Nguy cơ khó lường từ người tâm thần

ANTĐ - Giấu bệnh, bỏ thuốc điều trị, thiếu quan tâm, cư xử định kiến là những lý do cơ bản khiến người tâm thần dễ tái phát bệnh, gây hại cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Có thể nói, hiện nay rất ít người có kỹ năng chăm sóc người bệnh tâm thần. 

Nguy cơ khó lường từ người tâm thần ảnh 1
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1

80% người tâm thần sống ở cộng đồng
Vụ án đối tượng có tiền sử tâm thần tại xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà (Hải Dương) ra tay giết chết 4 người thân trong gia đình khiến dư luận chấn động. Đối tượng này cũng đã tự sát.  Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về việc không biết lúc nào những người tâm thần sẽ lên cơn và gây án, mà bị hại thường là những người gần gũi như người thân, hàng xóm, bạn bè…Đáng nói, đối tượng gây án sát hại 4 người thân đã từng được đi khám tâm thần, cán bộ y tế thường khuyên gia đình đưa  đi điều trị tập trung tại bệnh viện. Tuy nhiên, người bố là cán bộ xã, không muốn tai tiếng, nên giấu bệnh, chỉ cho đối tượng uống thuốc tại nhà, cũng không nhận biết được những dấu hiệu nguy hiểm trước khi đối tượng lên cơn nên án mạng thương tâm đã xảy ra.  Ông La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Trưởng ban điều hành dự án phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng-bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em, cho biết, tỷ lệ người Việt Nam bị mắc 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp tương đương với 14,9% dân số (khoảng 13 triệu người). Tỷ lệ người bệnh tâm thần mãn tính đang được đặc biệt quan tâm chiếm 0,81% dân số (tương đương 730.000 người), đây là những đối tượng thường có hành vi nguy hiểm khi lên cơn, cần được quan tâm sát sao. Tuy nhiên, theo ông Cương, hiện mới chỉ có 40% trong số này có liệu trình điều trị, chăm sóc tốt nên bệnh ổn định, còn có tới 60% bị tái phát, sa sút. “Điều đáng lo lắng là có khoảng 80% đối tượng tâm thần sống tại cộng đồng cùng gia đình nhưng nhiều người không được chăm sóc tốt, không được uống thuốc thường xuyên, tư vấn tâm lý và phục hồi chức năng để hòa nhập cộng đồng. Ngay cả người nhà cũng chỉ coi người tâm thần như “cục nợ”, “kẻ bỏ đi” nên thiếu quan tâm, chăm sóc, thậm chí còn cư xử thô lỗ, kỳ thị khiến các đối tượng này thêm căng thẳng, buồn chán, tức giận, càng dễ phát bệnh hơn” - ông Cương cho biết.  Theo ông Tô Đức - Cục Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay có ít nhất 200.000 người tâm thần nặng cần được quan tâm nhưng các Trung tâm xã hội mới chỉ chăm nuôi được khoảng 10.000 đối tượng. “Có ít nhất 154.000 người tâm thần có hành vi nguy hiểm cho cộng đồng như đập phá tài sản, đánh người, gây án mạng, đi lang thang, gây rối trật tự xã hội đang sống cùng cộng đồng” - ông Tô Đức cho biết. Còn ông La Đức Cương nhận định, nếu được chăm sóc tốt, uống thuốc thường xuyên ngay trong 5 năm đầu phát bệnh thì có tới 20-25% gần như khỏi hẳn, còn lại đều ổn định ít tái phát, thậm chí vẫn có thể lao động, phụ giúp gia đình, “Người tâm thần chỉ có các hành vi bất thường, không kiểm soát được. Còn về nhận thức, cảm xúc họ vẫn suy nghĩ, cảm nhận được thái độ của mọi người xung quanh, hiểu chuyện. Do đó, nếu đối xử định kiến với họ sẽ dồn họ đến những suy nghĩ tiêu cực, dễ bị buồn bực, kích động, giận dữ. Mà họ đã nghĩ gì là thể hiện ra luôn, không suy nghĩ sâu xa. Đó là lý do các vụ án do người tâm thần gây ra thường rất bột phát và nghiêm trọng” - ông Cương khuyến cáo. Rào cản định kiến
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, do định kiến, xấu hổ nếu có người thân bị tâm thần nên nhiều người đã giấu giếm, tự tìm cách chữa trị cho người bệnh bằng thuốc đông y, nhờ thầy cúng… Hoặc nếu có lén lút đưa họ đi khám về cũng lại lén lút cho uống thuốc, không kiểm soát được việc họ có uống thuốc đầy đủ hay không. Nhiều người tâm thần không muốn uống thuốc nên thường nhổ thuốc đi, dẫn đến bệnh không thuyên giảm. Hoặc thấy bệnh nhân cắt cơn lại tưởng bệnh khỏi nên bỏ thuốc trong khi bệnh tâm thần là bệnh mãn tính, phải được điều trị thường xuyên. “Nếu đối tượng đã được chẩn đoán bị bệnh tâm thần, thì nên được theo dõi chặt chẽ, cần phải đưa đi điều trị kịp thời. Nếu trì hoãn điều trị, điều trị không đúng phác đồ, không đủ thuốc thì nguy cơ tái phát bệnh rất cao và lần sau mức độ nguy hiểm càng cao hơn, có thể dẫn đến giết người, tự sát” - bác sĩ Cương chia sẻ.  Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, người tâm thần trước khi phát bệnh thường có những biểu hiện bất thường thông qua lời nói, hành động. Họ hay nói lẩm bẩm một mình, kêu chán đời, nhắc đến việc có người này đe dọa họ, người kia định làm hại họ, ánh mắt cũng hoang dại khác thường. Đó không phải là những lời nói vu vơ của kẻ điên mà thực sự họ đang cảm nhận như vậy. Đến khi thấy bị đe dọa họ hay gây ra các vụ thảm sát với lý do “cảm thấy người này, người kia đe dọa giết họ nên họ giết trước”. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp bệnh nhân tâm thần phân liệt thường giữ kín các suy nghĩ trong đầu sau đó bùng phát thành hành vi, rất khó lường.