Nhân lực bất động sản: Làm sao để chuyên nghiệp?

(ANTĐ) - Nghị định 153/2007/NĐ - CP của Chính phủ ghi rõ, từ ngày 1-1-2009, tất cả các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) phải có đủ số người có chứng chỉ môi giới bất động sản (BĐS), định giá và quản lý sàn  giao dịch BĐS.

Nhân lực bất động sản: Làm sao để chuyên nghiệp?

(ANTĐ) - Nghị định 153/2007/NĐ - CP của Chính phủ ghi rõ, từ ngày 1-1-2009, tất cả các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) phải có đủ số người có chứng chỉ môi giới bất động sản (BĐS), định giá và quản lý sàn  giao dịch BĐS.

Nhu cầu lớn

Nắm bắt được nhu cầu nguồn nhân lực khổng lồ ngành BĐS, ngay sau khi Bộ Xây dựng ban hành Khung chương trình đào tạo theo Nghị định 153 của chính phủ, nhiều cơ sở đã đăng thông báo chiêu sinh và thu hút hàng nghìn học viên tham gia.

Học viện Tài chính và Đại học Kinh tế Quốc dân là hai cơ sở có số học viên tham gia đông nhất. Chỉ riêng hai kh đầu, con số học viên đăng ký tại Đại học Kinh tế quốc dân lên đến trên 500 người, các khóa tiếp theo duy trì con số trên 100 người.

Học viện Tài chính hiện cũng đang chiêu sinh khóa học thứ 18. Thông tin từ Bộ Xây dựng, đến thời điểm này đã có trên 50 cơ sở được phép đào tạo lĩnh vực BĐS.

Anh Lê Anh Minh, một học viên tham gia khóa đào tạo tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Mặc dù thời điểm này, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính chung, thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng, song vẫn là một lĩnh vực đầu tư hấp dẫn và có triển vọng lâu dài.

Hệ thống các công ty, văn phòng và trung tâm kinh doanh BĐS mọc lên rất nhiều nhưng đa số người tham gia chưa hề có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về chuyên môn, luật pháp một cách hệ thống. Ngoại trừ một số ít người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, một số ít khác được “kèm nghề” tại các doanh nghiệp nước ngoài, còn lại, đa số không được đào tạo gì.

“Dù đã hoạt động trong lĩnh vực BĐS hàng chục năm, nhưng tôi chưa từng qua một khóa đào tạo chính thức nào về BĐS, chủ yếu là “va đâu biết đó”, đem kinh nghiệm từ các lĩnh vực kinh doanh khác áp dụng vào” - anh Minh nói.

Hiện mới có khoa BĐS & Quản lý địa chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đơn vị đầu tiên và duy nhất đào tạo cử nhân ngành BĐS. Theo đánh giá của khoa, tình hình cử nhân BĐS sau khi ra trường rất khả quan do hầu hết các đơn vị kinh doanh BĐS đều đang thiếu nhân lực trầm trọng.

Nhiều đơn vị, thậm chí còn thông tin về khoa này để “xin” sinh viên thực tập và hầu hết các sinh viên được ký hợp đồng ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí cả khi chưa tốt nghiệp.

Nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo BĐS tại trường KTQD
Nhận giấy chứng nhận hoàn thành
khóa đào tạo BĐS tại trường KTQD

Cần có tính chuyên nghiệp

Với Nghị định 153 của Chính phủ, chúng ta đang đặt một mục tiêu rất nhanh: Trong năm 2007 và hết năm 2008 phải hoàn thành chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề.

Một thời gian ngắn như vậy, khó có thể cung cấp cho người học một hệ thống kiến thức bài bản trong bối cảnh số lượng người kinh doanh quá lớn.

Chương trình đào tạo trước mắt có thể tạm coi là chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu cấp bách, giải quyết nhu cầu trước mắt là đến năm 2009, tất cả những người kinh doanh BĐS được cập nhật, được thông tin và được tiếp nhận hệ thống kiến thức chuyên ngành.

Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Chủ nhiệm khoa BĐS & Quản lý địa chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Chúng ta không hy vọng sau khi học xong những khóa đào tạo này, người kinh doanh sẽ trở thành chuyên nghiệp ngay, nhưng ít nhất chúng ta sẽ có được những tiền đề, định hướng cho họ. Trong quá trình kinh doanh, nếu người kinh doanh muốn gắn bó lâu dài thì họ buộc phải học nâng cao”.

Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực cao cấp trước mắt vẫn còn quá nhiều khó khăn. Đội ngũ giảng viên, hệ thống đào tạo uy tín còn thiếu, giáo trình còn phụ thuộc nước ngoài và phải rất khó khăn mới phù hợp với thị trường BĐS Việt Nam.

Đào tạo nhân lực BĐS vẫn rơi vào tình trạng chung của ngành giáo dục, không đón đầu được xu hướng. Vì vậy, cùng với việc lành mạnh hóa, tiến đến chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực BĐS, chúng ta cần nhanh chóng đầu tư cho chương trình đào tạo, mở ra các cơ sở đào tạo uy tín.

Thêm vào đó, theo Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, việc ra đời và tăng cường vai trò các tổ chức nghề nghiệp trong công tác đào tạo nhằm đa dạng hóa chương trình đào tạo cũng là một giải pháp lâu dài.                         

Hà Loan