Nhà và nóc

(ANTĐ) - Hay thật, hễ trên thế giới có ngày gì là ta có ngày đó. Ngày Môi trường, Ngày Tình yêu, Ngày Gia đình, Ngày Phòng chống thiên tai… Làm như thể, nếu như không có những ngày đó thì ta không nhớ là mình cũng có tình yêu, cũng có gia đình từ hàng nghìn năm nay.

- Không nên bắt bẻ thế. Sở dĩ có ngày đó là để nhắc nhở mọi người không được quên sống trong yêu thương, trong gia đình, bởi vì môi trường xã hội ngày càng bị đe dọa và xuống cấp không bởi thiên tai mà còn tại “nhân tai”.

- Ông nói nghe lọt tai đấy. Quả thật bây giờ nhiều nhà ở thành phố “mất nóc” thật, tất cả đều thay bằng mái bằng. Xưa có câu: “Con không cha như nhà không nóc”; bây giờ thấy bao chuyện anh em ruột thịt tranh giành nhà cửa, con cái đuổi người dứt ruột đẻ đau, nuôi mình từ hòn máu, ra ngoài đường. Đến mức cha mẹ phải đi ăn mày, may mà còn có xã hội hoặc người tốt bụng nhận nuôi.

- Chuyện đó cũng có nhưng không phải phổ biến. Đang phổ biến là tình trạng hầu hết các gia đình đều chia tách, con cái ra ở riêng. Kinh tế độc lập, cuộc sống độc lập và tình cảm cũng độc lập. Ai biết phận nấy.

- Phải chấp nhận quy luật thôi. “Sống mỗi người mỗi nhà” mà. Vả lại xa thơm, gần dễ rắc rối, đau đầu cả cha mẹ lẫn con cái.

- Biết thế, nhưng cái sự “tan đàn xẻ nghé” đang phá vỡ truyền thống gia đình Việt Nam. Tất cả đều khép kín, mỗi người mỗi nhà, mỗi phòng như một thế giới riêng. Nhiều gia đình trẻ, vợ và chồng, bố mẹ và con cái như kẻ “ở trọ trần gian”.

- Có lẽ chỉ ở nước ta mới gọi gia đình là tổ ấm. Muốn giữ tổ ấm thì mỗi người phải tự thắp nên một ngọn nến lung linh và biết cách che chắn những cơn gió từ bên ngoài.

- Người ta hay nói, thế giới phẳng nhưng gia đình mà cũng bằng phẳng nốt thì nguy to. Nhà thì phải có “nóc”, có trên có dưới, chứ toàn mái bằng thì dễ hư hỏng lắm. Tất nhiên phải giữ đừng để “dột từ nóc dột xuống” thì thật vô phương cứu chữa.