Người truyền thần cuối cùng đất Sài thành

ANTĐ - Làng vẽ tranh truyền thần ở  Sài Gòn còn có mấy ai tỷ mỷ và chịu khó chăm chút từng nét màu trên những khuôn mặt đã bị bụi thời gian che phủ. Trên con đường ồn ào, tấp nập giữa trung tâm TP.HCM, người họa sỹ tài hoa và khéo léo ấy vẫn ngày ngày soi từng tấm ảnh. “Ừ, chân dung của tôi là vậy... ông lão vẽ đúng lắm” - nguyên mẫu trong những bức chân dung nói với ông mỗi khi ông xuống bút “xuất thần”…

Lặng lẽ giữa phố đông 
Người truyền thần cuối cùng đất Sài thành  ảnh 1

Buổi sáng xanh trong của những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi tìm nhà họa sỹ Từ Hoa Lợi. Những người dân quanh đường Điện Biên Phủ, quận 10 ai cũng biết tiếng và gọi ông là “lão kỳ nhân” vẽ truyền thần của Sài Gòn. Năm nay ông 76 tuổi, nhưng ông bảo, vẽ đã trở thành đam mê, là lẽ sống, nếu không được miệt mài vẽ để làm đẹp cho đời, ông sẽ quỵ… Tôi đùa: Giữa chốn Sài Gòn náo nhiệt này, sao bác vẫn tĩnh tại để vẽ được nhỉ? Ông cười, nghề vẽ truyền thần ngoài bàn tay tỷ mỷ và chăm chút từng đường nét trên giấy, thì đôi mắt người họa sỹ còn phải rất tinh tường để căn từng đường nét trên bức chân dung, phải nắm được cái thần của bức ảnh.

“Cũng có nhiều người đến đây vẽ chân dung, tôi vừa chuyện trò, vừa vẽ để hiểu được tính nết, hiểu được tâm thế và lòng người. Đấy không chỉ là tính ước lệ, là kinh nghiệm và cảm xúc của người vẽ đối với khách hàng, mà còn là tình yêu đối với nghề. Anh cứ nhìn những bức truyền thần, mỗi bức một vẻ, đều toát lên thần thái, rất có hồn, sống động”. Có lẽ thế mà khi vẽ, họa sỹ Từ Hoa Lợi thường dành cho mình những phút tự tại, tâm hồn thanh thản để khi “phiêu” trong từng nét vẽ, bức truyền thần nào cũng đều ẩn chứa một sự tinh tế đến kỳ lạ.

Ở TP.HCM, khi bị mất bức ảnh người thân hoặc những tấm ảnh bị mốc, bong tróc, rách nát không nhìn rõ mặt, đa phần người dân đều đem đến chỗ họa sỹ Từ Hoa Lợi. Trước ở đây cũng nhiều “xưởng” vẽ truyền thần song cuộc sống bươn chải, người thì chuyển sang kinh doanh ảnh, người bỏ nghề, chỉ Từ Hoa Lợi còn quyến luyến với nét văn hóa xưa mà ông trau chuốt, gìn giữ từ thuở sống ở Hà Nội. Ông bảo, khách hàng của ông đến từ hầu hết các tỉnh: Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương… Qua những người thân quen, họ biết đến ông là người vẽ chân dung giống như thật. Có trường hợp một gia đình cách mạng ở huyện Củ Chi, họ nghe tin, đánh xe đón ông về để vẽ chân dung, tuy nhiên con cháu chỉ mang máng nhớ hình ảnh cố nội mình… Thế mà qua câu chuyện, qua sự tưởng tượng, ông miên man trong thế giới của những nét chì trên giấy và họa nên bức chân dung đúng như khách mong đợi. Ông Lợi bảo: “Ông chủ nhà năm ấy hơn 80 tuổi, không hề nhớ rõ nét mặt người thân. Sau 4-5 tiếng, tôi vẽ xong bức chân dung, cả nhà đã ôm lấy tôi nước mắt nghẹn ngào. Đấy là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời vẽ của tôi”…

Những hồi ức đẹp

Người truyền thần cuối cùng đất Sài thành  ảnh 2

Trong câu chuyện, họa sỹ bất ngờ tiết lộ điều thú vị, ông còn là người vẽ truyền thần chân dung Bác Hồ thuộc hàng Top ở Việt Nam. Từ Hoa Lợi bảo, tình cảm ông dành cho Bác Hồ xuất phát từ những hồi ức thật đẹp nửa thế kỷ trước, ở Hà Nội. 

