Nguy cơ leo thang căng thẳng từ kinh tế sang quân sự giữa Mỹ - Trung Quốc

ANTD.VN - Những căng thẳng từ lĩnh vực kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ leo thang sang cả lĩnh vực quân sự khi Trung Quốc đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan…

Nguy cơ leo thang căng thẳng từ kinh tế sang quân sự giữa Mỹ - Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông được “định mệnh an bài” để đối đầu với Trung Quốc

Trong động thái căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến dư luận thế giới dõi theo với quan tâm sâu sắc là việc Bắc Kinh “đe” sẽ áp đặt lệnh trừng phạt các công ty của Mỹ liên quan đến thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan. Tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 21-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định, Bắc Kinh sẽ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo các lợi ích của nước này”, trong đó có việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ tham gia bán vũ khí cho Đài Loan. 

Trung Quốc đưa ra tuyên bố được cho là đầy tính cứng rắn và răn đe trên chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thương vụ trị giá 8 tỷ USD bán cho Đài Loan 66 máy bay chiến đấu F-16C/D Block 70 do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Ông Cảnh Sảng thậm chí còn cảnh báo thêm rằng, Washington sẽ phải đối mặt với các hậu quả nếu không ngừng ngay các thương vụ bán vũ khí đã lên kế hoạch đối với Đài Loan.

Căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Đài Loan đã bùng phát trong bối cảnh hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang có nguy cơ rơi vào cuộc chiến tranh “kép” về thương mại và tiền tệ, hay nói cách khác là cuộc chiến về kinh tế. Bởi thế, đã xuất hiện những ý kiến lo ngại cho rằng căng thẳng kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh có thể leo thang sang cả lĩnh vực an ninh, quân sự.

Lo ngại này không phải không có cơ sở khi dù những căng thẳng thương mại và tiền tệ đang thu hút sự chú ý của cả thế giới, song đối đầu Mỹ-Trung trên Biển Đông cũng như kiểm soát vũ khí, chạy đua vũ trang… cũng không kém phần quyết liệt. Nhằm ứng phó với sự hung hăng, dùng sức mạnh nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Mỹ một mặt tuyên bố có lợi ích sống còn của một quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương, một mặt tiến hành các hoạt động tuần tra của máy bay, tàu chiến và tàu sân bay để khẳng định sự tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đáp trả mọi đòi hỏi chủ quyền phi lý.

Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng về sức mạnh kinh tế, Trung Quốc ngày càng trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ về quân sự. Với sức mạnh của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc trong những năm qua đã ráo riết đầu tư để hiện đại hóa vũ khí trang bị. Bắc Kinh ngày nay đã sở hữu trong tay những thứ vũ khí có sức hủy diệt mạnh nhất của cường quốc bậc nhất thế giới, từ tên lửa đạn đạo vượt đại châu cho tới tàu sân bay, tàu ngầm, tàu chiến tàng hình, máy bay tàng hình… Trung Quốc cũng đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên tại nước ngoài, tại Djibouti thuộc khu vực Sừng châu Phi.

Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Trường Đại học Sydney của Australia vừa đưa ra báo cáo dài hơn 100 trang về đánh giá sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, trong đó cho biết nước này có khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, 160 tên lửa tầm xa và hàng trăm tên lửa hành trình trên bộ tầm xa, bao gồm “sát thủ tàu sân bay” DF-21D. Báo cáo cho rằng kho vũ khí tầm xa chính xác của Trung Quốc đang đặt hầu hết các căn cứ quân sự, sân bay, hải cảng của Mỹ và đồng minh ở Thái Bình Dương trong “tầm ngắm” với mối đe dọa nghiêm trọng.

Căng thẳng kinh tế Mỹ-Trung vì thế chỉ là một phần trong cuộc đối đầu cạnh tranh vị thế, vai trò và tiếng nói của hai cường quốc này trên tầm mức toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực. Phát biểu tại Nhà trắng ngày 21-8 của Tổng thống Donald Trump rằng “đây không phải là cuộc chiến thương mại của tôi” và “tôi là người được định mệnh an bài” để đối đầu với Trung Quốc bởi vậy chứa đựng thông điệp rất đáng chú ý.