Nhà xã hội giá tiền tỷ

ANTĐ - Hôm qua, 24-1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về thực trạng giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS). Không chỉ nêu ra nguyên nhân khiến thị trường tụt dốc thảm hại, các ĐBQH cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe với “chiến dịch” ứng cứu BĐS.

Nhà cho người thu nhập thấp chỉ nên thấp hơn 500 triệu đồng/căn

Máy bay toàn ghế hạng sang!

Bàn về những giải pháp giải quyết lượng nhà đất tồn kho cực lớn hiện nay, ĐB Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hướng phát triển của thị trường về lâu về dài vẫn còn chưa rõ. “Tồn kho chỉ là cái ngọn. Không xử lý cái gốc, để mỡ máu vẫn cao, thành mạch xơ vữa thì sớm muộn cục máu đông lại xuất hiện. Phải có giải pháp ngăn chặn đầu cơ, quản lý phát triển đô thị đúng hướng”. 

ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh ví von: “Cung – cầu không gặp nhau là do chiếc máy bay BĐS của chúng ta toàn ghế hạng thương gia mà không có ghế phổ thông. Phải để thị trường điều chỉnh, càng can thiệp hành chính có khi càng rối...”. Ông nhấn mạnh: “Phải rà lại hệ thống luật pháp xem hở chỗ nào. Doanh nghiệp kêu rất dữ là làm dự án phải “mua” đất nông nghiệp 2 lần: một lần thỏa thuận đền bù cho dân, một lần nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, làm giá thành sản phẩm đội lên cao, không bán được”. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, sự mất cân đối về cơ cấu sản phẩm có trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Ông nhận trách nhiệm: “Trước hết cũng do Bộ Xây dựng chưa xây dựng đầy đủ văn bản pháp luật trình Chính phủ ban hành, đặc biệt là thiếu chế tài ràng buộc đầu tư phát triển đô thị đúng quy hoạch”. 

Bộ trưởng cũng không quên nhắc tới trách nhiệm của các tỉnh, thành phố bởi đã có hơn 3.000 dự án được phân cấp cho địa phương phê duyệt, kiểm tra. Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc đảm bảo cân đối cơ cấu sản phẩm, kết nối hạ tầng đồng bộ hay xử phạt những chủ đầu tư không làm đúng cam kết... Ông cho biết: “Tới đây, sẽ có đơn vị quản lý có trách nhiệm như một nhạc trưởng, không để các nhà đầu tư phát triển độc lập như trước, tránh tình trạng dự án thiếu hạ tầng, không kết nối đồng bộ, biến khu đô thị thành một “làng” riêng”.

Không thể “cứu” tràn lan

Chưa nói sâu tới từng giải pháp, nhiều ĐBQH đặt vấn đề, “tại sao phải cứu BĐS vào lúc này”?. ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) hỏi thẳng: “Các giải pháp này nhằm cứu doanh nghiệp, người dân hay cứu nhà đầu cơ? Sao phải cứu đầu cơ, khi lãi khủng thì họ có nghĩ tới người nghèo, tới đất nước hay không?”. ĐB Trần Xuân Hòa, Ủy viên UB Kinh tế chất vấn: “Có nên cứu tràn lan không? Có người nói cung căn hộ đã đủ đến năm 2050. Vậy sao giá không giảm đến mức người dân chấp nhận được? Có hay không tâm lý “neo giá” chờ giải cứu?”. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, nợ xấu BĐS chủ yếu là do kinh doanh chộp giật, định giá trời ơi, thổi giá. Vậy Bộ Xây dựng làm sao để bóc gỡ được giá trị ảo, tham nhũng để cứu BĐS thực? ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thắc mắc: “Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nhưng giá tới 1 tỷ đồng. Nếu phải đi vay, tiền lãi suất người dân phải trả có khi cả trăm triệu đồng/năm. Số tiền cao như vậy thì sao chi trả được?”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời, các giải pháp của Chính phủ là tổng thể, đồng bộ, tác động đến cả cung lẫn cầu và không chỉ ở tầm nhìn ngắn hạn. Bộ trưởng phân tích thêm, cung vượt cầu là ở phân khúc nhà cao cấp và trung bình, còn nhà thu nhập thấp thì cung nhỏ hơn cầu rất nhiều. Phản ứng của từng thị trường – điển hình là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội – có thể rất khác nhau, vì thế giải pháp cũng phải rất linh hoạt. Điểm mới của “chiến dịch hỗ trợ BĐS” lần này là “gắn rất chặt chẽ với chiến lược phát triển nhà ở, cụ thể hơn là chú trọng đến phân khúc nhà ở xã hội. Dẫu vậy, Bộ trưởng cũng đồng tình “nếu giá nhà 1 tỷ đồng thì dân khó mua thật, nên mong muốn là 500 triệu đồng trở lại thôi...”.