Nhà hòa giải bất đắc dĩ

ANTĐ - Trong bối cảnh Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang đứng bên bờ  “cuộc chiến” thương mại, Đức đã lên tiếng bác bỏ nguy cơ nổ ra một cuộc đối đầu thực sự giữa hai trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới này.

Thủ tướng Đức A. Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong buổi họp báo

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp ông sang thăm Đức lần đầu tiên kể từ khi giữ cương vị này, bà Thủ tướng nước chủ nhà A. Merkel nhấn mạnh: “Đức và Trung Quốc cùng bác bỏ chủ trương bảo hộ mậu dịch”. Bà cho biết với tư cách là nền kinh tế lớn nhất EU, Đức cam kết nỗ lực thúc đẩy các bên nhanh chóng thảo luận với Trung Quốc giải quyết vấn đề EU áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm pin mặt trời của Trung Quốc.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, Ủy ban châu ÂU (EC) đã mở cuộc điều tra liên quan đến đơn kiện của EU Pro Sun, Hiệp hội nhà nghề châu Âu chuyên về năng lượng mặt trời. EU Pro Sun cho rằng tấm pin mặt trời và các phụ kiện thiết yếu có xuất xứ từ Trung Quốc được bán tại thị trường EU với giá thấp hơn tới 45% so với cùng loại do châu Âu sản xuất nhờ những trợ giá không công bằng từ Chính phủ Trung Quốc.

Bằng  chứng mà EU Pro Sun đưa ra khá thuyết phục: Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong giai đoạn 2009-2011 và các nhà sản xuất EU cho rằng từ chỗ chiếm 0% thị phần tại thị trường châu Âu, chỉ trong vòng vài năm, các công ty của Trung Quốc đã thống lĩnh hơn 80% thị phần sản phẩm này tại thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu đạt 21 tỷ euro (tương đương 27 tỷ USD) trong năm 2011.

Ấy thế nhưng khi ngày 6-6, thời điểm mà EC dự định sẽ đánh thuế chống bán phá giá trung bình khoảng 47% đối với mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã cận kề, Berlin lại đứng ra hòa giải. Nếu cứ nhìn vào con số thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc lên tới 120 tỷ euro trong năm 2012, trong đó có phần đóng góp không nhỏ từ pin năng lượng mặt trời, khó có thể lý giải hành động của Đức. Tuy nhiên, Berlin đâu phải ngờ nghệch.

Đã bước sang năm thứ 3 mà châu Âu vẫn chưa thoát khỏi “cơn lốc” khủng hoảng nợ công. Tiếp sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, đến lượt Italia và Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 châu Âu cũng đang có nguy cơ phải ngửa tay xin cứu trợ. Đồng euro giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 và chứng khoán châu Âu sụt xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi các lo ngại về khả năng Hy Lạp bắt buộc phải rời eurozone ngày càng tăng lên.

Còn Trung Quốc? Đã 34 năm nay nước này không rơi vào suy thoái. Bất chấp thế giới bên ngoài thế nào, Trung Quốc luôn duy trì mức tăng trưởng GDP 10% mỗi năm và kho dự trữ ngoại hối đã vượt quá 3.000 tỉ USD. Một châu Âu đang “tóp” lại và một Trung Quốc đang không ngừng lớn mạnh tất nhiên sẽ dẫn tới hiệu ứng của nguyên lý “bình thông nhau”. Chính vì thế Bắc Kinh bây giờ đang là chủ nợ lớn nhất của châu Âu. Không có đồng nhân dân tệ tiếp sức, căn bệnh nợ công của châu Âu chắc chắn đã chuyển sang giai đoạn cuối.

Cái giá phải trả cho sự đổ vỡ quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc là rất lớn. Hơn ai hết nước Đức hiểu rõ điều đó và đã chủ động đứng ra làm nhà hòa giải bất đắc dĩ trong vụ kiện tấm pin mặt trời của Trung Quốc bán phá giá.