Nhà cổ khổ vì nhà mới

ANTĐ - Được tiếng là nhà cổ có tuổi thọ cả trăm năm, thậm chí được đưa vào diện bảo vệ và tôn tạo cấp I của thành phố, nhưng mỗi khi có nhu cầu sửa chữa nhà do quá dột nát, gia đình bà Đỗ Thị Hiền, trú tại 119 Hàng Bạc đều bị từ chối và yêu cầu giữ nguyên trạng. Ấy vậy mà khi hàng xóm của bà xây nhà cao tầng khiến căn nhà cổ bị xâm hại thì lại chẳng có cơ quan nào đứng ra bảo vệ…

Công trình 121-123 Hàng Bạc thi công gây ảnh hưởng cho các hộ liền kề

Có mới nới cũ

Suốt từ cuối tháng 11-2012 gia đình bà Hiền đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng của phường Hàng Bạc và quận Hoàn Kiếm để kêu cứu và nhờ can thiệp, thế nhưng, mọi việc cho tới nay vẫn chỉ giậm chân tại chỗ. Căn nhà cổ của bà hiện đã xuống cấp rất nghiêm trọng và có nguy cơ sập mái bất cứ lúc nào.

Căn nguyên việc ngôi nhà cổ của bà Hiền bị hư hại nặng bắt nguồn từ khi ngôi nhà liền kề số 121-123 phố Hàng Bạc tiến hành đào móng tầng hầm để thi công xây mới. Bà Hiền cho biết: “Vì nhà của chúng tôi là nhà cổ, tuổi thọ lâu đời, tường gạch và móng đều rất yếu. Việc nhà 121-123 xây dựng chúng tôi không phản đối, nhưng nếu họ xây thêm tầng hầm thì sớm muộn kiểu gì chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Hậu quả như các anh đã thấy, hiện nay ngôi nhà cổ này càng ngày càng xuống cấp. Kể từ lúc họ đào xong móng tầng hầm, mái nhà chúng tôi đã xô nghiêng và bắt đầu dột tứ tung. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng, nhưng hiện nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, còn bên gây ảnh hưởng cho chúng tôi thì vẫn cứ tiếp tục xây dựng như bình thường”.

Theo thống kê của bà Hiền, kể từ khi công trình bên cạnh thi công, ngay trong tháng 12-2012 căn nhà cổ của bà đã bị thủng 1 mảng tường kéo theo sự xô lệch của cả bức tường liền kề. Sang giữa tháng 1-2013 thì trần nhà bắt đầu có hiện tượng rụng sập theo từng mảng lớn. Và từ cuối tháng 2 đến 5-2013, các mảng tường và trần xuất hiện rất nhiều các vết nứt lộ rõ sự biến dạng hoàn toàn về kết cấu và kiến trúc của ngôi nhà cổ. Cứ mỗi lần xảy ra sự cố bà Hiền đều báo cáo lên UBND phường. Đưa chúng tôi đi xem các vết nứt khắp nhà, bà Hiền chua chát: “Thú thực, ở nhà cổ như tôi cũng chả sung sướng gì bởi chúng tôi không được quyền quyết định sự tồn vong của nó. Rõ ràng là nhà của mình, nhưng có hạng mục nào xuống cấp mà gia đình muốn sửa sang, chúng tôi đều phải xin phép rất khó khăn bởi nhà mình thuộc diện bảo tồn cấp I của thành phố. Vậy nhưng tôi không hiểu sao, khi bên cạnh họ xây nhà mới, rồi ảnh hưởng nghiêm trọng tới căn nhà cổ này thì gần như chẳng có cơ quan nào can thiệp? Bản thân phía chủ công trình thì hoàn toàn không đếm xỉa gì tới những hậu quả họ gây ra cho chúng tôi”.

Căn nhà 119 Hàng Bạc của bà Hiền đang xuống cấp nghiêm trọng

Trách nhiệm của ai?

Ngay sau khi việc xây dựng của nhà 121-123 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới căn nhà cổ thuộc diện bảo tồn của thành phố, UBND phường Hàng Bạc đã có quyết định đình chỉ thi công. Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc cho biết: “Đúng là việc xây dựng của nhà liền kề đã có những tác động xấu tới ngôi nhà cổ 119 Hàng Bạc. Tuy nhiên khi nhận được phản ánh của bà Hiền, chúng tôi đã cho cán bộ xuống kiểm tra thì được biết căn nhà 121-123 có đầy đủ các giấy tờ được cấp phép, trong đó có ghi rõ căn nhà được xây 1 tầng hầm. Phía nhà bà Hiền phản đối dữ dội vì cho rằng, chính việc cấp phép xây dựng tầng hầm cao 2m này là nguyên nhân gây ra lún nứt, ảnh hưởng tới căn nhà cổ của gia đình. Mặc dù UBND phường đã nhiều lần mời các bên liên quan lên để hòa giải, nhưng vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Với tình hình này, chúng tôi chỉ biết đề nghị các bên liên quan gửi đơn ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết”.

Trong khi đó, ông Lê Đức Cường, chủ công trình 121-123 Hàng Bạc cũng thừa nhận: “Việc xây dựng của chúng tôi ít nhiều có ảnh hưởng tới căn nhà cổ của bà Hiền. Xác định rõ điều đó nên chúng tôi đã đề nghị bồi thường cho gia đình bà Hiền số tiền là 300 triệu đồng, nhưng họ vẫn từ chối mà không đưa ra lý do giải thích nào”.

Mặc dù UBND phường Hàng Bạc đã có quyết định đình chỉ thi công nhằm tìm một giải pháp cho các bên liên quan có thể tháo gỡ, đồng thời để đảm bảo căn nhà cổ không tiếp tục xuống cấp thêm nữa, nhưng tính đến thời điểm hiện tại công trình 121-123 vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng. Chính vì vậy bà Hiền đã phải tức tốc gọi điện tới đường dây nóng báo An ninh Thủ đô cầu cứu sau khi trần nhà của bà sập 1 mảng lớn vào ngay giữa bàn uống nước trước sự chứng kiến của khá nhiều người. Theo quan sát của chúng tôi, phần mái của căn nhà cổ này hiện đã bị xô lệch và phải dùng một tấm bạt lớn phủ lên để ngăn nước mưa thấm dột. Lớp lót trần bị rụng từng mảng. Toàn bộ tường nhà ở khu vực liền kề với công trình đang xây dựng đã ẩm mốc và ọp ẹp tới mức có thể dùng tay ẩn đổ, tình trạng rất đáng báo động.

Việc xây dựng nhà là quyền lợi của mỗi người dân. Nhưng trước khi cấp phép xây dựng cho một công trình cao tầng tại ví trí nhạy cảm như khu phố cổ, đặc biệt lại liền kề với một căn nhà cổ thuộc diện bảo tồn cấp I của thành phố, đáng lẽ Ban quản lý phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm cần phải có phương án khảo sát, đánh giá hiện trường xung quanh nhằm đảm bảo hài hòa việc xây dựng giữa công trình mới cũng như sự an toàn của những công trình văn hóa đã hơn 100 năm tuổi. Hiện nay, ngoài việc khiếu kiện, tranh cãi của 2 gia đình thì vai trò của các đơn vị nói trên trong giải quyết hậu quả gần như không có. Và với đà này, sẽ có bao nhiêu căn nhà cổ thuộc diện bảo tồn sẽ dần biến mất?