệm hơn thì cũng là lúc Thiếu tá Vũ Minh Hà và các đồng nghiệp bắt đầu quá tải trong chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên toàn quốc. Ngoài tổ chức tiêm tại bệnh viện, họ phải triển khai tiêm cho can phạm, phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 và Trại tạm giam số 2. Lịch trình công việc dày đặc cộng với tâm lý lo bị lây nhiễm khiến bất cứ y bác sĩ nào cũng căng thẳng. Tuy nhiên, với trách nhiệm và sự quyết tâm không để dịch “tấn công” cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là các can phạm, phạm nhân tại các trại giam, chị cùng đồng đội lao vào “cuộc chiến” không biết mệt mỏi. Chị nhớ lại: “Đến bây giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh về những tử tù mà chúng tôi đã tiêm vaccine cho họ. Lúc đầu tôi cứ tự hỏi, liệu họ có hợp tác hay không? Nhưng sự thật lại trái ngược, họ thậm chí còn tỏ ra rất vui mừng và hỏi thăm, động viên chúng tôi trong lúc ngồi chờ đến lượt. Có lẽ vừa là do khao khát sống trỗi dậy, vừa là lâu lắm rồi họ không được tiếp xúc với người ngoài nên rất háo hức khi được gặp chúng tôi”.

Thiếu tá, bác sĩ Vũ Minh Hà - Phó Trưởng khoa Dược, Bệnh viện CATP Hà Nội tư vấn thuốc cho bệnh nhân

Thiếu tá, bác sĩ Vũ Minh Hà - Phó Trưởng khoa Dược, Bệnh viện CATP Hà Nội tư vấn thuốc cho bệnh nhân

Thời điểm đó, trung bình mỗi ngày bác sĩ Vũ Minh Hà và các đồng nghiệp tổ chức tiêm cho hàng nghìn can phạm, phạm nhân. Những phạm nhân có bệnh lý, bệnh nền cũng rất hoang mang, lo lắng nên công tác động viên các đối tượng này mất khá nhiều thời gian hơn. Việc tiêm cho can phạm, phạm nhân khó hơn rất nhiều so với tiêm cho người dân hay cán bộ, chiến sĩ, bởi nếu không may xảy ra vấn đề về sức khỏe, tính mạng thì mọi chuyện sẽ… vô cùng phức tạp.

Truyền thống bồi đắp nên sự tâm huyết

Thiếu tá, bác sĩ Vũ Minh Hà từng là học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích cấp quốc gia và được tuyển thẳng vào đại học. Vì truyền thống gia đình, chị lựa chọn Đại học Dược Hà Nội. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, chị về công tác tại Khoa Dược, Bệnh viện CATP Hà Nội từ đó đến nay. Trung tá, TS.BS Đoàn Thúy Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội khẳng định: “Bác sĩ Vũ Minh Hà là người có chuyên môn tốt về dược lâm sàng, tận tâm với công việc. Trong thời gian công tác tại bệnh viện, bác sĩ Hà đã phối hợp rất hiệu quả với các bác sĩ điều trị trong việc “tham mưu” điều chỉnh đơn thuốc phối hợp cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bác sĩ Hà cũng làm tốt công tác quản lý, ham học hỏi, tích cực tham gia phối hợp xây dựng các quy trình khám chữa bệnh cùng đội ngũ bác sĩ điều trị tại bệnh viện”.

Hiện nay, dược lâm sàng là lĩnh vực bắt buộc tại những bệnh viện lớn. Bởi thực tế, các bác sĩ điều trị không phải là người nghiên cứu quá sâu về dược lý, đặc biệt là khi phối hợp thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tĩnh. Do vậy, bác sĩ dược lâm sàng sẽ là người đồng hành, hỗ trợ, giúp cho bác sĩ điều trị đưa ra quyết định tốt nhất trong phối hợp thuốc cho bệnh nhân sao cho an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh công tác chuyên môn tại đơn vị, Thiếu tá, bác sĩ Vũ Minh Hà còn rất tích cực tham gia các hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện cho những hoàn cảnh khó khăn. Chị còn sử dụng mạng xã hội xây dựng riêng một kênh để tư vấn sức khỏe, tư vấn cách sử dụng thuốc, phối hợp thuốc… miễn phí cho người dân. Trước sự tư vấn nhiệt tình của bác sĩ, rất nhiều người đã theo dõi kênh để đón xem những thông tin mới về thuốc được chia sẻ.