Nhà trọ đua nhau tăng giá

(ANTĐ) - Những ngày gần đây, tại hầu hết các khu Dịch Vọng, Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Nhân Chính... đều ghi nhận sự tăng giá đột ngột của các chủ nhà trọ từ 200-300.000/phòng. Nguyên nhân được cho là tháng 7, kết thúc năm học, sinh viên nghỉ hè trả phòng, các chủ nhà trọ nhân cơ hội này cũng tăng giá phòng đồng loạt. Một nguyên nhân khác theo họ là tăng lương thì phải tăng giá.

Nhà trọ đua nhau tăng giá

(ANTĐ) - Những ngày gần đây, tại hầu hết các khu Dịch Vọng, Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Nhân Chính... đều ghi nhận sự tăng giá đột ngột của các chủ nhà trọ từ 200-300.000/phòng. Nguyên nhân được cho là tháng 7, kết thúc năm học, sinh viên nghỉ hè trả phòng, các chủ nhà trọ nhân cơ hội này cũng tăng giá phòng đồng loạt. Một nguyên nhân khác theo họ là tăng lương thì phải tăng giá.

Bà Nguyễn Ngọc Loan có 5 phòng rộng 15m2 tại làng Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Trước thời điểm tháng 6, giá cho thuê mỗi phòng tại đây là 1 triệu/phòng. Nắm bắt được nhu cầu cần chỗ ở của thí sinh và người nhà khi lên thi đại học, cuối tháng 6 bà thông báo thu hồi tất cả các phòng với lý do “sửa chữa”. Ngay đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, với giá 50.000 người/ngày đêm, mỗi phòng bà dồn 10 thí sinh và người nhà, chỉ trong vòng 3 ngày thi bà đã thu được 1,5 triệu/phòng. Bà Loan cho biết: Đây là dịp “làm ăn” duy nhất trong năm, lợi thế gia đình ở gần nhiều trường đại học nên mới tận dụng được. Chỉ sau 3 đợt thi tháng 7, mỗi phòng cũng thu được 4,5 triệu đồng, gấp mấy lần cho thuê như trước đây.

Tuy nhiên, khi hỏi giá cho thuê phòng sau khi thí sinh thi xong đại học, bà Loan nói luôn: Tất cả các gia đình có phòng cho thuê ở đây đều đã tăng giá, không tin chị cứ đi hỏi. Nhà tôi cũng chỉ tăng lên 1,4 triệu đồng/phòng. Lương tăng, mọi thứ đều tăng, giá nhà cho thuê cũng phải tăng theo. Sinh viên cần chỗ ở ngày càng nhiều nhưng đất có sinh sôi nảy nở được đâu. Ngay làng Dịch Vọng này, số phòng cho thuê so với trước đây chỉ còn 60-70%.

Tại làng Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm, cách đây 5 năm được coi là chỗ ở lý tưởng của sinh viên do có nhiều phòng trọ, giá rẻ. Tuy nhiên gần đây, số phòng cho thuê tại đây cũng giảm đáng kể do nhiều chủ nhà trọ bán đất. Những khu Quan Nhân, Nhân Chính, quận Thanh Xuân cũng trong tình trạng tương tự. Vì vậy với số phòng cho thuê ít ỏi còn lại, các chủ nhà trọ liên tục tăng giá nhưng vẫn “hút” khách.

Thấy phòng trọ tăng giá, nhiều sinh viên lại bắt đầu cuộc hành trình tìm nhà khác rẻ hơn. “Chúng em vừa thi cuối kỳ xong, không còn bận gì nữa. Nhà trọ đang ở tăng một lúc từ 1 triệu lên 1,5 triệu, giá điện nước cũng rất cao nên em phải chuyển thôi. Em quyết định dành một tuần để đi tìm nhà. Tìm được rồi mới về quê một hai tuần, chứ đợi đến lúc lên mới tìm sợ không còn nhà nữa” - bạn Nguyễn Phương Nga, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tâm sự. Dẫu đặt quyết tâm như vậy nhưng Nga cũng không tránh khỏi lo lắng vì hầu hết các khu cho thuê phòng đều đã xác lập mặt bằng giá mới. Còn những phòng vừa rẻ vừa đẹp thì như của hiếm, luôn luôn có người ở.

Năm nào cũng vậy, sau mỗi kỳ thi đại học, mấy chục nghìn sinh viên mới đổ về Hà Nội, trong khi sinh viên tốt nghiệp ra trường về quê chỉ như “nước nhỏ giọt”. Tháng 7, tháng 8 hàng năm luôn là thời điểm cơn khát nhà trọ tăng cao hơn bao giờ hết. Cung không đáp ứng đủ cầu, lẽ dĩ nhiên các nhà trọ đua nhau tăng giá.

Và người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong cuộc đua không giới hạn này là sinh viên, những người chưa có thu nhập. Theo tính toán của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhu cầu về nhà ở của sinh viên là rất lớn, với tốc độ tăng trưởng bình quân như trong 5 năm gần đây thì đến năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 4,3 triệu học sinh, sinh viên. Trong khi đó, số lượng ký túc xá hiện mới chỉ đáp ứng 15-22% nhu cầu của học sinh, sinh viên.

Mong rằng dự án ký túc xá cho sinh viên tại Hà Nội của Chính phủ sớm được hoàn thành để giải quyết nỗi bức bối này.

Khánh Hòa