Sinh ở Quảng Ninh, vùng quê quanh năm nắng và gió biển, năm 1955 anh thanh niên Từ Hoa Lợi lên Hà Nội, thi vào trường đại học Y Hà Nội, song dường như trong huyết quản của chàng sinh viên trường Y, tình yêu dành cho nghệ thuật cháy bỏng, nồng nàn quá đỗi, nên học được 1 năm, Từ Hoa Lợi thi tuyển vào Đại học Mỹ thuật dù mới chỉ biết vẽ qua sự ngẫu hứng và tìm hiểu sơ lược sách báo. Thế mà khi ra trường, Từ Hoa Lợi đã trở thành họa sỹ vẽ rất đẹp, và ông được phân về làm ở Đoàn xiếc Trung ương.

Năm 1960 cả miền Bắc đang xây dựng CNXH, không khí lao động hăng say. Một trưa Bác Hồ đến thăm đoàn xiếc không báo trước. Khi ấy Từ Hoa Lợi đang say sưa vẽ pano, áp phích cho chương trình biểu diễn của đoàn. Bác đến gần rồi ân cần vỗ vai: “Cháu làm việc có vất vả lắm không?”. Từ Hoa Lợi giật mình nhận ra vị lãnh tụ. Người họa sỹ trẻ quá đỗi vui mừng, thưa với Bác: “Chúng cháu được lao động và làm việc đúng với nghề là hạnh phúc nhất rồi ạ”… Ông bảo: “Từ khi còn ở Hà Nội, những dịp kỷ niệm lễ lớn của đất nước, các đoàn thể thường đến đặt hàng tôi vẽ chân dung Bác Hồ. Được vẽ về Bác, ngoài lòng thành kính, biết ơn, còn là đam mê sáng tạo nghệ thuật, tìm kiếm những bí ẩn trong một con người vĩ đại”. Mà đã vẽ chân dung lãnh tụ, theo Từ Hoa Lợi, thứ không thể thiếu là phong thái, tư chất và bản lĩnh của người cách mạng. Những lúc như thế, ông phải dồn hết tâm lực ra đầu ngọn chì để vẽ nên những “kiệt tác” truyền thần, làm sao hình ảnh của Bác thể hiện được tình yêu bao la đối với nhân dân, cũng là cách ông thể hiện tình cảm của mình đối với vị cha già kính yêu của dân tộc. 

Ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Từ Hoa Lợi  xin ra khỏi  đoàn xiếc và cùng một người bạn lập cửa hiệu vẽ truyền thần trên phố Hàng Đào. Kể cả sau này khi máy ảnh thông dụng, nghề vẽ truyền thần vẫn đắt khách, bởi chỉ có truyền thần, người Hà Nội mới tìm lại được quá khứ, mới lưu giữ được những nét thời gian. Năm 1991, trong một lần vào TP.HCM thăm bạn, Từ Hoa Lợi đã quyết định chọn mảnh đất phương Nam nồng hậu và phóng khoáng. Vì yêu chồng, vợ ông, nghệ sỹ xiếc Tạ Thị Kim Dung cũng theo ông. Và khi ngoảnh lại, đã hơn 20 năm sinh sống giữa Sài thành, Từ Hoa Lợi vẫn như con tằm nhả tơ, cống hiến hết mình cho nghề truyền thần. Chợt chạnh lòng, tôi hỏi ông: Bác là  người vẽ truyền thần cuối cùng của đất Sài Gòn đấy! Bác đã có truyền nhân chưa? Lão họa sỹ cười đôn hậu: Trước đây tôi cũng từng đào tạo các cháu, nhưng học nghề được một thời gian thì các cháu không trụ được. Rồi ông giải thích, nghề này đòi hỏi phải tỷ mỷ, kiên nhẫn, chịu khó và phải tinh tế, vẽ bằng trách nhiệm của con tim, mà các cháu thì trẻ, thích kiếm tiền ngay, thích bay nhảy. Nhìn giá vẽ của “lão kỳ nhân” đơn sơ bày ngay ngắn những bức chân dung, chì và màu, sau lưng ông là những ồn ào, tấp nập của phố thị, tôi nhận ra Từ Hoa Lợi vẫn đang sống trong những khoảnh khắc đẹp của thời gian, như một nhân duyên để thấy cuộc sống còn rất nhiều niềm vui.\