Nhà máy giấy gây ô nhiễm, người dân lãnh đủ

ANTD.VN - Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số nhà máy giấy, trong đó có Lee&Man (tỉnh Hậu Giang), nhà máy giấy Đại Dương (tỉnh Tiền Giang)…

Lo ngại nhà máy giấy ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Được cấp phép vẫn gây ô nhiễm

Trước phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và không khí tại khu vực nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát. Báo cáo nhanh của Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương cho biết, hiện tượng bụi tại dự án Lee & Man Việt Nam phát sinh tại kho than và khu đất trống sau kho than, khi trời nắng và có gió lớn, bụi sẽ bay tạt đến khu vực ven sông Mái Dầm.

Công ty đã lắp đặt bao lưới chống bụi quanh kho than và trồng cây tại vị trí đất trống. Về tiếng ồn, công ty đã lắp đặt hệ thống cách âm, giảm tiếng ồn. Còn với hiện tượng mùi hôi, công ty sẽ xử lý bùn khô bằng cách đưa vào trộn với than để làm nguyên liệu cho nhà máy điện.

Bộ Công Thương cho rằng: “Giai đoạn vận hành thử nghiệm cũng là quá trình hoàn thiện dần các tồn tại của nhà máy. Việc vận hành chính thức sẽ chỉ được tiến hành khi công ty đảm bảo đủ điều kiện theo quy định”. Theo cam kết của Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam, tháng 4-2017, sẽ hoàn thành các giải pháp chống ô nhiễm. 

Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Từ cuối năm 2016, ngay sau khi phát hiện nhà máy này gây ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có đoàn thanh tra tới làm việc.

Thời điểm thanh tra, dự án đang xây dựng một số công trình bảo vệ môi trường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như: Chưa có hệ thống xử lý Nox trong khí thải nhà máy điện, các silo chứa tro bay, xỉ đáy lò chưa đáp ứng... Thực tế này khiến người dân đặt câu hỏi về khả năng đánh giá tác động đến môi trường của dự án cũng như sự tuân thủ cam kết đảm bảo môi trường của nhà máy.

Đối với dự án nhà máy giấy Đại Dương, Bộ Công Thương cho biết, sản phẩm chính của nhà máy dự kiến là giấy duplex. Việc này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm do nhà máy sử dụng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Vì thế, lo ngại của nhà khoa học và người dân về ô nhiễm môi trường là có cơ sở. Do đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nên đánh giá tác động môi trường của dự án này vẫn chưa được phê duyệt. 

Cẩn trọng lựa chọn dự án

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay, sản xuất giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Với công nghệ phải chuyển từ giấy phế phẩm sang bột giấy, phải trải qua nhiều quy trình như: tẩy mực, băm nhuyễn, làm trắng… sử dụng nhiều loại hóa chất và bản thân các phế phẩm từ giấy cũng chứa nhiều chất gây ô nhiễm có độc tính cao, do đó khi xả thải ra môi trường sẽ gây tác hại lớn cho sức khỏe con người và thủy sinh.

Vị chuyên gia này còn lưu ý, cả 2 nhà máy giấy đều được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc. “Dư luận đã nhiều lần cảnh báo, lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu của nhà thầu Trung Quốc, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất giấy mà trong các dự án điện và các lĩnh vực khác. Do đó, cần giám sát chặt chẽ việc đảm bảo môi trường của các nhà thầu này” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ cho rằng, vấn đề quan trọng là phải xử lý môi trường, nếu không làm được thì phải dừng dự án. “Cần tiếp cận vấn đề theo hướng nhà đầu tư phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Còn cứ bảo làm công nghiệp giấy gây ô nhiễm mà không cho làm thì không ai làm gì nữa cả, nền kinh tế không có sản xuất. Cần xác định đã làm công nghiệp là có ô nhiễm, quan trọng là xử lý ô nhiễm như thế nào và ta giám sát như thế nào để ô nhiễm được giảm thiểu đến mức tối đa” - đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ nói.