- Nhận diện và lật mặt thật những tiếng kêu lạc lõng, sai trái đội lốt bảo vệ quyền con người ở Việt Nam (3): Những luận điệu xuyên tạc về chính sách với đồng bào các dân tộc thiểu số
- Nhận diện và lật mặt thật những tiếng kêu lạc lõng, sai trái đội lốt bảo vệ quyền con người ở Việt Nam (2): Những cáo buộc phi lý về hợp tác xuất khẩu lao động
- Nhận diện và lật mặt thật những tiếng kêu lạc lõng, sai trái đội lốt bảo vệ quyền con người ở Việt Nam (1): Mặt thật của cái gọi là “tù nhân lương tâm”
Thành tựu nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người. Ảnh: LAM THANH |
Sự phát triển mang tính nhân bản
Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Điểm đáng chú ý, Đảng và Nhà nước xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, bảo đảm quyền con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm; mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều hướng đến mục tiêu cao nhất vì con người, cho con người. Đi vào triển khai, chủ trương xuyên suốt này trước hết được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, đặc biệt là trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội công bằng, hướng tới mọi đối tượng. Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hồi tháng 10-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất”.
Mục tiêu “vì dân” đã đưa đến những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống của người dân, sự công bằng, an toàn và an sinh xã hội. Sau hơn 36 năm Đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với GDP chỉ 14 tỷ USD (năm 1985), Việt Nam đã đưa tổng GDP vượt lên mức 406,45 tỷ USD vào năm 2022, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Nếu thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu Đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2022 con số đó đã lên tới hơn 4.100 USD. Ông Jean-Pierre Archambault, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt nhận xét: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.
Đặc biệt, Việt Nam được coi là mô hình thành công của thế giới trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, công bằng và tiến bộ xã hội. Trong giai đoạn 2016-2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Việt Nam đã giảm từ 9,9% xuống còn 4,4%. Theo bà Caitlin Wiesen, nguyên Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, việc giảm tình trạng nghèo cùng cực từ khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020 là sự thay đổi phi thường. Còn báo chí thế giới thì ca ngợi: “Sự phát triển của Việt Nam mang tính “nhân bản” bởi số người thoát khỏi đói nghèo cao gấp đôi mức trung bình trong khu vực”. Việt Nam còn gây ấn tượng khi đạt tốc độ tăng trưởng trung bình của Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 1,36% trong gần 30 năm qua, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng HDI cao nhất trên thế giới. Nếu biết rằng các tiêu chí quan trọng để xác định chỉ số HDI là tuổi thọ trung bình, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng, tỷ lệ biết chữ…, thì có thể thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam đã được chuyển hóa vào chất lượng sống của đa số người dân Việt Nam.
Ngay cả trong giai đoạn đầy thử thách khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nỗ lực bảo vệ người dân của Việt Nam cũng khiến thế giới phải ngạc nhiên và đánh giá cao. Không phải là nước giàu có, điều kiện y tế còn nhiều thiếu thốn nhưng trong thử thách khắc nghiệt này, Việt Nam lại nổi lên như một hình mẫu mà thế giới nhắc tới với những chủ trương đầy tính nhân văn “sức khỏe, tính mạng con người là trên hết”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “song hành với tiến trình hồi phục, phát triển kinh tế phải là công bằng xã hội”.
Đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc |
Đối tác tin cậy, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Không chỉ quan tâm chăm lo, bảo đảm quyền con người ở trong nước, Việt Nam còn chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố: “Là một thành viên tích cực của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế, Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, và luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển quyền con người cả ở trong nước cũng như trên thế giới”.
Là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã khởi xướng hoặc đồng bảo trợ nhiều sáng kiến mang bản sắc riêng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hoá; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử; xoá bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người…Nhìn nhận về những đóng góp của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, ông Jean-Pierre Archambault, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt nêu rõ: “Việt Nam đã thực hiện tốt việc bảo đảm quyền hòa bình, độc lập dân tộc và quyền sống của con người. Trải qua những giai đoạn chiến tranh, gian khổ trong thế kỷ trước mới giành được những chiến thắng lịch sử nên Việt Nam hiểu rõ giá trị của các quyền nói trên”.
Chính nhờ uy tín và nỗ lực, năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới. Tháng 10-2022, Việt Nam lại được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Trong vai trò thành viên, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người. Việt Nam đã tham gia thúc đẩy các sáng kiển thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh gia cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em…
Những nỗ lực của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực. Ông Federico Villegas, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ cho rằng, với Hội đồng nhân quyền, việc có những nước đã thể hiện và sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại như Việt Nam là rất cần thiết, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp, còn nhiều khác biệt giữa các nước và các nhóm nước. Còn trong bài viết với tiêu đề “Tuyên bố của Việt Nam tại châu Âu về việc gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ”, Nhật báo Marx21 của Italy đánh giá: “Trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các hoạt động và chương trình của hội đồng. Cũng tại diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định rõ thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đóng góp nhiều sáng kiến nhằm giúp xử lý các vấn đề nhân quyền toàn cầu. Việc Việt Nam được các nước ASEAN nhất trí lựa chọn làm ứng cử viên của khu vực Đông Nam Á tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện sự tin cậy và thống nhất cao của ASEAN đối với Việt Nam trên lĩnh vực này”. (Còn nữa)