Đền bù sự cố môi trường biển ở Hà Tĩnh: Công khai, minh bạch, ngăn ngừa trục lợi

ANTD.VN - Nhằm giải tỏa những căng thẳng của người dân liên quan đến việc đền bù hậu sự cố môi trường biển, sáng 4-4, lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) tổ chức gặp gỡ, trao đổi với chính quyền các xã, cán bộ thôn xóm và đại diện hội đồng mục vụ các giáo xứ một cách công khai, thẳng thắn.

Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Lê Trung Phước chủ trì buổi đối thoại

Tại buổi đối thoại, đại diện Hội đồng mục vụ các giáo xứ Trung Nghĩa, Cửa Sót, Xuân Hải cho rằng: Những lao động làm việc trên các tàu đóng theo dự án chỉ được 5-6 triệu đồng/người nhưng những loại khác lại lên tới 50-70 triệu đồng; khi lập danh sách đối tượng ở Thạch Kim, Hội đồng giám mục có tham gia nhưng cấp trên xét duyệt xong lại không thấy hồi âm, không biết người nào được, người nào không; lập danh sách đợt 2 nhiều đối tượng nhưng khi xét duyệt thì số lượng rất ít...

Một số ý kiến của các đại diện hội đồng giám mục và các chủ kho đông lạnh cũng đề nghị sớm thực hiện đền bù, hỗ trợ đối với các hộ chế biến nước mắm, ruốc, hải sản tồn kho, chủ sử dụng lao động các cơ sở sản xuất nghề biển và các đối tượng làm dịch vụ hậu cần nghề biển.

Ông Lê Viết Huy - Đại diện Hội đồng mục vụ giáo xứ Trung Nghĩa đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù sự cố ô nhiễm môi trường biển. Việc chi trả phải được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, công khai, dân chủ.

Sẽ chi trả đúng, đầy đủ, kịp thời

Sau khi giải trình một số vấn đề nhỏ ở cơ sở, lãnh đạo các xã thuộc diện ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường cũng đã trao đổi, phản ánh một số khó khăn trong thực tiễn ở cơ sở để người dân chia sẻ, cấp trên có hướng tháo gỡ. Ở địa phương phức tạp nhất, ông Trần Văn Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng cho biết: Đến ngày 12-3, xã đã thẩm định 332/2.800 đối tượng và hiện đang tiếp tục rà soát, nhất là đối với những thôn có nhiều đối tượng xem xét bồi thường như: Xuân Hải, Trung Nghĩa, Xuân Hòa...

Tuy nhiên, nơi đáng quan tâm nhất hiện nay ở Thạch Bằng là thôn Trung Nghĩa vì đây là địa bàn không có đất sản xuất, người dân chủ yếu dựa vào khai thác, kinh doanh, buôn bán thủy hải sản nên hầu hết đều bị ảnh hưởng, trong khi đối tượng thuộc diện được hưởng theo quy định có giới hạn...

Thực hiện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại sự cố môi trường biển, huyện Lộc Hà đã tiến hành chi trả đợt 1 cho 5.705 đối tượng với gần 150 tỷ đồng. UBND huyện cũng đã chỉ đạo Hội đồng thẩm định huyện phối hợp tổ thẩm định tỉnh rà soát, áp giá trình Hội đồng thẩm định tỉnh bồi thường thiệt hại cho 8 cơ sở có hải sản tồn kho đã khai báo đầy đủ thông tin với 567.773 kg hải sản các loại với tổng kinh phí bồi thường 11.751 triệu đồng.

Trao đổi, thông tin về các vấn đề cùng quan tâm, ông Phan Văn Nhàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho rằng: Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp ở Lộc Hà đang tập trung vào cuộc quyết liệt để thực hiện chi trả đúng, đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng.

Tuy nhiên, việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại sự cố ô nhiễm môi trường biển trên địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thiếu thông tin, khó thẩm định đối với các đối tượng lao động tự do; quy trình kê khai chủ yếu là do thôn xóm xác nhận, thông qua cộng đồng thống nhất nên một số nơi có tư tưởng cào bằng, gây khó khăn khi thẩm định; hồ sơ chứng từ mua bán hải sản tại thời điểm mua không rõ ràng, thiếu cơ sở cần thiết...

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cũng khẳng định mức đền bù, hỗ trợ cho các lao động trên tàu thuyền khác nhau được quy định rõ theo từng loại nên có mức hỗ trợ khác nhau là không sai. Trong quá trình thực hiện, đến lúc người dân nhận tiền, chính quyền các cấp đã niêm yết danh sách công khai 3 lần tại trụ sở xã và nhà văn hóa thôn; thậm chí còn có hòm phiếu, giấy trắng bên cạnh để người dân có thể ghi ý kiến phản ánh gửi lên chính quyền các cấp nên không có việc thiếu công khai, thiếu thông tin.

Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Lê Trung Phước cũng tái khẳng định: Việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại sự cố ô nhiễm môi trường biển là vấn đề luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt. Việc thực hiện dựa trên tinh thần công khai, dân chủ, đúng quy trình, đảm bảo đúng đối tượng, hạn chế tối đa những trường hợp lợi dụng để trục lợi.

Việc được hưởng hay không, hưởng mức cao hay thấp thì phải căn cứ vào các văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương, tỉnh và huyện không có ý hạn chế. Lãnh đạo huyện mong bà con nhân dân chia sẻ, hợp tác, cung cấp hồ sơ và thông tin đầy đủ để thực hiện chi trả đúng, đảm bảo công bằng, kịp thời.

Ông Lê Viết Huy - Đại diện Hội đồng mục vụ giáo xứ Trung Nghĩa đưa ra ý kiến

Có đối tượng cố tình bóp méo

Trước đó, ngày 2-4, từ vụ việc xô xát đánh nhau của 2 nhóm thanh niên tại một quán cà phê thuộc thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, các đối tượng xấu đã lợi dụng, kích động, lôi kéo nhiều người tham gia đập phá, đánh người, kéo nhau xông thẳng vào UBND xã, UBND huyện gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến hoạt động chính quyền trong nhiều giờ… 

Sáng 3-4 kẻ xấu tiếp tục lợi dụng, xúi giục, lôi kéo rất đông người dân tham gia diễu hành, tụ tập, dương cờ, biểu ngữ có nội dung kích động, phản đối chính quyền, vu khống lực lượng chức năng. Trước sự xúi giục của các đối tượng chống phá, nhiều người đã kéo nhau xông thẳng vào phòng làm việc UBND huyện Lộc Hà; treo băng rôn có nội dung kích động, lăng mạ cán bộ, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong suốt quá trình tụ tập đông người với nhiều hành vi vi phạm pháp luật tại đây, mặc dù các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đã liên tục giải thích, vận động, khuyến cáo… nhưng những phần tử chống phá vẫn cố tình phớt lờ, tiếp tục dùng loa phát đi những lời lẽ kích động, bóp méo việc đền bù sự cố môi trường biển.