Nguy cơ “kép” từ Bắc Cực

ANTĐ - Không chỉ đang phải đối mặt với tốc độ tan băng kỷ lục từ trước tới nay, Bắc Cực còn đang phải đối mặt với nguy cơ khí methane thoát ra từ những tầng đất tưởng như bị đóng băng vĩnh viễn.

Bắc Cực đang đứng trước 2 nguy cơ lớn là băng tan và thoát khí methane

Cảnh báo về nguy cơ “kép” với Bắc Cực được các nhà khoa học quốc tế đưa ra trong 2 cuộc hội thảo riêng rẽ cùng diễn ra trong ngày 19-9. Các nhà khoa học tham gia 2 cuộc hội thảo tại trường Đại học Columbia và tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace (Hoà bình xanh) cùng có chung đánh giá rằng, Bắc Cực đang cùng lúc đối mặt với tốc độ tan băng kỷ lục và nguy cơ thoát khí methane từ các tầng đất và đáy biển vốn đóng băng từ xa xưa.

Theo số liệu của Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết Quốc gia Mỹ tính toán từ các hình ảnh vệ tinh, lượng băng Bắc Cực đã và đang tan chảy rất mạnh. Tính tới ngày 16-9, tổng diện tích băng tại Bắc Cực chỉ còn 3,4 triệu km2, mức thấp nhất kể từ đầu năm và cũng là mức thấp nhất từ năm 1979 khi bắt đầu thu thập dữ liệu này đến nay. 

Trong khi đó, phát biểu tại hội thảo của tổ chức Greenpeace, nhà hải dương học Wieslaw Maslowski thuộc trường Cao học Hải quân Mỹ cho biết, từ năm 1979 đến 2012, lượng băng ở Bắc Cực đã suy giảm trung bình 13% mỗi thập kỷ, cao hơn so với mức giảm 6% trong giai đoạn 1979-2000. Nhà khoa học này cảnh báo nếu xu hướng này tiếp tục, băng ở Bắc Cực sẽ không còn vào cuối thập niên này. 

Vấn đề băng tan ở Bắc Cực đã được cảnh báo rất nhiều lần, song những số liệu mới nhất cho thấy tốc độ tan băng ở đây còn vượt quá mọi dự báo trước đây. Số liệu tính toán đưa ra đúng 5 năm trước, vào ngày 

16-9-2007, cho thấy tổng diện tích băng của Bắc Cực là 4,1 triệu km2.

Không chỉ có vậy, hiện tượng tan băng kỷ lục đang khiến Bắc Cực đối diện với nguy cơ bị thoát khí methane vốn nằm dưới những tầng đất và đáy biển tưởng chừng đóng băng vĩnh cửu. Hơn 8 triệu tấn khí methane, tương đương với lượng methane thoát ra từ tất cả các đại dương hàng năm, bị lưu giữ dưới các lớp băng vĩnh cửu ở đáy biển Bắc Cực đã thoát vào khí quyển và con số này tăng lên do băng ở cực Bắc đang tan chảy nhanh chóng. Khí methane đang bị lưu giữ ở thềm lục địa Bắc Cực thoát vào khí quyển có thể làm Trái Đất nóng lên đột biến.

Nguyên nhân chính làm băng ở Bắc Cực tan với tốc độ kỷ lục là do khí hậu Trái Đất đang ấm lên do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thải ra ngày càng nhiều. Với tốc độ tan chảy hiện nay, các nhà khoa học cho rằng rất có thể nhân loại sẽ phải chứng kiến một Bắc Cực không có băng vào mùa hè năm 2100.

Không khó để nhìn thấy trước hậu quả gì sẽ xảy ra nếu băng Bắc Cực cứ tiếp tục tan chảy với tốc độ như hiện nay. Trước hết, băng Bắc Cực tan sẽ khiến nước biển dâng cao đe dọa nhấn chìm các khu vực duyên hải trên toàn cầu. Các nhà khoa học cũng ước tính rằng tổn thất kinh tế cho nhân loại do tan băng nhanh ở Bắc Cực sẽ lên tới 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2050 do Bắc Cực không còn băng sẽ mất khả năng làm lạnh khí hậu Trái Đất.

Vì vậy, vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là cả thế giới phải chung tay giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu khí quyển Quốc gia Mỹ (NCAR) cho rằng, tốc độ tan băng tại Bắc Cực có thể sẽ chững lại trong khoảng 10 năm tới và điều này phụ thuộc vào hai yếu tố: con người (50%) và sự biến đổi tự nhiên của khí hậu (50%).