Người tiêu dùng còn nghi ngại với nông sản hữu cơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để mua các sản phẩm hữu cơ sử dụng để đảm bảo ATTP và sức khỏe nhưng tỷ lệ người tin tưởng vào sản phẩm hữu cơ thì lại khá khiêm tốn. 

Nông sản hữu cơ xuất đi 180 nước

Tại Diễn đàn 'Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến' diễn ra mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, sau 3 năm thực hiện đề án (Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030), tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.

Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…

Đặc biệt, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp;

Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều giúp cho diện tích sản xuất hữu cơ tăng nhanh, qua đó nâng cao chất lượng nông sản so với canh tác theo phương thức truyền thống.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nông sản hữu cơ nhưng vẫn còn nhiều nghi ngại

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nông sản hữu cơ nhưng vẫn còn nhiều nghi ngại

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là một sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang nhiều giá trị trong đó có giá trị tái tạo môi trường, trách nhiệm bảo vệ con người (người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng) và trách nhiệm chung với tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.

Theo ông Toản, những khó khăn mà nông nghiệp hữu cơ phải khắc phục như xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sảm phẩm hữu cơ; khó khăn về mặt chính sách, tham mưu; điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên diện rộng còn hạn chế; khái niệm nông nghiệp hữu cơ được định nghĩa chưa đúng tại nút thắt về lòng tin của người tiêu dùng; khó khăn về hợp lực ngành hàng để cùng nhau đi xa hơn, ở quy mô lớn hơn trong câu chuyện về thị trường.

Tuy nhiên theo ông Toản, những khó khăn này chính là yếu tố tạo ra giá trị của nông nghiệp hữu cơ.

“Chúng tôi thấy rằng cần phải cùng nhận thức làm đúng về mặt sản xuất, tiêu dùng, chia sẻ thông tin. Cần truyền thông minh bạch, rõ ràng, trách nhiệm. Hoàn thiện chuỗi nông sản hữu cơ; hoàn thiện chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng, mô hình, thị trường; đầu vào và đầu ra phải minh bạch (phân bón, lưu thông, nhãn mác...)”, ông Toản nói.

Còn nhiều nghi ngại về nông sản hữu cơ

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp nêu một số lý do như mô hình trồng nông sản hữu cơ còn nhỏ, lẻ; công nghệ chế biến, bảo quản chưa đúng mức; mẫu mã bao bì sản phẩm chậm cải tiến theo nhu cầu thị trường.

"Gần đây, sự việc rau không rõ nguồn gốc gắn mác VietGAP càng khiến người tiêu dùng lo ngại về sản phẩm gắn mác hữu cơ", ông Tiến nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam kiêm Giám đốc điều hành Công ty EColink, nói thêm không chỉ người tiêu dùng Việt mà những doanh nghiệp nhập khẩu cũng khá cẩn trọng và chưa thực sự tin vào chất lượng nông sản hữu cơ của Việt Nam.

Ông Đức dẫn chứng, năm 2008, khi sang châu Âu, công ty ông luôn bị đối tác yêu cầu về kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí đến bây giờ, các đối tác lần đầu làm với công ty cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến doanh nghiệp phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm.

Còn bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.

Hiện nay, thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.

Theo bà Hạnh, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gen; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.