- Thực phẩm sạch: Khi "đại gia" bắt tay với nông dân
- "Chủ tịch phường phải đi kiểm tra ATTP, không được đút chân gầm bàn"

Dưa muối - món ăn truyền thống của người Việt là món ăn chứa nhiều muối
Công bố của Bộ Y tế về các yếu tố nguy cơ với bệnh không lây nhiễm được điều tra trong năm 2015 cho thấy, lượng tiêu thụ muối của một người Việt trung bình là 9,4g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (dưới 5g/người/ngày). Đáng nói, có tới gần 70% người cho rằng họ sử dụng muối vừa phải, ít hoặc rất ít, trong khi ngay cả những người cho rằng mình ăn muối vừa phải cũng đã là gấp đôi so với khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, sở dĩ nhiều người cứ nghĩ mình ăn ít muối, nhưng thực ra lại nạp lượng muối rất lớn vào cơ thể, là bởi họ sử dụng nhiều loại gia vị khác nhau trong một bữa ăn như nước mắm, bột nêm, bột canh, mắm tôm…
Ngoài ra người tiêu dùng chưa nhận diện được các loại thức ăn chứa nhiều muối. Trong 3.740 đối tượng tham gia nghiên cứu thì có đến 70,3% người có thói quen thường xuyên thêm muối/bột canh hoặc trộn mắm vào thức ăn trước hoặc trong khi ăn. Đa số đối tượng thường xuyên sử dụng thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao…
Điều tra cũng cho biết, đa phần người Việt cho rằng muối chỉ đơn thuần là muối hạt, muối tinh, nước mắm, bột canh… Trong khi thực tế, rất nhiều gia vị hoặc các thực phẩm khác hàng ngày người tiêu dùng nạp vào cơ thể đều chứa một lượng muối nhất định. Chẳng hạn như ăn hoa quả chấm muối ớt, muối tiêu, nêm nếm xì dầu, tương, mắm tôm… Hay thậm chí là mì chính, một loại gia vị rất phổ biến ở Việt Nam cũng chứa nhiều muối.
Không chỉ vậy, người Việt còn sử dụng rất nhiều thực phẩm muối như cà muối, dưa muối, cá muối, thịt muối, kim chi… Các thực phẩm ăn nhanh như thịt hộp, giăm bông, mỳ tôm, xúc xích, ruốc… cũng là những thức ăn chứa nhiều muối. Đối với trẻ em, những đồ ăn yêu thích như bim bim, bánh mặn, khoai tây chiên cũng nên hạn chế, vì chúng cũng là những món đồ chứa khá nhiều muối.