Nguy cơ hỏa hoạn tại các chợ trong dịp Tết

(ANTĐ) - Tại các trung tâm buôn bán, đặc biệt là các chợ chính của Hà Nội, số lượng người đến mua sắm và hàng hóa đổ về ngày càng nhiều trong dịp sát Tết. Đây chính là một trong những nguy cơ dễ phát sinh hỏa hoạn tại các chợ trong dịp Tết…

Nguy cơ hỏa hoạn tại các chợ trong dịp Tết

(ANTĐ) - Tại các trung tâm buôn bán, đặc biệt là các chợ chính của Hà Nội, số lượng người đến mua sắm và hàng hóa đổ về ngày càng nhiều trong dịp sát Tết. Đây chính là một trong những nguy cơ dễ phát sinh hỏa hoạn tại các chợ trong dịp Tết…

Người đông, hàng nhiều, dễ phát sinh cháy

Chợ Mơ ngày cuối năm khá nhộn nhịp. Thông tin về việc chợ sẽ di chuyển đến địa điểm mới nhường chỗ cho dự án xây dựng trung tâm thương mại không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý  người mua và người bán.

Do khoảng cách giữa các quầy kinh doanh quá hẹp, lượng người ra vào đông, hàng hóa chất đầy nên  để mua được một món hàng, khách phải chen chúc, len lỏi khá vất vả. Quan sát tại một số quầy hàng, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy hệ thống dây điện và các bóng đèn treo lỏng lẻo, sát ngay những mặt hàng dễ cháy. Thậm chí có hộ còn bày bán hàng ngay trên lối thoát nạn.

Do được xây dựng khá lâu nên cơ sở hạ tầng chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, các gian hàng ngày càng chật chội. Một số điểm đặt bình chữa cháy đã bị hàng hóa che lấp. Bà Vũ Thị Nguyện – một khách mua hàng lo lắng: “Nguy hiểm nhất là khu vực bán hương và hàng mã. Chiều lòng khách, có chủ cửa hàng đã thử hương cho khách nên chỉ cần một chút sơ sẩy là hậu quả khôn lường”.

Tại chợ Hôm Đức Viên, cảnh mua bán diễn ra tấp nập, đặc biệt là tại khu quần áo, hàng vải. Mặc dù BQL chợ đã treo biển cấm hút thuốc lá nhưng vẫn có một số người vi phạm. Để phục vụ công tác PCCC, BQL chợ đã lắp đặt thêm 2 máy bơm nước đề phòng hỏa hoạn. Tuy vậy vẫn có không ít hộ kinh doanh tỏ ra chủ quan. Bên cạnh đó, lượng hàng đổ về chợ ngày một nhiều, lấn chiếm hành lang, lối đi làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Chúng tôi cũng không khỏi lo lắng khi đến chợ Hàng Da. Mặc dù hệ thống điện tại đây đã được cải tạo, song khi đi từ tầng dưới đến tầng trên, hầu như chỗ nào chúng tôi cũng bắt gặp cảnh hàng hóa xếp chồng lên nhau khiến người mua hàng phải len lỏi hoặc trèo qua các bao hàng. Bình cứu hỏa tuy được đặt tại một số vị trí dễ nhìn song nhiều bình đã hoen gỉ, không sử dụng được.

Tại chợ Hàng Da cơ sở hạ tầng xuống cấp, hàng hóa lấn chiếm lối đi
Tại chợ Hàng Da cơ sở hạ tầng xuống cấp, hàng hóa lấn chiếm lối đi

Cần có biện pháp PCCC hiệu quả

Điểm chung dễ nhận thấy tại các chợ chờ cải tạo là mặt bằng chật chội. Kéo theo đó, những điểm đặt bình, thiết bị chữa cháy dễ bị che khuất bởi hàng hóa. Dưới mặt đất, hầu hết lối hành lang thoát nạn đã bị chiếm dụng. Nhiều người bán hàng và cả đơn vị quản lý chợ có tâm lý không ổn định,  lơ là, mất cảnh giác với công tác PCCC.

Được biết, từ cuối tháng 12-2007, Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra công tác PCCC tại chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Hôm Đức Viên, chợ Đồng Xuân. Qua kiểm tra cho thấy, tại các chợ này còn một số tồn tại: Các thiết bị điện chưa an toàn (quạt chưa có lồng sắt, hàng hóa  sát với bóng đèn, đường dây điện cũ), ý thức PCCC của một số hộ kinh doanh còn thấp….

Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát PCCC đã có Tờ trình gửi UBND thành phố, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại. Tờ trình cũng đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Thương mại, UBND các quận, huyện và BQL các chợ lập dự án cải tạo, xây dựng lại các chợ đã cũ, có nhiều bất cập trong công tác PCCC như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Ngã Tư Sở…

Theo Trung tá Lê Phi Hùng – Phòng Cảnh sát PCCC: “Mặc dù BQL các chợ đã  có nhiều biện pháp tích cực trong công tác PCCC như mua bình chữa cháy, lắp thêm máy bơm, sửa lại hệ thống điện nhưng trong thời gian chờ cải tạo, xây dựng lại các chợ vẫn phải có các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn PCCC: Thường xuyên kiểm tra, nâng cấp hệ thống điện, bổ sung các phương tiện PCCC, nguồn nước phục vụ cho chữa cháy, tăng cường lực lượng thường trực, bảo vệ, nghiên cứu sắp xếp lại các ngành hàng kinh doanh, chống cháy lan, đảm bảo giao thông chữa cháy, chế độ thông tin báo cháy… Có như vậy, công tác PCCC tại các chợ mới được đảm bảo, đặc biệt là trong dịp Tết Mậu Tý sắp đến”.

Huệ Linh