Cần xem lại hiệu quả tiêm phòng vaccine cúm gia cầm
Mù mờ nguồn lây lan chủng virus mới
Thống kê của Cục Thú y cho thấy, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014, dịch cúm A/H5N1 đã xảy ra tại 155 xã, phường của 90 huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, TP trên cả nước. Số gia cầm mắc bệnh là trên 211.000 con, trong đó chết hơn 100.000 con. Qua một thời gian dài tạm lắng, gần đây, Cục Thú y đã phát hiện virus cúm A/H5N6 trên 1 đàn gà của huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), 1 đàn vịt 1.900 con tại huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) và 1 đàn chim trĩ đỏ 558 con tại huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Chủng virus này giống đến 99% so với chủng virus cúm gia cầm gây chết người ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, kết quả điều tra ổ dịch cho thấy, ổ dịch ở tỉnh Lạng Sơn cách biên giới khoảng 5km, có khả năng liên quan đến gia cầm nhập lậu. Còn ổ dịch tại tỉnh Hà Tĩnh do đàn vịt chăn thả cùng đàn chim hoang (vịt trời). Đáng nói, ổ dịch tại Lào Cai khó xác định được nguyên nhân do đàn chim trĩ được nuôi nhốt tại gia đình hơn 2 năm và đàn gia cầm xung quanh đều âm tính với virus H5N6. Ngay sau khi phát hiện điểm dịch cúm A/H5N6, theo chỉ đạo của Cục Thú y, các tỉnh đã lấy mẫu gia cầm ở khu vực xung quanh để xét nghiệm, trong đó tỉnh Lạng Sơn lấy 7 mẫu, tỉnh Lào Cai lấy 12 mẫu, tỉnh Hà Tĩnh lấy 85 mẫu. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu đều âm tính với virus H5N6.
Mặc dù tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, song theo ông Đàm Xuân Thành, nguồn lây nhiễm chủng virus H5N6 có thể vào Việt Nam theo con đường vận chuyển gia cầm nhập lậu. Trong khi đó, vẫn còn địa phương, nhất là các tỉnh phía Bắc chưa quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Một số trạm, chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông hoạt động không hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu kiểm soát vận chuyển và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bởi vậy, nguy cơ tiếp tục phát sinh ổ dịch và lây nhiễm cho người là rất cao. Đặc biệt, virus cúm có thể lây lan qua chim hoang dã nên rất khó kiểm soát.
Có vaccine dịch vẫn xảy ra?
Theo Cục Thú y, các triệu chứng lâm sàng của cúm A/H5N6 tương đối giống với cúm gia cầm khác và chỉ khi mang mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm mới kết luận chính xác chủng virus gây bệnh. Đáng lo ngại, trên thế giới chưa có vaccine phòng virus cúm H5N6.
Tuy nhiên, theo ông Đàm Xuân Thành, kinh nghiệm chống dịch cúm gia cầm hơn 10 năm qua tại Việt Nam cho thấy, địa phương nào có kế hoạch chi tiết trong công tác phòng chống dịch bệnh, có hệ thống thú y thông suốt đến cấp xã, phường, phát hiện và giám sát tốt sẽ xử lý được dịch bệnh kịp thời. Cục Thú y đề nghị các địa phương chủ động lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sự lưu hành của virus cúm H5N1, H5N6, H7N9 trên đàn gia cầm, nhất là trên gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Dư luận cho rằng, thời gian qua Cục Thú y dường như có tâm lý giấu dịch, không công khai rộng rãi thông tin sự xuất hiện của virus H5N6 cho người dân hiểu và biết mức độ nguy hiểm. Thậm chí, khi phát hiện 2 ổ dịch ở Lạng Sơn và Hà Tĩnh, Cục Thú y đã “đóng cửa”, đến khi có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phòng chống dịch cúm H5N6 thì cũng là lúc Lào Cai phát dịch trên đàn chim trĩ. Trong khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát luôn khẳng định, phải đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, để người dân hiểu và tham gia phòng dịch hiệu quả thì Cục Thú y lại muốn chống dịch một mình. Và, chỉ đến khi tình hình dịch bệnh không thể khống chế trong phạm vi hẹp thì Cục này mới công khai.
Hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Hàng năm, Việt Nam tiêu tốn một số tiền không nhỏ để nhập vaccine nhưng dịch vẫn xảy ra!? Nếu không có sự thay đổi tư duy cũng như cách phòng, chống dịch thì rất khó có một cái Tết không dịch bệnh như lãnh đạo Bộ NN&PTNT mong muốn.