- Hỏa hoạn rình rập chung cư cao tầng
- Nguy cơ cháy lớn, nhiều chủ kho hàng, nhà xưởng vẫn không biết sợ
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”…
Điển hình là vụ cháy xảy ra tại Cà Mau vào đầu tháng 8 vừa qua làm 3 người tử vong khiến người dân chưa hết bàng hoàng. Do ngôi nhà chủ yếu làm bằng vật liệu dễ cháy như tre, gỗ nên khi lửa bắt cháy đã bùng phát rất nhanh, chỉ trong ít phút đã biến hiện trường cháy thành biển lửa khiến 3 người không kịp thoát ra ngoài bị tử vong.
Cũng trong những ngày đầu tháng 8, một cửa hàng kinh doanh gỗ được làm tạm bợ bằng vật liệu dễ cháy trên phố Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội bỗng dưng phát hỏa, thiêu rụi toàn bộ tài sản trong đêm, rất may không có thiệt hại về người.
Cùng thời điểm tại Thạch Thất, Hà Nội, đang trong đêm một nhà xưởng rộng hàng trăm m2 đã bốc cháy, ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ đồ gỗ của xưởng mộc. Nguyên nhân xảy cháy được xác định do chập điện, nhưng nguyên nhân gây cháy lớn, cháy lan là do nhà xưởng được làm chủ yếu bằng tre, gỗ, nên khi lực lượng cứu hỏa đến chỉ còn biện pháp chống cháy lan chứ không cứu vãn được số tài sản đồ gỗ đã bị bén lửa.
Trước những vụ cháy liên quan đến vật liệu dễ cháy như tranh, tre, nứa, lá liên tiếp xảy ra, người dân rất lo lắng về việc hiện trong thành phố Hà Nội xuất hiện một số quán lá được làm theo kiểu “đồng quê” bằng những vật liệu trên tại địa bàn quận Đống Đa và quận Tây Hồ, đặc biệt cùng với đó là khu phố đồ gỗ trên phố Đê La Thành, quận Đống Đa. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã khảo sát thực tế tại một số quán lá.
Với những cái tên “Tiêu Dao Quán” nằm trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa và “Lương Sơn Quán” nằm trên địa bàn phường Láng Hạ, quận Đống Đa hay Tre Place trên địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ… đang thực sự là nỗi ám ảnh của người dân xung quanh về nguy cơ cháy nổ.
Những quán này được làm chủ yếu bằng vật liệu dễ cháy như tre nứa, trong khi đó với mô hình kinh doanh ăn uống, hàng ngày có hàng trăm nghìn lượt khách ra vào. Chỉ cần sơ suất nhỏ, vô tình ném tàn thuốc vào góc nào đó, hoặc nhân viên đầu bếp sơ ý với những bình gas là có thể gây cháy, nổ.
Khi được hỏi những quán này có đảm bảo an toàn PCCC hay không, một cán bộ thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội lắc đầu ngao ngán: “Với những nguyên liệu như vậy thì rất khó nói được điều gì, cho dù họ có trang bị đầy đủ thiết bị PCCC cũng vẫn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn. Để đảm bảo an toàn, lực lượng PCCC tập huấn đầy đủ về công tác an toàn PCCC cho nhân viên, đặc biệt nhân viên đầu bếp vì họ là người trực tiếp sử dụng lửa để đun nấu”.
Vị cán bộ này cũng cho biết, những nơi có nhiều người ra vào thì càng tiềm ẩn nguy cơ cháy. Nguy hiểm hơn, đối với những ngôi nhà được làm bằng tre, nứa, nếu không may xảy ra hỏa hoạn ở thời điểm đông người thì thiệt hại sẽ rất khó lường.
Cần phạt nặng
Về thực trạng trên, phóng viên ANTĐ đã trao đổi với ông Phạm Văn Viên, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, nơi quản lý địa bàn có quán lá “Tiêu Dao Quán”.
Khi hỏi về vấn đề hoạt động cũng như an toàn PCCC của quán trên, ông Phạm Văn Viên cũng tỏ ra rất bức xúc: “Phát hiện nguy cơ gây cháy ở quán này, chúng tôi đã lập đội liên ngành quận, phường, lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra, xử lý. Tuy họ đã có sự thay đổi từ mái lá sang mái tôn, song với kiểu quán làm tạm bợ bằng nguyên liệu dễ cháy chúng tôi thấy vẫn không an toàn. Chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên để lập tổ liên ngành cưỡng chế những điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy, gây mất an toàn cho người dân”.
Cùng với “phong cách” quán lá trên, Tre Place thuộc địa bàn quận Tây Hồ có diện tích rộng hàng nghìn m2, không những được làm hoàn toàn bằng tre, nứa, mà ngay cả phòng ốc cũng được bài trí rất “hiểm hóc”, phòng nào cũng chỉ có duy nhất 1 lối ra vào.
Đại diện Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long, phụ trách địa bàn Tây Hồ khẳng định: “Với lối kiến trúc và kiểu cách của quán tre này đã không đủ điều kiện về an toàn PCCC. Bởi chất liệu dễ cháy rất nhiều nhưng trang thiết bị chữa cháy thiếu đủ thứ. Nếu không may xảy ra cháy tại bếp đun nấu thì chỉ có cách đứng… nhìn mà thôi”.
Về quán Tre Place, lãnh đạo thành phố đang có ý kiến chỉ đạo đơn vị chức năng xem xét những vi phạm, trong đó có vi phạm về an toàn PCCC.
Khi được hỏi về việc trong tình huống không may xảy cháy thì sẽ làm thế nào, một nhân viên đầu bếp tại quán Tre Place trả lời thản nhiên “vứt bỏ mà chạy thoát thân”. Đây là một thực trạng chung với hầu hết nhân viên các nhà hàng, quán ăn, bởi họ không mấy quan tâm tới cách đối phó với hỏa họa và đều có chung một quan niệm “cháy làm sao được”.
Trong khi đó, có thể khẳng định cháy có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nơi nào, thời điểm nào. Và người chữa cháy hiệu quả nhất là người phát hiện đám cháy đầu tiên.
Trong khi đó, theo thống kê, năm vừa qua, trên phố Đê La Thành đã xảy ra 25 vụ chập cháy, trong đó có nhiều vụ gây thiệt hại tài sản hàng tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 - phụ trách quận Ba Đình và Đống Đa cho biết: “Đối với tất cả những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao xảy cháy nổ như quán ăn, cửa hàng làm đồ mộc trên địa bàn quận, chúng tôi đã thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng chữa cháy, tuyên truyền phòng cháy đến từng hộ dân. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã thường xuyên kiểm tra, khuyến cáo người dân tuân thủ quy định an toàn PCCC, phát tờ rơi, ký cam kết thực hiện an toàn phòng chống cháy, nổ”.
Để hạn chế sự cố hỏa họa xảy ra, Đại tá Nguyễn Trường Sơn cảnh báo: “Ngoài việc tuân thủ các quy định về an toàn PCCC thì người dân phải thường xuyên kiểm tra các đồ dùng trong nhà liên quan đến điện. Đặc biệt, đối với những quán lá, hoặc cửa hàng đồ gỗ, xưởng gỗ phải hạn chế tối đa việc sử dụng lửa trần hoặc thắp hương, nến. Bởi thực tế, đã có hàng trăm vụ xảy cháy chủ yếu xuất phát từ việc thắp hương, đốt nến rồi khóa cửa nhà đi giải quyết công việc”.