Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng rưng rưng kể chuyện các mẹ Việt Nam anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Đợi con", bức ảnh xúc động về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) ngồi lặng lẽ trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa, đã một lần nữa xuất hiện triển lãm ảnh "Mẹ" vừa khai mạc sáng ngày 16-10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. 

Chia sẻ về cảm xúc khi chụp bức ảnh này, nhà nhiếp ảnh Trần Hồng, tác giả của bức ảnh nổi tiếng về Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ cho biết, trong đời cầm máy chụp, ông đã chụp rất nhiều bức ảnh về các mẹ Việt Nam anh hùng nhưng ấn tượng nhất là bà mẹ Thứ. Đó là người mẹ phải hứng chịu nỗi đau không từ nào có thể diễn tả. Nhà mẹ Thứ có đến 11 liệt sĩ, trong đó có 9 con trai, 1 con rể và 1 người cháu ngoại.

Năm 2001, ông chụp bức đầu tiên, cảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy. Bức ảnh toát lên sự cô đơn vĩ đại của người mẹ đã hiến dâng cả 9 người con cho đất nước. "Bất chợt bữa đến nhà, tôi thấy mẹ đang ngồi như thế này. Bà bảo tôi rằng bà vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng về với tôi, chắc chắn thế", nhà nhiếp ảnh Trần Hồng nói.

"Đợi con", bức ảnh xúc động về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ của nhà nhiếp ảnh Trần Hồng

"Đợi con", bức ảnh xúc động về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ của nhà nhiếp ảnh Trần Hồng

Cùng chung câu chuyện về mẹ Thứ, nhà nhiếp ảnh Trần Hồng chia sẻ, ông đã lần thứ 2 có được bức ảnh về bà khi mẹ Thứ tròn 100 tuổi. Đó là bức ảnh "Giấc mơ của bà mẹ".

Ông kể đó là giây phút may mắn mà ông ghi lại khi đến thăm đúng lúc mẹ đang ngủ trưa. Mẹ ngủ trong một giấc mơ êm đềm bên di ảnh người con trai. "Mẹ vẫn sống để chờ đợi con, những cuộc trở về của những người con trong mơ. Mẹ đã được nhìn từng mặt 9 người con trai trở về trong giấc mơ của mình", ông bồi hồi xúc động. Khoảnh khắc quý giá ấy đã làm nên một tác phẩm để đời cho ông về chân dung mẹ.

Cũng tại triển lãm "Mẹ", người xem còn được biết đến chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng khác ở trên mọi miền Tổ quốc. Có bức ảnh được chụp cách đây vài chục năm, nước ảnh đã ngả màu thời gian, có bức ảnh mới được chụp, nước ảnh còn tươi nguyên nhưng ở các bức ảnh này, người xem đều cảm thấy xúc động, sự trân trọng, tôn kính dành cho những người mẹ Việt Nam đã hiến dâng cho Tổ quốc những đứa con thân yêu. Gương mặt người mẹ nào cũng hằn sâu nơi khóe mắt nỗi đau và nỗi nhớ thương người chồng, người con không trở về.

Bức ảnh "Đón con về" chụp mẹ Cả Tám trong ngày đón hài cốt con về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà

Bức ảnh "Đón con về" chụp mẹ Cả Tám trong ngày đón hài cốt con về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà

Đặc biệt, mỗi bức chân dung chỉ có vỏn vẹn vài dòng chú thích của tác giả nhưng mỗi câu, mỗi từ trong đó là những giọt nước mắt, là nỗi đau tận cùng của người mẹ mất con và sự đồng cảm của tác giả trước những mất mát mà các mẹ đã trải qua.

Ví như bức ảnh "Đau đáu ngóng tin con", nhà nhiếp ảnh Trần Hồng đã viết: "Nếu gợi thêm một chút xíu nữa thôi là mẹ khóc. Biết vậy, tôi chỉ ghi lại tấm hình của mẹ trong số các Mẹ Việt Nam Anh hùng từ Vũng Tàu ra Hà Nội để nhận sự tôn vinh của Tổ quốc tháng 12/1994".

Hay bức ảnh "Đón con về", nhà nhiếp ảnh Trần Hồng lại viết: "Mẹ Cả Tám trong ngày đón hài cốt con về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà xã Đồng Nguyên, Tiên Sơn, Hà Bắc. Mẹ vui vì đón con về với quê hướng nhưng một lần nữa nỗi đau thắt ruột gan lại dày vò lòng mẹ. Mẹ mất con là thật".

Người xem tham quan triển lãm ảnh "Mẹ"

Người xem tham quan triển lãm ảnh "Mẹ"

Hay bức ảnh "Lòng mẹ", ông lại viết: "Mẹ Bắc ở Hà Nội đã tròn 100 tuổi. Đứng bên bàn thờ các con, mẹ ngước nhìn Bằng Tổ quốc ghi công và thắp hương cho ba con của mình. Ánh mắt rưng rưng nhưng vẫn rất kiên định như lòng mẹ".

Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng là người đang sở hữu nhiều bức ảnh về mẹ Việt Nam anh hùng. Tại triển lãm "Mẹ" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB Trái tim người lính và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức, ông đã cho ra mắt người xem 90 bức ảnh chân dung những người mẹ Việt Nam và các câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh. Không chỉ là các mẹ Việt Nam anh hùng, tác giả còn tôn vinh hình ảnh của những người mẹ với nỗ lực vươn lên để thành công, hay đơn giản là sự bình dị với thiên chức cao quý của một người vợ, người mẹ.

Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng bên mẹ Việt Nam anh hùng

Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng bên mẹ Việt Nam anh hùng

Thông qua triển lãm, tác giả Trần Hồng mong muốn dành sự tri ân đến các thế hệ phụ nữ Việt Nam, những con người với tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu để các thể hệ mai sau thêm tự hào, yêu thương và trân trọng họ. Đó cũng là lý do tác giả trao tặng 90 bức ảnh của Triển lãm cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để vẻ đẹp, cùng hình ảnh của các Mẹ sẽ còn được lưu giữ mãi và giới thiệu tới nhiều thế hệ mai sau.

Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng từng là một người lính bước ra từ chiến trường. Như một cái duyên, ngay từ khi vào nghề, ông đã viết và chụp ảnh về các bà mẹ. Dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đều được ông trân trọng và chụp lại những khoảnh khắc trong cuộc sống với một tình yêu từ trái tim của người lính.